"Đại sứ kim chi" đưa món ăn phổ biến của của Hàn Quốc lên hàng toàn cầu
Với mong muốn quảng bá món kim chi trên toàn thế giới. World Institute of Kimchi (tạm dịch Viện Kim chi Thế giới) đã bổ nhiệm sáu "đại sứ kim chi toàn cầu".
Kimchi, một món ăn truyền thống của Hàn Quốc gồm các loại rau muối và lên men, là một món ăn chủ yếu ở Hàn Quốc, được ăn trong hầu hết các bữa ăn. Kim chi có niên đại vào khoảng năm 37 TCN đến năm 7 CN trong những ngày đầu của thời kỳ Tam Quốc. Đối với người Hàn Quốc, nó không chỉ là một món ăn phụ chứa nhiều chất dinh dưỡng, nó cũng là một biểu tượng của nền văn hóa độc đáo và bản sắc của đất nước. Vào năm 2013, làm kim chi hay "kimjang" đã được ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO.
Người Hàn Quốc đang mong muốn quảng bá kim chi trên toàn thế giới. Trong một thời gian dài, họ đã cố gắng làm hài lòng vị giác của những người nước ngoài bằng món ăn chủ yếu này. Vì mục tiêu này, World Institute of Kimchi (tạm dịch Viện Kim chi Thế giới) đã bổ nhiệm sáu "đại sứ kim chi toàn cầu", những người đã tích cực giới thiệu món ăn này trên khắp thế giới kể từ đầu năm nay.
Các đại sứ là: Kalidas Shetty, giáo sư và giám đốc Viện Khoa học Thực phẩm Toàn cầu tại Đại học Bang North Dakota; Alpago Sinasi, một nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ và phóng viên Seoul; Xanthe Clay, người phụ trách một chuyên mục và thực phẩm của hãng truyền thông Anh The Telegraph; Jyoti Prakash Tamang, giáo sư vi sinh tại Đại học Sikkim; Emanuel Pastreich, chủ tịch Viện Châu Á; và Martin J.T. Reaney, giáo sư tại Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Tài nguyên sinh học tại Đại học Saskatchewan.
Để kỷ niệm Ngày Kimchi vào ngày 22 tháng 11, Shetty, người đã kết hợp kim chi vào tất cả các bữa ăn của mình khi ăn ở nhà, đã nói về những trải nghiệm của mình với kim chi, tiết lộ lý do tại sao nó ngày càng được săn đón ở Hoa Kỳ.
Kalidas Shetty cho biết trong một cuộc phỏng vấn bằng văn bản: "Kimchi đang trở nên phổ biến trên khắp Hoa Kỳ phù hợp với thông điệp là tốt cho sức khỏe. Đây là một trong những thực phẩm lên men dân tộc phổ biến nhất phù hợp với lợi ích sức khỏe. Nó có sẵn ở tất cả các cửa hàng tạp hóa lớn ở Hoa Kỳ, bao gồm nguồn cung cấp số lượng lớn từ các cửa hàng lớn như Costco và Walmart. Cũng có nhiều nhà sản xuất địa phương. Gần đây, tôi đã rất ngạc nhiên khi tìm thấy một loại kim chi củ cải lên men địa phương do một nông dân địa phương ở Bắc Dakota làm và nó được bán với giá 10 đô la một chai/hũ. Nó đã được bán hết trong vòng vài giờ".
Theo Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn, xuất khẩu kim chi của Hàn Quốc năm 2021 đạt mức cao kỷ lục 159,9 triệu USD với thặng dư 19,2 triệu USD.
Shetty giải thích, một trong những lợi thế cạnh tranh của kim chi là nó có thể là một nguồn vi khuẩn tốt tiềm năng, có lợi cho sức khỏe đường ruột.
Ông giải thích: "Đây cũng là một nguồn cung cấp vitamin B tiềm năng do quá trình lên men axit lactic. Quá trình lên men của kim chi cũng cung cấp axit béo chuỗi ngắn (SCFA) được biết là có lợi cho sức khỏe cùng với prebiotic được huy động từ chất xơ của rau củ".
Vị giáo sư gốc Ấn Độ hiện đang học cách làm kim chi cho biết thêm rằng ông rất "kinh ngạc" khi lần đầu ăn thử món kim chi ở Hàn Quốc.
Ông nhớ lại: "Tôi rất ngạc nhiên khi thấy món kim chi có hương vị quen thuộc khiến tôi nhớ đến món cơm muối chua rau củ lên men ở miền Nam Ấn Độ, vì vậy tôi ngay lập tức thích món ăn này. Các đồng nghiệp Hàn Quốc của tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy tôi thưởng thức kim chi nhiều hơn cả những người chủ nhà Hàn Quốc của tôi".
"Kim chi là thứ quen thuộc với tôi ngay từ đầu, bởi vì tôi lớn lên ăn tursu, một món ăn giống như kim chi ở Thổ Nhĩ Kỳ" - Sinasi nói với The Korea Times - "Có vẻ như ký ức tuổi thơ đang thôi thúc tôi thử các loại kim chi khác nhau".
Sinasi tin rằng kim chi có thể trở nên phổ biến hơn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Anh nói: "Vì Thổ Nhĩ Kỳ đã có tursu nên tôi nghĩ kim chi sẽ không quá khó khăn để "định cư" ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Hàn Quốc muốn quảng bá kim chi hơn nữa, tôi tin rằng trước tiên họ nên nhắm mục tiêu đến các quốc gia đã quen với các sản phẩm lên men... Họ cũng cần tổ chức nhiều sự kiện hơn để mọi người có thể nếm thử nhiều loại kim chi khác nhau".
Thời tiết khắc nghiệt và thiên tai đã ảnh hưởng nặng nề tới sản lượng cải thảo của Hàn Quốc, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt kim chi phục vụ người dân.