Đắk Lắk: Nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết

Chia sẻ Facebook
15/08/2022 09:26:00

Công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại Đắk Lắk còn gặp nhiều khó khăn, không chỉ thiếu vật tư, hóa chất mà còn thiếu cả sự chủ động, tự giác của người dân.


Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến ngày 12/8, toàn tỉnh ghi nhận 3.151 trường hợp mắc sốt xuất huyết , tăng 6,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý chỉ chưa đầy một tháng qua, toàn tỉnh đã xảy ra 5 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Trong đó có 2 trẻ em và 3 người lớn, hầu hết các trường hợp này đều có diễn tiến bệnh rất nhanh, có người từ khi bệnh khởi phát đến lúc tử vong chỉ khoảng một tuần.


ThS.BS Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách CDC Đắk Lắk cho biết: Hiện nay, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Số mắc và tử vong do sốt xuất huyết liên tục gia tăng. Đáng nói, hầu hết các trường hợp tử vong đều xuất phát từ nguyên nhân người dân chủ quan, khi xuất hiện các triệu chứng sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, vai gáy, không đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, điều trị mà tự ra quầy thuốc mua thuốc về uống, khi không đỡ mới tìm đến các cơ sở điều trị, lúc này tình trạng bệnh đã nặng, khó cứu chữa.

Trong khi dịch sốt xuất huyết trên địa bàn đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca bệnh và ổ dịch mới ngày một tăng, nhưng ngành y tế lại đối mặt với tình trạng thiếu hóa chất diệt muỗi, khiến cho công tác phòng chống dịch gặp khó.

Tại huyện Ea Súp - một trong những điểm nóng về sốt xuất huyết của tỉnh, đến thời điểm hiện tại, mặc dù số ca bệnh đang tăng theo từng ngày nhưng nguồn hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch đang ngày một cạn kiệt.

Bác sĩ Nguyễn Viết Hữu, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Ea Súp cho biết: Hiện nguồn hóa chất dự trữ chỉ đáp ứng để xử lý các ổ dịch nhỏ lẻ, chứ không thể đáp ứng nhu cầu phun hóa chất diệt muỗi chủ động trên diện rộng. Thời gian tới, nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp và lan rộng thì ngay cả hóa chất phục vụ xử lý ổ dịch cũng khó có thể đáp ứng.

Tương tự, tại TP. Buôn Ma Thuột, bác sĩ Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố chia sẻ: Những ngày qua, đơn vị luôn ở trong tình trạng thiếu hóa chất diệt muỗi. Ngày 11/8, sau khi trên địa bàn xảy ra trường hợp thứ 2 tử vong do sốt xuất huyết, đơn vị được CDC Đắk Lắk cấp 5 lít hóa chất diệt muỗi để xử lý ổ dịch. Đến hiện tại, số hóa chất còn hơn 3 lít, trong khi nhu cầu thực tế lại quá lớn.

Liên quan về vấn đề này, thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách CDC Đắk Lắk cho hay: Mặc dù đã được giao kinh phí và UBND tỉnh đã có công văn hướng dẫn định mức chi, nhưng công tác mua sắm hóa chất còn rất nhiều khó khăn do phải thực hiện công tác đấu thầu. Theo quy định, để làm đầy đủ các thủ tục đấu thầu phải khoảng 2 tháng nữa CDC Đắk Lắk mới được mua hóa chất.

Hiện tại, đến ngày 11/8, hóa chất tại kho không còn một lít nào để phục vụ công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết. 5 lít cuối cùng đã cấp cho Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột để xử lý ổ dịch. Ngay cả khi trường hợp tử vong thứ 5 tại huyện Ea H’leo xảy ra, CDC Đắk Lắk cũng không có hóa chất để cấp cho Trung tâm Y tế huyện thực hiện xử lý ổ dịch. Trong khi đó CDC Đắk Lắk cũng không thể mượn hóa chất được vì mượn hóa chất được xem là thông thầu, trái với quy định.

Để khắc phục tình trạng thiếu hóa chất, CDC Đắk Lắk đã làm tờ trình lên Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để xin cấp hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, nhưng đến thời điểm này, Viện cũng chưa đấu thầu xong và chưa mua được hóa chất nên hóa chất cũng bị thiếu.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Dự phòng chủ động, phòng chống véc tơ vẫn là chiến lược quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh này. Với phương châm "Không có muỗi vằn, không có lăng quăng (bọ gậy), không có sốt xuất huyết", thời gian qua, ngành y tế đã nỗ lực vào cuộc nhưng lực lượng chính góp phần hoàn thành mục tiêu trong phòng chống sốt xuất huyết là người dân lại chưa phát huy hết vai trò.

Trên thực tế, sự chủ quan và thiếu tinh thần tự giác cũng như việc không duy trì thường xuyên các hoạt động phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại gia đình, cộng đồng của không ít người dân hiện đang được xem là một trong những trở lực lớn trong công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh.

Có không ít người dân xem việc phòng chống sốt xuất huyết là nhiệm vụ ngành y tế phải tự đảm đương nên thiếu sự chủ động tham gia vào các hoạt động phòng chống do ngành y tế phát động. Chỉ đến khi dịch bệnh xảy ra, bản thân và người thân trong gia đình mắc bệnh mới bắt tay thực hiện các biện pháp phòng bệnh một cách thụ động.

Cũng theo ThS.BS Hoàng Hải Phúc, thời gian qua, CDC Đắk Lắk đã tham mưu cho Sở Y tế, UBND tỉnh ban hành các công văn, kế hoạch, chỉ đạo về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, song nhiều địa phương vẫn chủ quan, chưa thực sự vào cuộc.

Để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết trong điều kiện thiếu vật tư, hóa chất, biện pháp quan trọng nhất hiện nay là phải đẩy mạnh truyền thông làm cho người dân hiểu sự nguy hiểm của dịch bệnh để người dân tự nâng cao ý thức phòng chống.

Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân chủ động tham gia công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) tại từng hộ gia đình, từng thôn, buôn, khối phố để loại bỏ muỗi - nguồn lây bệnh chính.

Chia sẻ Facebook