Đại Đạo trị quốc (6): Tam bảo trị quốc và ‘quy luật vỡ tràn’

Chia sẻ Facebook
31/03/2022 16:27:17

Ngày nay, nếu nói về quản trị quốc gia, người ta thường nhắc tới các khái niệm như “dân chủ”, “nhà ...


Ngày nay, nếu nói về quản trị quốc gia, người ta thường nhắc tới các khái niệm như “dân chủ”, “nhà nước pháp quyền”, “chính phủ điện tử”, v.v. Xã hội càng phát triển, các mối quan hệ và mâu thuẫn trong đó càng phức tạp, phương thức quản lý dường như cũng phải cải tiến không ngừng để thích nghi với tình hình mới. Tuy nhiên, khi nhìn lại dòng sông dài lịch sử, chúng ta thấy rằng những thời kỳ thịnh trị bậc nhất trong lịch sử Á Đông lại có một nền “quản trị” – nếu dùng ngôn ngữ hiện đại mà giảng – đơn giản mà đầy trí tuệ. Loạt bài “Đại Đạo trị quốc” mong muốn cung cấp cho quý vị độc giả một góc nhìn từ quá khứ, ngõ hầu ánh sáng trí tuệ cổ nhân có thể soi rọi các vấn đề của xã hội hôm nay.


Phần 6: Tam bảo trị quốc

Trên phương diện tổng quan khi nhìn vào sự phát triển của việc trị quốc trong toàn bộ lịch sử Trung Hoa, cá nhân tôi đề xuất nên đưa vấn đề này phân tách ra thành ba bộ phận và quy nạp theo ba yếu tố lần lượt là: “Đạo”, “Thuật” và “Khí”, tạm gọi là “Tam bảo trị quốc”.

“Đạo” chính là tâm Pháp, có nguồn gốc từ cơ chế tự hành bên trong của sinh mệnh, vô hình vô thực.

“Thuật” chính là phương tiện, phương pháp, nó nằm ở trên bề mặt của con người, hữu hình nhưng vô thực thể.

“Khí” là bộ máy quốc gia, là cơ cấu tổ chức hành chính, hoàn toàn là thực thể trên bề mặt.

Nhân tâm đạo đức của xã hội và tâm Pháp nội tại chính là thuộc về phạm vi của “Đạo”, nó chế ước đến lời nói và hành động của con người một cách tự phát;

Những phương tiện bề mặt như Lễ, Nhạc, Hình, Pháp chính là thuộc về phạm vi của Thuật, nó là tầng bề mặt của Đạo, dùng các biện pháp trên bề mặt của con người mà quy phạm ước thúc lời nói và hành vi của con người;

Quân đội, bộ máy nhà nước và bộ phận hành chính đều thuộc về Khí, nó chính là kết cấu thực thể trên bề mặt, và hoàn toàn cùng một tầng diện với xã hội nhân loại, có ảnh hưởng trực tiếp nhất đến xã hội nhân loại, là sự bảo đảm cho việc thực thi mạnh mẽ các pháp lệnh, chế độ và các phương tiện khác.

Có thể nói, “Đạo” là ở tầng thứ nền tảng nhất, là căn bản của hết thảy; “Thuật” thuộc về trung tầng, và phải được kiến lập trên tầng căn bản này của Đạo, đồng thời có thể gắn trên cái thực thể là “Khí” để thực hiện và thi hành; “Khí” là kết cấu thực thể trên tầng bề mặt nhất, là hình thể của quốc gia, và là bộ máy thực thi mọi phương tiện điều hành quốc gia. Mối quan hệ của ba phương diện này có thể được khái quát như sau: “Nhân Đạo vi Thuật, dĩ Thuật lập Khí” (Từ Đạo mà hình thành Thuật, lại từ Thuật mà lập nên Khí).

Ba phương diện này hoàn toàn ở những tầng diện khác nhau, nhưng chúng lại có ảnh hưởng và kết nối với nhau, giữa chúng có sự tồn tại theo phương cách gọi là: “Thử tiêu bỉ trường” (khi mặt này bị tiêu mất thì sẽ có mặt khác xuất hiện và phát triển).

“Hoàng đạo” dùng Đạo mà trị quốc, hoàn toàn thực thi vô vi mà trị, không can thiệp vào cuộc sống của người dân dưới bất kỳ biện pháp con người nào, và không cần bất kỳ thể chế hành chính hay chính phủ nào, vì thế Đạo gia chân chính cai trị đất nước thì chỉ có Đạo, mà không giảng đến Thuật, Khí, đây chính là cảnh giới cao nhất của việc trị quốc.

