Đắk Lắk: Chủ động biện pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm
Theo Sở Y tế Đắk Lắk, hiện nay các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm mùa… đang diễn biến phức tạp; do đó người dân không chủ quan.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho thấy, từ đầu năm 2022 đến ngày 6/12, toàn tỉnh ghi nhận 9.837 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, có 10 trường hợp tử vong.
Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, năm 2022, trên địa bàn tỉnh ghi nhận cả 4 type huyết thanh gây bệnh sốt xuất huyết là Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Vì vậy tình trạng bệnh nhân trở nặng, tiền sốc, sốc sốt xuất huyết rất dễ xảy ra, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết trên địa bàn khá cao và chủ yếu là người bệnh mắc type Dengue 2.
Theo bác sĩ Lê Phúc, một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết là do có bệnh nền, chủ quan tự mua thuốc uống tại nhà, khi bệnh nặng mới đến cơ sở y tế khám và điều trị. Khi đó, các bác sĩ nỗ lực điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế cũng rất khó cứu chữa. Dự báo thời gian tới, thời tiết có xu hướng thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát triển và dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường. Do đó, người dân khi có các triệu chứng mắc sốt xuất huyết cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, nhất là trẻ em và người có bệnh nền.
Ngoài ra, tính đến ngày 29/11/2022, toàn tỉnh cũng ghi nhận 885 trường hợp mắc tay chân miệng tại 15 huyện, thị xã, thành phố; tăng so với cùng kỳ năm 2021 là 696 trường hợp. Cùng với đó, các loại dịch bệnh liên quan đến cúm mùa, bệnh Whitmore, Adenovirus, sởi… đều được ghi nhận trên địa bàn trong thời gian qua.
Trước diễn biến phức tạp của các bệnh truyền nhiễm , Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo chính quyền các địa phương và các sở, ngành liên quan tăng cường cảnh giác, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động phối hợp với ngành Y tế triển khai hiệu quả chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy; giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ bệnh sốt xuất huyết tại địa phương; tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ bệnh; xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động. Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ vật tư, trang thiết bị và thuốc để tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân; cập nhật và theo dõi chặt nhóm người bệnh có nguy cơ cao (người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người bệnh nền mãn tính) để hạn chế tối đa trường hợp tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây ra. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải và lây chéo các loại dịch bệnh trong bệnh viện.