Đắk Lắk: Hàng trăm trẻ bị xâm hại tình dục, từ tử vong đến mất năng lực giao tiếp
Trong 5 năm qua (2017 - 2021), Đắk Lắk đã xét xử 175 vụ/220 bị cáo về các tội xâm hại trẻ em. Trong đó, có 190 trường hợp xâm hại tình dục.
Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận
Trong 4 tháng đầu năm 2022, tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố điều tra 16 vụ về các tội xâm phạm tình dục trẻ em, bình quân 4 vụ/tháng. Tuy nhiên con số này được xác định chỉ “ bề nổi của tảng băng” dù 5 năm qua, hàng trăm bị cáo đã bị đưa ra xét xử về các tội xâm hại trẻ em.
Trung tuần tháng 6/2022, VKSND tỉnh Đắk Lắk cho hay tình trạng xâm hại tình dục trẻ em gia tăng, diễn biến phức tạp tại tỉnh này, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh nghiên cứu, chỉ đạo các cấp, ngành đề ra các giải pháp phòng ngừa.
Theo con số thống kê do cơ quan này đưa ra, trong 5 năm qua (2017 – 2021), các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố 214 vụ/229 bị can; truy tố 203 vụ/228 bị can; xét xử 175 vụ/220 bị cáo về các tội xâm hại trẻ em. Trong đó, có 190 trường hợp xâm hại tình dục, tập trung vào các tội Hiếp dâm trẻ em, Dâm ô với trẻ em, Giao cấu với trẻ…
Hậu quả, có 8 trường hợp bị tử vong; 163 trường hợp bị tổn thương bộ phận sinh dục; 13 trường hợp có thai; 7 trường hợp phải bỏ học và 160 trường hợp bị tác động mạnh, mang thương tật về thể chất, tinh thần thường xuyên có thái độ lo sợ, tự ti từ đó làm suy giảm nhận thức và mất năng lực giao tiếp xã hội.
Tuy nhiên, tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em trong tỉnh đang tăng đột biến khi chỉ từ tháng 12/2021 đến tháng 4/2022 (4 tháng), Cơ quan CSĐT hai cấp tỉnh Đắk Lắk đang phải giải quyết 17 tố giác, tin báo tội phạm; khởi tố điều tra 16 vụ/16 bị can về các tội xâm phạm tình dục trẻ em (số vụ án được khởi tố trong 4 tháng qua chiếm 8,4% số vụ đã khởi tố trong 5 năm qua).
VKSND tỉnh cho rằng những con số này cũng chỉ là “bề nổi của tảng băng” khi mà phần lớn hành vi xâm hại trẻ em còn chưa được phát hiện do bị đe dọa, dụ dỗ hoặc do e ngại, sợ điều tiếng mà chính nạn nhân hoặc gia đình không lên tiếng tố cáo.
Theo phân tích, các vụ án xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em xảy ra ở khắp các khu vực trong tỉnh nhưng tập trung lớn tại nông thôn (chiếm 78,6% số vụ).
Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, thể hiện sự suy đồi đạo lý nghiêm trọng, coi thường tính mạng, sức khỏe và nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em, như bố đẻ hiếp dâm con gái, anh trai hiếp dâm em gái, người chồng hiếp dâm con riêng của vợ, ông ngoại hiếp dâm cháu, nhiều người hiếp dâm một người; nạn nhân còn quá nhỏ tuổi, bị xâm hại tới mang thai và sinh con…
Một số vụ án xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc trong xã hội như vụ án cha cưỡng bức hai con gái ruột xảy ra tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, kéo dài từ cuối tháng 12/2020 đến đầu tháng 4/2021.
Trần Ngọc Ba đã nhiều lần thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái với ý muốn đối với 2 con gái đẻ của mình là cháu T.D (SN 2/9/2006) và cháu T.T (SN 2015). Thời điểm này, mẹ đẻ của các cháu đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út. Trần Ngọc Ba sau đó bị TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt 19 năm tù về tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Vụ thứ hai, vụ án bố ruột hiếp dâm con đẻ suốt nhiều năm liền không bị phát hiện, khi đến lớp cô giáo thấy cháu có những biểu hiện bất thường đã động viên cháu bé làm đơn trình báo cơ quan chức năng.
