Đại dịch, chiến sự tại Ukraine làm chao đảo chuỗi cung ứng toàn cầu
Những căng thẳng liên quan đến chiến sự tại Ukraine đang khiến nền kinh tế thế giới vốn đã bị tổn thương nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 thêm chao đảo.
Đồ thị lạm phát tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới cho thấy hầu hết đều đạt mức cao kỷ lục. Tại khu vực Mỹ - Âu và các nền kinh tế tiên tiến, 60% các quốc gia có tỷ lệ lạm phát hàng năm trên 5%, theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế. Đây là tỷ lệ lớn nhất kể từ những năm 1980.
Tháng trước, lạm phát của Mỹ là 8,5% - cao nhất kể từ năm 1981. Bộ Lao động Mỹ cho biết, thu nhập trung bình hàng giờ tăng 5,6% trong tháng ba. Nhưng điều chỉnh theo lạm phát thì có nghĩa mức lương trung bình đã giảm 2,7%. Hay nói đơn giản, tiền lương của người Mỹ ngày càng teo tóp qua mỗi tháng.
Ở Anh, lạm phát đang ở mức cao nhất trong ba thập kỷ, trong đó giá thực phẩm tăng 5,9%, cao nhất trong một thập kỷ. Hầu hết các loại thực phẩm trong rổ tính giá tiêu dùng đều tăng trên 5%, bao gồm bánh mì, thịt, sữa và trái cây. Giá tiêu dùng tăng cao làm xói mòn thu nhập các hộ gia đình. Nhiều dự đoán cho biết, thu nhập thực tế của các hộ gia đình ở Anh sẽ giảm trong năm nay với tốc độ mạnh nhất kể từ những năm 1950.
Còn tại Nga, lạm phát đã tăng lên 17,49%. Đây là mức lạm phát cao nhất trong 20 năm qua, giữa bối cảnh đồng ruble biến động khiến giá cả tăng vọt.
Tại khu vực đồng euro lạm phát đã tăng lên 7,5% vào tháng ba, tăng từ 5,9% của tháng trước. Giá năng lượng cao là nguyên nhân chính. Còn ở khu vực Mỹ Latin, nhiều nước cũng đã công bố mức lạm phát cao nhất trong những thập niên gần đây. Trong đó, lạm phát hàng tháng của Brazil đã tăng vượt mức dự báo lên mức cao nhất trong 28 năm, còn Chile ghi nhận mức lạm phát hàng tháng cao nhất trong gần 30 năm.
Tại châu Á, lạm phát ở một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc... gần đây đã tăng mạnh hơn dự báo. Ngay cả tại Nhật Bản, quốc gia từng ghi nhận tỉ lệ lạm phát cực thấp, cũng đã xuất hiện dấu hiệu giá cả tăng cao.
Toàn thế giới đang phải đối phó với một đợt bùng phát lạm phát đồng bộ khi người tiêu dùng phải trả giá cao hơn nhiều cho những nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, chỗ ở, xăng dầu.
Với mỗi người dân, họ đang phải thắt chặt hầu bao trước làn sóng tăng giá đồng loạt.