'Đại gia' Nguyễn Văn Tuấn nói gì về chuyện Gelex ‘thâu tóm’ doanh nghiệp nhà nước?
Về việc mua lại cổ phần doanh nghiệp nhà nước khi Chính phủ có chủ trương thoái vốn, Gelex tham gia đấu giá, chào mua công khai, giao dịch theo phương thức khớp lệnh/thỏa thuận trên sàn theo đúng Luật chứng khoán.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn Gelex (Tổng tông ty CP Thiết bị điện Việt Nam, mã cổ phiếu GEX), cho biết tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, tổ chức ngày 12-5, tại Hà Nội.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm nay, nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi với ông Nguyễn Văn Tuấn về hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp nhà nước gần đây. Trong đó, đáng chú ý là việc Gelex "thâu tóm" Tổng công ty Viglacera (mã cổ phiếu VGC) - doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng trong năm 2021.
Trả lời các cổ đông, ông Tuấn khẳng định Gelex đã đấu giá, chào mua công khai, khớp lệnh thỏa thuận trên thị trường chứng khoán theo đúng quy định.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online , thương vụ "thâu tóm" Viglacera được Gelex và các đơn vị thành viên thực hiện mua cổ phần từ năm 2019 - 2021.
Trước khi tham gia đấu giá cổ phiếu VGC do Bộ Xây dựng chào bán vào tháng 3-2019, Gelex và các đơn vị thành viên đã sở hữu 9,8% vốn điều lệ Viglacera.
Tại đợt đấu giá này, Bộ Xây dựng triển khai đấu giá 80.579.262 cổ phần VGC. Sau khi trúng đấu giá 64 triệu cổ phiếu VGC (trên tổng số 69 triệu cổ phiếu bán được tại đợt đấu giá này), Gelex và các đơn vị nâng tỉ lệ sở hữu lên 24,96% vốn điều lệ VGC.
Đến tháng 10-2020, Gelex tiếp tục thực hiện chào mua công khai cổ phiếu VGC, nâng tỉ lệ sở hữu cổ phần tại Viglacera 46,06%.
Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4-2021, Gelex và các đơn vị thành viên thực hiện giao dịch trên thị trường với các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài qua sàn giao dịch chứng khoán, qua đó nâng tỉ lệ sở hữu lên 50,21% tại Viglacera.
Về các vấn đề liên quan tới việc Gelex phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021, với giá trị huy động 1.800 tỉ đồng.
Ông Tuấn cũng khẳng định Gelex phát hành trái phiếu cho định chế tài chính lớn nước ngoài, người mua trong nước cũng là các ngân hàng thương mại lớn như MSB, TPBank nên phải tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật.
Đối với thắc mắc của các cổ đông về khoản nợ khủng của Gelex được một số tờ báo đăng tải gần đây, ông Nguyễn Trọng Hiền, phó chủ tịch hội đồng quản trị Gelex, cho hay con số tuyệt đối, giá trị nợ tăng tại thời điểm 31-12-2021 của Gelex là 41.000 tỉ đồng, tăng khoảng 22.000 tỉ đồng so với cuối năm 2020.
Lý do nợ của Gelex tăng là do hợp nhất với VGC, giá trị nợ hợp nhất vào hệ thống khoảng 13.000 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, năm vừa rồi Gelex hoàn thành 2 dự án điện gió tại Quảng Trị với tổng mức đầu tư trước thuế khoảng trên 5.000 tỉ đồng, trong đó giá trị nợ khoảng 3.200 tỉ đồng. Khoản vay này được tổng công ty huy động từ Ngân hàng LBBW (Đức) và Ngân hàng BIDV.
Cùng với đó là khoản nợ 3.000 tỉ đồng do tổng công ty tái cấu trúc các khoản vay để huy động vốn dài hạn, lãi suất hợp lý.
Việc huy động được khoản vay này đã thể hiện năng lực và uy tín của Gelex trong việc phát triển, triển khai và thực hiện đầu tư 140 MW và vận hành theo giá FIT của Chính phủ, ông Hiền cho biết thêm.
Lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen và Tập đoàn Gelex vừa có thông tin chính thức liên quan đến các tin đồn xuất hiện trên các diễn đàn, hội nhóm trên mạng về chứng khoán, khiến cổ phiếu của doanh nghiệp bị rớt giá.