Đại dịch khiến doanh nghiệp phải quan tâm đến phát triển bền vững
Đại dịch khiến các doanh nghiệp phải suy nghĩ nhiều hơn để tạo ra chuỗi cung ứng bền vững, để nếu có một đại dịch xảy ra thì họ sẽ không bị đứt gãy chuỗi cung ứng...
Ngày 19/8, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Chiến lược CSR (Trách nhiệm xã hội Doanh nghiệp) / CSV (Tạo giá trị chung) của Doanh nghiệp và mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs)” thuộc Dự án Win-Win for Việt Nam.
Hội thảo có sự tham dự và phát biểu đề dẫn của Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam với mong muốn thúc đẩy sự hợp tác giữa khối Doanh nghiệp và các Tổ chức xã hội, đặc biệt là trong xu hướng chung trên thế giới về thực hành CSR / CSV tại Doanh nghiệp gắn với các mục tiêu Phát triển bền vững.
Trách nhiệm xã hội hướng đến phát triển bền vững của doanh nghiệp
Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay với các hiệp định thương mại tự do song - đa phương cũng như phục hồi kinh tế thế giới hậu Covid-19 và khủng hoảng năng lượng, SDGs và ESG đã, đang và sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo và trở thành các yêu cầu tích hợp.
Phát biểu tại hội thảo, bà Pia Buller, cán bộ chương trình thuộc Phái đoàn EU đến Việt Nam chia sẻ: “Mối quan hệ kinh doanh có trách nhiệm và đặc biệt là sự tham gia tích cực trong chuỗi cung ứng đã càng ngày được chú ý rộng rãi trong một vài năm qua và sẽ càng trở nên quan trọng hơn nữa trong tương lai”.
“Lý do khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Âu thực hiện các hoạt động phát triển bền vững là động cơ đạo đức (chiếm 68,5%), kỳ vọng của người tiêu dùng (chiếm 55,3%), tăng động lực và khả năng giữ chân nhân viên (chiếm 50%) và việc đáp ứng các yêu cầu và luật định (chiếm 49,5%)”, bà Buller nói thêm.
Chia sẻ về những kinh nghiệm thực hiện chiến lược CSR, ông Võ Đặng Phát - Giám đốc Marketing và Truyền thông của Tập đoàn FPT nói: “Chiến lược CSR của FPT sẽ tập trung đầu tư, xây dựng các nền tảng giáo dục cho thế hệ trẻ và cùng cộng đồng chia sẻ khó khăn. Điểm khác biệt trong chiến lược CSR của FPT sẽ hướng tới những chiến lược dài hạn như xây cầu, trường học,...”.
EU sắp có luật mới để thẩm định sự bền vững của doanh nghiệp
Theo TS. Lothar Rieth - Giám đốc phát triển bền vững của Tập đoàn năng lượng EnBW (Đức), kiêm Phó Chủ tịch Tổ chức ProNGO! e.V.: “Đại dịch Covid-19 đã thật sự thay đổi góc nhìn của doanh nghiệp, vì chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Ví dụ có thể kể đến gần 50% hoạt động sản xuất giày của Nike ở Việt Nam, nhưng năm 2021 khi vào đỉnh dịch, tất cả các nhà máy đã bị đóng hết. Vậy nên, với một doanh nghiệp toàn cầu như Nike nhưng có đến 50% chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đó là điều rất kinh khủng”.
Ngoài ra, bà Pia Buller cũng cho biết: “EU hiện đang đề xuất một luật mới để thẩm định về sự bền vững của doanh nghiệp. Chỉ thị được đề xuất sẽ mở rộng nhu cầu kiểm tra xã hội và môi trường, quản lý rủi ro giảm các chuỗi giá trị ở nhiều công ty châu Âu, điều này sẽ ảnh hưởng đến các công ty ở những nước đối tác, trong đó có Việt Nam.”
Đồng quan điểm với bà Buller, TS. Lothar Rieth cho rằng: “Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) giữa 27 nước thành viên châu Âu và Việt Nam là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là hiệp định thương mại tự do lớn nhất mà EU kí với một nước đang phát triển vậy nên các doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường của 27 nước châu Âu nói riêng và thế giới nói chung”.
“Vậy nên, muốn làm được điều đó, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng được những nhu cầu của EU và tuân thủ theo luật về chuỗi cung ứng bền vững sắp được ban hành năm 2023, ông Lothar kết luận .