Đại tướng Văn Tiến Dũng - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh

Chia sẻ Facebook
30/04/2022 22:08:17

Chỉ huy cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, vị đại tướng ấy đã trăn trở tìm cách ‘đánh vào Sài Gòn như thế nào cho nhanh, chắc thắng nhưng lại phải để thành phố ít bị tàn phá nhất, bảo đảm cuộc sống nhanh trở lại bình thường'.

Hình ảnh Đại tướng Văn Tiến Dũng tại trưng bày Đại tướng Văn Tiến Dũng - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh - Ảnh: T.ĐIỂU chụp lại


Cuộc đời oanh liệt từ một công nhân nghèo trở thành đại tướng, góp công lớn cho thống nhất đất nước năm 1975 đang được giới thiệu tới công chúng tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội (19 đường Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội).


Trưng bày có tên gọi Đại tướng Văn Tiến Dũng - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh , do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 47 năm Ngày thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2022); 105 năm ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng (2-5-1917 - 2-5-2022).

Bên cạnh trưng bày trực tiếp còn có phiên bản giới thiệu trực tuyến tại website: trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn.

Khách tham quan trưng bày - Ảnh: T.ĐIỂU

Trưng bày giới thiệu 150 tài liệu, hiện vật, hình ảnh gồm 3 chủ đề: Người con ưu tú của Hà Nội, Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, Nhớ về Đại tướng.

Trong đó, những lát cắt cho thấy phần nào chân dung một vị đại tướng tài ba, nhà quân sự xuất sắc, tận tụy cống hiến cho công cuộc giải phóng và thống nhất nước nhà, một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Điểm nhấn của trưng bày là làm nổi bật dấu ấn, vai trò của Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng tại Tổng hành dinh Quân đội nhân dân Việt Nam (Nhà và Hầm D67) từ năm 1968 - 1975.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng gặp lại nhau sau ngày thống nhất đất nước vào tháng 5-1975. Hình ảnh trưng bày tại triển lãm

Nhưng không chỉ làm việc tại cơ quan đầu não, thời gian này, theo sự phân công của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đại tướng Văn Tiến Dũng nhiều lần rời căn phòng làm việc, trực tiếp vào chỉ huy các mặt trận nóng bỏng, có tính chất bước ngoặt của cuộc chiến.

Đặc biệt, giữa những ngày giáp Tết năm Ất Mão (1975), vị tổng tham mưu trưởng một lần nữa bí mật rời Tổng hành dinh (Nhà D67) vào Tây Nguyên, chỉ huy những đòn tấn công chiến lược, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 và kết thúc cuộc chiến với vai trò tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đại tướng Văn Tiến Dũng (thứ 2 từ trái qua) tại Sở chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên tháng 3-1975. Hình ảnh trưng bày tại triển lãm

Thông tin từ triển lãm cho biết Đại tướng Văn Tiến Dũng sinh ra trong gia đình nghèo tại làng Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm), thành phố Hà Nội năm 1917. Trải qua nhiều gian khó trong phong trào đấu tranh, trưởng thành trong chiến đấu, từ một người công nhân, ông đã trở thành một tướng lĩnh quân sự cao cấp đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng.

Năm 1953, ông được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ làm tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và là tổng tham mưu trưởng lâu nhất trong lịch sử với 25 năm.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bộ Chính trị, tại Tổng hành dinh, Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo các mặt trận, đánh thắng nhiều chiến dịch lớn; bảo vệ Hà Nội, miền Bắc trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ...

Đặc biệt, trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến, Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng thường xuyên có mặt tại chiến trường, trực tiếp chỉ huy các chiến dịch then chốt, như: Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào; Trị - Thiên; Chiến dịch Tây Nguyên và đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh thống nhất đất nước.

Đại tướng Văn Tiến Dũng - vị tướng tâm trong, trí sáng Sáng 27-4, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và TP Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Chia sẻ Facebook