Kẻ thủ ác là Nguyễn Võ Tiến Hoàng thực hiện hành vi hiếp dâm con gái ruột của mình là cháu K.H từ tháng 7/2015 đến tháng 9/2018 tại phường TA, Tp Buôn Ma Thuột. Tại thời điểm bị xâm hại lần đầu tiên, cháu H. khoảng 11 tuổi 5 tháng, đến thời điểm xâm lần cuối cùng, cháu H. 14 tuổi 6 tháng 15 ngày. Bị cáo Hoàng sau đó bị TAND tỉnh Đắk Lắk xử phạt 20 năm tù về tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Vụ thứ ba, cháu gái 15 tuổi ở huyện Cư Kuin bị ông ngoại hiếp dâm. Nạn nhân là cháu N. (SN 2005, trú buôn Ea Tiêu, xã Ea Tiêu) sống với ông bà ngoại từ nhỏ. Tháng 6/2021, sau khi uống rượu cùng bạn, ông ngoại N. là Y Căn Knul (SN 1953) đã thực hiện hành vi giao cấu với cháu N. trong phòng. Lúc này, em gái của N. nhìn thấy rồi kể cho mẹ nghe. Điều đáng nói là sau khi phát hiện sự việc, gia đình mới biết ông Y Căn đã thực hiện hành vi đồi bại này với cháu N. hơn 1 năm qua.
Vụ thứ tư, vụ án Lê Viết Bảo – bảo vệ của trường mầm non Hoa Anh (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) hiếp dâm cháu L.A.K (SN 8/7/2013) vào ngày 13/7/2017.
Bảo dẫn dụ cháu K. sang Trường mầm non Hoa Anh Đào ở gần nhà Bảo rồi đưa vào phòng Kế toán thực hiện hành vi hiếp dâm. Tại thời điểm này, cháu K mới qua tuổi thứ 4 được 5 ngày.
Hậu quả, cháu K. bị vết thương rách âm hộ, màng trinh, âm đạo, túi cùng sau, chảy máu ổ bụng; tổng thương tích là 41%. TAND tỉnh Đắk Lắk đã đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt Lê Viết Bảo mức án tù chung thân.
Do xã hội biến chất về đạo đức hay người lớn tiếp tay?
VKSND tỉnh Đắk Lắk nhận định, việc gia tăng loại tội phạm xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Về khách quan, cơ quan này cho rằng tỉnh Đắk Lắk với diện tích rộng, 47 tộc người, giáp 5 tỉnh và biên giới Campuchia, đa phần làm nông trong khi mặt trái của kinh tế thị trường và tiến trình hội nhập làm tăng phân tầng xã hội và phân hóa giàu nghèo. Nhiều gia đình chưa nhận thức được nguy cơ về tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin là sự du nhập của các loại văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy vào. Điều này cùng với sự tha hóa, biến chất về đạo đức, lối sống đã làm gia tăng tội phạm, trong đó có tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em.
Về chủ quan, nhận thức pháp luật của một số người dân, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Nhiều người chưa nhận thức được hành vi họ đã thực hiện là vi phạm pháp luật; tương tự nạn nhân không biết danh dự, nhân phẩm của họ đã bị xâm hại (phổ biến nhất là hành vi dâm ô, giao cấu với trẻ em).
Ngoài ra, có những trường hợp người bị hại và gia đình của người bị hại có tâm lý e ngại, mặc cảm, tự ti, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự, cuộc sống gia đình nên không dám lên tiếng, thường không trình báo mà giấu diếm, bỏ qua hoặc tự thỏa thuận (có thể do bị đe dọa trả thù hoặc hứa hẹn) với người có hành vi phạm tội và gia đình của người phạm tội.
Cũng có trường hợp, mặc dù các cháu bé là người bị hại đã kể lại chuyện bị người khác xâm hại tình dục cho người lớn nghe nhưng người lớn do thờ ơ, coi nhẹ hoặc có thái độ bao che hành vi vi phạm của người thân nên dẫn đến tình trạng các cháu bé tiếp tục bị xâm hại (phổ biến là hành vi dâm ô).
Nhóm tội phạm này bị cho khó xác định khi nhiều đối tượng không rõ nhân thân lai lịch sau khi gây án đã bỏ đi nơi khác; địa điểm thực hiện tội phạm phần lớn là ở các vùng đồi núi hoặc nơi vắng vẻ, ban đêm, không có người làm chứng; chứng cứ vật chất để chứng minh tội phạm không nhiều, không thu giữ được hoặc có thu giữ được nhưng không đủ điều kiện để giám định…
Nạn nhân của nhiều vụ án xâm hại tình dục là trẻ em gái bị bệnh tâm thần, hoặc những trẻ phải học xa nhà, ở trọ, là những trẻ non nớt về kinh nghiệm sống và thiếu khả năng tự bảo vệ mình trước các cạm bẫy.
Ngoài ra, còn có nhóm đối tượng là con em của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có bố mẹ ly hôn, ly thân, bố mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm với con cái tạo nên ý thức sống “buông thả” của con cái, từ đó dễ trở nên sa đọa, bị lôi kéo vào những con đường vi phạm pháp luật hoặc trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục…
Nguyễn Sơn