Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam

Chia sẻ Facebook
16/10/2022 10:25:24

Việc Việt Nam một lần nữa được Đại hội đồng LHQ bầu vào Hội đồng Nhân quyền tiếp tục khẳng định sự công nhận vị thế, uy tín của Việt Nam.


Ông Csaba Korosi - Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77: "14 quốc gia đã trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền trong đó có Sudan và Việt Nam".


Việt Nam đã cùng với ba đại diện khác của khu vực châu Á – Thái Bình Dương là Bangladesh, Maldives và Kyrgyzstan đã chính thức trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Châu Á – Thái Bình Dương cũng trở thành khu vực có sự cạnh tranh cam go và quyết liệt nhất.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc: "Khó khăn lớn nhất chính là số lượng ứng cử viên của khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần này có tới 7 ứng cử viên cho 4 vị trí và một ứng cử viên chỉ rút vào phút chót. Trong khi đó, Hội đồng Nhân quyền là cơ quan chính của LHQ trong việc triển khai thực thi các chính sách, chủ trương toàn cầu về vấn đề quyền con người. Các nước hết sức coi trọng, nên việc vận động cũng rất quyết liệt, tích cực để vào được vị trí này".

Thế giới đang thay đổi nhanh chóng với những thách thức địa chính trị ngày càng lớn vì thế cũng đặt gánh nặng lên từng thành viên Hội đồng Nhân quyền trong nhiệm kỳ tới trong hài hòa lợi ích giữa các quốc gia, và trên hết là đảm bảo được quyền và lợi ích của mọi người dân.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc

Ông Shahriar Alam - Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bangladesh: "Bangladesh và Việt Nam đã đồng hành tại Hội đồng trong quá khứ. Chúng ta đã làm việc sát sao để đưa ra được dự thảo nghị quyết về biến đổi khí hậu và di cư. Nhân dân chúng tôi muốn Bangladesh có tiếng nói ngày càng cao hơn nữa trong cơ quan của LHQ. Vì thế hai nước sẽ là người bạn đồng hành tốt để cùng đóng góp nhiều hơn cho LHQ và Hội đồng Nhân quyền".

PGS. Ron Milam - Giám đốc Điều hành Viện Hòa bình và Xung đột, Mỹ: "Với tôi, những quốc gia như Việt Nam, với kinh nghiệm trong chiến tranh, chắc chắn sẽ mang đến những điều mà các quốc gia hoàn toàn sống trong hòa bình không thể có".

TS. Chris Seiple - Giám đốc Viện Liên kết Toàn cầu (IGE), Mỹ: "Thế giới cần Việt Nam thể hiện những gì tốt nhất mà họ vốn có, đó là những giá trị văn hóa dân tộc đã nhất quán với các giá trị được LHQ và Hội đồng Nhân quyền khẳng định.

Với kinh nghiệm đã từng tham gia Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, tham gia giải quyết các vấn đề liên quan tới quyền con người tại Hội đồng Bảo an, cộng đồng quốc tế và đặc biệt là các quốc gia ASEAN kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp thiết thực vào công việc của Hội đồng Nhân quyền trong nhiệm kỳ tới, nhiệm kỳ 2023-2025.


Việt Nam nỗ lực đảm bảo quyền con người

Lá phiếu của mỗi quốc gia bầu chọn Việt Nam trúng cử thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc là sự khẳng định, công nhận, và tin tưởng của thế giới vào các nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm thực hiện quyền con người cho người dân Việt Nam trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Một cách trách nhiệm, tích cực, thành tâm vô điều kiện, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực của Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đối với việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Với những thành tựu và kinh nghiệm thực tế có được, là cơ sở để Việt Nam tiếp tục thể hiện trách nhiệm, góp phần thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở khu vực và quốc tế.

Trong công bố mới đây về Chỉ số phát triển con người toàn cầu 2021/2022 của Chương trình Phát triển LHQ, chỉ số phát triển con người Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 115/191 quốc gia và vùng lãnh thổ. Con số này cho thấy ngay cả trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn thực hiện tốt việc đảm bảo quyền con người.

Bà Caitlin Wiesen - Nguyên Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam: "Việt Nam đã thực hiện những cam kết về việc đặt con người là trọng tâm của sự phát triển theo những chỉ dẫn của LHQ nguyên tắc cốt lõi là không bỏ lại ai phía sau. Và tôi nghĩ điều này đã được chú trọng ở mọi khía cạnh và thể hiện trong những chính sách của Chính phủ Việt Nam về phát triển kinh tế xã hội".

