Đại tá Bùi Văn Tùng xứng đáng nhận được sự công bằng
'Tôi cần sự công bằng cho đại tá Bùi Văn Tùng', đạo diễn Phạm Việt Tùng nhắc đi nhắc lại trong câu chuyện với Tuổi Trẻ khi đề cập việc Chủ tịch nước vừa yêu cầu xem xét phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho đại tá Bùi Văn Tùng.
* Ông đã dành rất nhiều thời gian và tâm sức để tìm kiếm và xâu chuỗi những chứng cứ, nhằm làm rõ vai trò quan trọng của ông Bùi Văn Tùng trong thời khắc lịch sử 30-4. Nay Chủ tịch nước đã yêu cầu xem xét phong tặng đại tá Bùi Văn Tùng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Cảm tưởng của ông như thế nào?
- Tất nhiên trước hết là tôi rất vui vì ông Bùi Văn Tùng rất xứng đáng. Chưa biết từ phản hồi của Chủ tịch nước đến danh hiệu Anh hùng chính thức còn phải đi trên những đường dài nào và bao lâu, nhưng nếu chỉ tính từ chính ngày hôm nay thì đã quá muộn rồi - muộn so với những đóng góp, muộn so với sức khỏe tuổi 92 của ông Tùng.
Tuy nhiên, muộn thì vẫn còn hơn không. Người anh hùng thật sự không thể bị che lấp, danh hiệu Anh hùng đối với ông sẽ là một ghi nhận công bằng.
* Và điều đó đã đủ cho những kiến nghị của ông chưa?
- Đối với những gì tôi đã theo đuổi, danh hiệu Anh hùng cho ông Bùi Văn Tùng chỉ là một bước đầu. Sự thật lịch sử mới là đích đến cuối cùng. Lịch sử như nó đã diễn ra, chứ không phải lịch sử do Bùi Văn Tùng kể, Phạm Xuân Thệ kể hay Phạm Việt Tùng kể.
Nhiều năm trời tôi đã tìm kiếm những hình ảnh, phim, tài liệu, chứng cứ, tư liệu, nhân chứng... để câu chuyện được kể đúng như những gì đã diễn ra buổi trưa 30-4 ấy. Tài liệu đều đã tìm thấy, nhân chứng đã kể chuyện, tôi đã làm phim, các bạn đã viết báo...
Và tôi nghĩ vẫn còn cần phải làm thêm nhiều nữa để giới trẻ tin tưởng vào chúng ta, vào lịch sử được minh định. Có vậy, các bạn trẻ mới tin sử, mê sử, yêu sử, thương con người, đất nước mình hơn.
* Mong muốn ấy của ông hẳn không chỉ từ bộ phim Sự thật lịch sử ngày 30-4-1975?
- Trong suốt đời tác nghiệp của tôi. Tôi có một người thầy suốt đời đó là Bác Hồ, vì tôi đã được đi theo trong đội ngũ phục vụ Bác từ khi còn rất trẻ. Chúng tôi có nhiều sai sót, vấp váp, Bác bảo: "Có ai mà không sai đâu, vấn đề là có biết sửa sai hay không...".
Hành động góp phần kết thúc chiến tranh
"Là những người trực tiếp chiến đấu trong đội hình lữ đoàn xe tăng 203 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đã chứng kiến những hành động quyết đoán, chính xác của đồng chí Bùi Văn Tùng - chính ủy lữ đoàn - trong giờ phút quyết định, đặc biệt là những quyết định và hành động của đồng chí vào thời điểm trưa 30-4-1975...
Hành động của ông đã góp phần kết thúc chiến tranh nhanh nhất, tiết kiệm xương máu chiến sĩ, đồng bào, góp phần giữ gìn thành phố Sài Gòn gần như nguyên vẹn. Hành động đó đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta như một dấu chấm hết vĩ đại...".
(trích đơn đề nghị của đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt,
trưởng ban liên lạc Hội cựu chiến binh lữ đoàn xe tăng 203 - 23-4-2020)
Không màng danh lợi nhưng danh hiệu là sự công bằng
"Bản thân chúng tôi là những cán bộ suốt đời tận trung cống hiến cho chế độ ta, đã hết lòng để bảo vệ sự thật lịch sử bằng sự khách quan, công tâm.
Mặc dù ông Bùi Văn Tùng không màng danh lợi nhưng việc xét tặng danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước cho cống hiến vệ quốc của ông Bùi Văn Tùng sẽ thể hiện sự quan tâm công bằng, như đã trao danh hiệu này cho ông Bùi Quang Thận, ông Phạm Xuân Thệ, đem lại niềm tin cho các thế hệ yêu nước cũng như các cựu chiến binh".
(trích thư đề nghị của ông Phạm Việt Tùng, tháng 4-2022)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu, xem xét việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đại tá Bùi Văn Tùng.