Đại gia Trung Quốc 'hiếm hoi' đã chuyển tài sản ra khỏi đại lục thành công trước khi cuộc khủng hoảng bất động sản ập đến

Chia sẻ Facebook
30/11/2022 20:27:25

Gia đình này đã chuyển phần lớn tài sản ra khỏi Trung Quốc trước khi các biện pháp kiểm soát được thắt chặt và thị trường địa ốc rơi vào khủng hoảng.

Trong một ngôi nhà phố đối diện Nhà thờ St. Patrick ở Midtown Manhattan, cặp đôi giàu có, sở hữu một trong những đế chế bất động sản thương mại lớn nhất Trung Quốc thực hiện những cách riêng để chuyển tài sản ra khỏi đại lục.

Zhang Xin và chồng là Pan Shiyu là những người đã phát triển Soho China thành một tập đoàn hùng mạnh. Họ sở hữu một văn phòng gia đình kín tiếng có tên là Seven Valleys. 2 trong số các tài sản lớn nhất của họ mang tính biểu tượng với New York không khác gì những bất động sản họ đã phát triển ở Bắc Kinh, đó là cổ phần trong toà General Motors Building ở Fifth Avenue và Park Avenue Plaza ở Midtown.

Tổng giá trị của 2 tài sản này trị giá khoảng 500 triệu USD, tương đương với số cổ phần mà cặp vợ chồng nắm giữ trong công ty ở Bắc Kinh, theo Bloomberg Billionaires Index.

Câu chuyện của Zhang và Pan là một trường hợp về cách giới nhà giàu Trung Quốc chuẩn bị cho khủng hoảng. Họ có một chiến lược gồm 5 phần, đó là xây dựng một doanh nghiệp thành công ở Trung Quốc, niêm yết ở sàn giao dịch nước ngoài, trả hàng tỷ USD cổ tức, thành lập văn phòng gia đình ở nước ngoài và mua bất động sản ở nước ngoài.

Toà nhà Leeza Soho ở Bắc Kinh.

Kaiyuan Silvers - giám đốc điều hành của công ty Kaiyuan Capital, cho biết: “Nhiều ‘ông trùm’ bất động sản khác của Trung Quốc có thể còn ghen tị với họ. Ngoài ra, quyết định tìm đến một thị trường khác của vợ chồng Zhang và Pang là có thể đoán trước.”

Zhang và Pan hiện đã là những công dân Mỹ. Họ thường chụp ảnh tham dự các sự kiện xã hội và thể thao nổi tiếng, cả 2 đều là các senior fellow (nghiên cứu sinh có thâm niên) tại Đại học Harvard và Zhang là thành viên ban cố vấn toàn cầu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Họ cũng là những nhà từ thiện nổi tiếng ở Trung Quốc.

Trong khi đó, những tỷ phú kinh doanh cùng lĩnh vực ở Trung Quốc lại gặp rất nhiều khó khăn. Nhà sáng lập China Evergrande - Hui Ka Yan, đã mất hơn 30 tỷ USD kể từ năm 2020, trong khi Sun Hongbin của Sunac China đang nỗ lực thoả thuận tái cấu trúc sau khi công ty vỡ nợ trái phiếu USD. Dù chính phủ Trung Quốc đã công bố gói giải cứu nhưng chưa đủ để “cứu” toàn bộ lĩnh vực này.

Trụ sở văn phòng gia đình của Zhang và Pang - Seven Valleys.

Song, Zhang và Pang cũng không thể tránh được những tác động của đợt lao dốc này. Năm ngoái, Blackstone đã quyết định dừng thương vụ thâu tóm Soho trị giá 3 tỷ USD, sau khi Bắc Kinh cho biết thoả thuận này không được khuyến khích. Điều này có thể ảnh hưởng đến những thương vụ khác của Soho ở Mỹ.

4 nguồn tin thân cận tiết lộ, yếu tố giúp khối tài sản của họ được “bảo toàn” chính là quyết định niêm yết Soho ở Hong Kong vào năm 2007 thay vì ở Trung Quốc. Goldman Sachs - công ty mà Zhang đã làm việc ở London sau khi lấy bằng thạc sĩ kinh tế phát triển tại Đại học Cambridge, đã bảo lãnh đợt IPO này.

Không như ở đại lục, nơi có hạn ngạch nghiêm ngặt đối với hoạt động chuyển vốn ra ngước ngoài, thì tài sản ở Hong Kong được “di chuyển” tự do hơn và được sử dụng để mua tài sản ở nước ngoài. Nguồn tin thân cận cho biết, Soho phần lớn mua bất động sản ở Mỹ, hầu hết được giải ngân từ năm 2015 đến 2017, bao gồm cả cổ tức đặc biệt và lợi nhuận trên vốn.

Ngoài ra, tài sản, nhân viên và hồ sơ báo cáo của văn phòng gia đình họ đều đã ở Mỹ. Seven Valleys cũng quản lý một danh mục cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư mạo hiểm và cổ phần doanh nghiệp.

Toà nhà GM - nơi có cửa hàng đầu tiên của Apple tại Manhattan, trị giá 3,2 tỷ USD là một trong những toà văn phòng có giá trị nhất ở Mỹ. Một nguồn thạo tin cho biết những nhà sáng lập của Soho nấm giữ 20% cổ phần của toà này. Năm 2011, họ cũng mua 49% cổ phần của Park Avenue Plaza, toà nhà rộng hơn 11 triệu ha, nơi có trụ sở của các công ty lớn như Morgan Stanley.

Các nhà sáng lập của Soho sử dụng gần như toàn bộ 1,8 tỷ USD cổ tức, lợi nhuận trên vốn và đầu tư phần lớn với bất động sản ở New York.

Hoạt động từ thiện của cặp đôi này tại Mỹ đã gặp một chút khó khăn. Họ đã tài trợ chương trình học bổng dành cho sinh viên Trung Quốc tại Đại học Harvard và Yale từ năm 2014. Song, cư dân mạng Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt vì không đóng góp cho các trường trong nước.

Hiện tại, nhiều khoản đóng góp của họ lại thuận lợi hơn, ví dụ như chương trình giáo dục của Pan ở tỉnh Cam Túc phía tây bắc Trung Quốc. Hồi tháng 9, Pan và Zhang đã từ chức chủ tịch và giám đốc điều hành của Soho để tập trung vào các hoạt động này.

Geoffrey Jones - giáo sư của Harvard Business School, nhận định rằng gia đình Zhang và Pan cũng nỗ lực theo đuổi mục tiêu thịnh vượng chung của Chủ tịch Tập Cận Bình, đó là doanh nghiệp hoạt động tốt nên đóng góp cho xã hội.


Tham khảo Bloomberg 

Chia sẻ Facebook