Trong bối cảnh dịch bệnh, Việt Nam cũng triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng, đảm bảo sức khỏe của người dân; chú trọng chăm sóc, bảo đảm quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật. Việt Nam cũng đạt được những tiến bộ vượt bậc về xóa đói giảm nghèo, phát triển con người và chất lượng cuộc sống. Gần 30 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ 60% (1993) xuống còn 2% (2021).

Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin cũng được đảm bảo. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng Internet cao trên thế giới. Các nền tảng số, mạng xã hội tạo nên những kênh, giao diện kết nối quan trọng để người dân tiếp cận thông tin, trao đổi và bày tỏ quan điểm của mình. Hiện trên 99% dân số tiếp cận mạng lưới viễn thông, hơn 70% dân số sử dụng mạng Internet, 72 triệu người dùng mạng xã hội. Tự do tín ngưỡng, tôn giáo, biểu đạt thông tin của người dân ngày càng được tôn trọng, bảo vệ. Việt Nam hiện có 43 tổ chức tôn giáo với trên 26 triệu tín đồ.

TS. Steve Maxner - Giám đốc Trung tâm Việt Nam và cơ quan lưu trữ Việt Nam Johnson, Đại học Kỹ thuật Texas: "Việt Nam ngày càng tiến bộ trong tự do tôn giáo. Tại Việt Nam, người dân được tự do lựa chọn tín ngưỡng, tới Việt Nam, chúng tôi thấy rất nhiều nhà thờ, chùa chiền của nhiều loại hình tôn giáo khác nhau trên khắp đất nước".

Thông qua hợp tác quốc tế, Việt Nam cũng tăng cường nội luật hóa các chuẩn mực, quy phạm quốc tế về quyền con người, cho thấy trách nhiệm cũng như quyết tâm của mình trong thực thi và thúc đẩy quyền con người theo các cam kết quốc tế.


Đảm bảo quyền con người trước biến đổi khí hậu

Với trọng trách mới tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề trọng tâm của Liên Hợp Quốc cũng như của cộng đồng quốc tế, như thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người thiểu số, người di cư.

Nhà chống lũ tại Việt Nam

Có thể lấy một ví dụ cụ thể. Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, với chủ trương lấy "nhân dân làm trung tâm, chủ thể", thời gian qua Việt Nam đã quan tâm đặc biệt đến bảo đảm quyền con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu, chú trọng nội luật hóa các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam tham gia, đặc biệt chú trọng vào bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu và ghi nhận những thành tựu nổi bật.

Từ năm 2015, tại Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã tham gia Nhóm nòng cốt về biến đổi khí hậu và quyền con người cùng Philippines và Bangladesh; hàng năm thúc đẩy các nghị quyết về chủ đề này, tập trung vào quyền của từng nhóm cụ thể. Mới đây nhất, trong tháng 7 vừa qua, tại phiên họp thứ 50, Hội đồng Nhân quyền đã thông qua Nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu với việc bảo đảm quyền lương thực, do Việt Nam tham gia xây dựng, được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận.

Bà Caitlin Wiesen - Nguyên Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam: "Tôi nghĩ Việt Nam xứng đáng được biểu dương. Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Gần đây tại Geneva, Nghị quyết được thông qua vào tháng 7 do Việt Nam cùng với Bangladesh và Philippines khởi xướng được chấp thuận và đã được thông qua, nghị quyết này xem xét tác động của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương. Tôi cho rằng đây là một đóng góp rất quan trọng của Việt Nam".

Là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, với phương châm "Tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác, bảo đảm tất cả quyền con người cho tất cả mọi người", Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực gắn kết, lồng ghép giữa các chương trình, chính sách về ứng phó biến đổi khí hậu với thúc đẩy, đảm bảo quyền con người, từ đó giúp phục vụ mục đích lớn nhất là bảo vệ người dân trước các tác động từ biến đổi khí hậu.

Ngoại giao vaccine chứng tỏ uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế Ngoại giao vaccine trong giai đoạn hiện nay đang mở ra hướng hợp tác y tế quốc tế để chung sống lâu dài với đại dịch.

Chia sẻ Facebook