Đắk Lắk: Bàn giải pháp phát triển bền vững cây "tỷ đô"

Chia sẻ Facebook
04/04/2024 06:03:19

Để phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng, tăng cường năng lực cơ sở sơ chế, chế biến sâu...

Ngày 3/4, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị tổng kết ngành hàng sầu riêng năm 2023, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thông tin một số vấn đề liên quan đến xây dựng, quản lý mã số vùng trồng, mã số đóng gói, truy xuất nguồn gốc; các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với trái sầu riêng của thị trường Trung Quốc, Liên minh châu Âu…; kinh nghiệm sản xuất, thu hoạch, quản lý mã vùng trồng đối với sầu riêng xuất khẩu của Thái Lan; giải pháp phòng chống các loại sâu bệnh hại trên cây sầu riêng.

Các ý kiến của doanh nghiệp, hợp tác xã cho rằng, cần có giải pháp quyết liệt đối với việc tranh mua tranh bán sầu riêng, đứt gãy chuỗi liên kết do tình trạng "bẻ kèo" vừa xảy ra trong vụ 2023 nhằm tránh lặp lại tình trạng này trong vụ 2024. Nếu không có biện pháp quản lý, xử lý kịp thời, hiệu quả thì sầu riêng Việt Nam có nguy cơ mất thị phần trong thị trường quốc tế…

Để phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng, các đại biểu cho rằng, cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, quản lý sinh vật gây hại và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ngay từ vùng trồng chặt chẽ hơn.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, qua 2 năm sản xuất sầu riêng xuất khẩu chính ngạch và xây dựng mã số vùng trồng đã thu được những thắng lợi nhất định.

Để phát triển bền vững, ông Chiến cho rằng, trong thời gian đến, cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, quản lý sinh vật gây hại và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ngay từ vùng trồng chặt chẽ hơn. Đồng thời, cần tạo ra lằn ranh rõ ràng giữa những sản phẩm có chứng nhận chất lượng với sản phẩm không có quy trình nào cả.

“Tôi đề nghị các doanh nghiệp thu mua ưu tiên, quan tâm hơn đến các sản phẩm đã có mã vùng trồng để ngày càng thu hút nhiều tập thể cá nhân đi vào sản xuất theo chuỗi. Bởi, họ thấy giá trị của mã vùng trồng và chuỗi liên kết có giá trị thì mới thu hút được nhiều đơn vị, cá nhân tham gia sản xuất có trách nhiệm đối với sản phẩm của mình làm ra”, ông Chiến nhấn mạnh.

Tại hội nghị, đại diện hợp tác xã cũng quan tâm đến vấn đề kiểm dịch thực vật, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật… Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk cho biết, đây là vấn đề rất đáng quan tâm. Bởi phía nhập khẩu yêu cầu ngày càng cao hơn về chất lượng và tuân thủ quy định sản xuất, xuất khẩu sầu riêng.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị.

Theo ông Dương, có những vấn đề không phải do lỗi cố ý, gian lận mà quá trình sản xuất, có thể phát sinh tăng hàm lượng một số chất mà nhà nhập khẩu cấm hoặc hạn chế.

Việc này, thuộc về yếu tố kỹ thuật. Do đó, Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT, Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ phải nghiên cứu kỹ để đưa ra các khuyến cáo về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các chế phẩm khác.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh, bên cạnh những thuận lợi, ngành sầu riêng của tỉnh còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Do đó, để phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng của tỉnh, thời gian tới cần tập trung sản xuất đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO:22.000...; tích cực xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát tốt đối tượng kiểm dịch thực vật.

Bên cạnh đó, tăng cường nâng cao năng lực cơ sở sơ chế, bảo quản đông lạnh, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại đảm bảo đáp ứng quy định của nước nhập khẩu.


Khánh Ngọc

Chia sẻ Facebook