“Đế đạo” (Đạo của bậc Đế vương) là thông qua việc ngộ Đạo mà lập Đức, lại lấy Đức mà trị quốc, trong giai đoạn đầu sẽ dùng các biện pháp con người để can thiệp, chỉ dẫn bách tính, khiến cho thiên hạ hồi quy về tiêu chuẩn của Đức, dựa vào việc thực hiện vô vi mà trị hậu thiên. Vì thế Đế Đạo trị quốc sẽ nhờ cậy vào Thuật, mà [tại đây] cũng hình thành bộ máy nhà nước tương đối đơn giản, có thể thực hiện pháp lệnh và chính sách căn bản. Do vậy Đế Đạo trị quốc lấy Đạo làm trọng, Thuật, Khí chỉ là bổ trợ.

“Vương Đạo” là dựa vào “Lễ Lạc” (Lễ là chỉ lễ tiết; Lạc là chỉ âm nhạc và vũ đạo) để trị quốc, thực hành việc nhân nghĩa, tán dương cái thiện và trừng trị cái ác, kiến lập một bộ máy quốc gia hoàn mỹ. Cho nên Vương đạo trị quốc, là dựa vào Đạo, trọng ở Thuật, lấy Khí làm phụ trợ.

“Bá đạo” là chiêu bài giả mượn sự nhân nghĩa, nhưng thực chất là dùng phương tiện vũ lực và bộ máy nhà nước hùng mạnh để dùng cái uy khuất phục thiên hạ. Do đó, sự thống trị đó là lấy Khí làm trọng tâm, dựa vào Thuật và giả dùng Đạo.

Những quy luật và nội hàm của Tam bảo trị quốc sẽ được bàn luận sâu sắc hơn ở phần dưới đây:

Quy luật “vỡ tràn”

Trong Tam bảo trị quốc, giữa Đạo, Thuật và Khí có tồn tại một mối quan hệ dẫn xuất. Đây chính là một khái niệm mà tác giả bài viết này đúc rút ra, và nó là cốt lõi của sự phát triển Đạo trị quốc.

Ảnh: Freepik.

Quy luật vỡ tràn là gì? Lấy một ví dụ đơn giản: nước vốn là dựa vào hình thức tồn tại dưới mặt đất mà chảy thành mạch nước ngầm. Nước đi theo con đường tự nhiên, tự động tuần hoàn và thanh lọc trong mạch nước ngầm, “vô hình vô tích, nhuận vật vô thanh” (không hình dáng không vết tích, thấm vào vạn vật một cách âm thầm).

Khi các mạch nước ngầm bị hư hại và tắc nghẽn, không thể hấp thụ và giữ được nhiều nước như vậy nữa, thì lượng nước ngầm tương ứng sẽ tràn lên bề mặt, gây ra ngập lụt, tạo ra thảm họa cho con người.

Lúc này, cần dựa theo quy luật tuần hoàn của mạch nước ngầm mà xử lý bằng cách: khơi thông sông hồ, dòng chảy trên mặt đất, đưa dòng nước chảy tràn trở về theo con đường tự nhiên. Có như vậy thì nước mới có thể lại tiếp tục thực hiện tuần hoàn thanh lọc, tưới nhuần vạn vật mà không gây ra sự tàn phá hư hại.

Cùng với việc môi trường tự nhiên không ngừng bị tàn phá, các sông hồ ao suối trên mặt đất dần dần bị tắc nghẽn và thay đổi dòng chảy, điều này đã khiến cho nước trong các sông bị tràn ra ngoài, gây ra ngập úng trên mặt đất.

Lúc này, cần phải tiến hành nạo vét sông, đồng thời đắp đập ven sông, để con đập có thể ngăn nước sông tràn ra, khiến nước tiếp tục thuận theo dòng sông mà chảy, tránh hình thành tai họa lũ lụt. Khi sự tàn phá môi trường ngày càng nghiêm trọng, lũ lụt ngày càng lớn, những con đê vì thế mà được xây dựng ngày càng cao hơn…

Cũng cùng một nguyên lý như vậy, thuở ban đầu loài người có tâm hồn thuần chính, không có tà niệm. Thiên hạ tự nhiên mà đã ở trong Đạo, hài hòa và hoàn mỹ, giống như nước vốn dĩ đã tự động chảy trong mạch nước ngầm.

Cùng với sự phát triển của xã hội và sự ô nhiễm hậu thiên, tâm linh con người trở nên không còn thuần chính nữa, do đó đã đi chệch khỏi đại đạo và sản sinh ra các loại tâm tham lam ích kỷ. Khi đó Đại Đạo đã hoàn toàn không còn cách nào ức chế tâm con người được nữa, vì vậy xảy ra “sự vỡ tràn”. Như mạch nước ngầm bị phá vỡ, nước dưới lòng đất tràn cả lên bề mặt.

Nếu con người rời xa đại đạo, thì bộ phận “vỡ tràn” bị mất khống chế ấy sẽ đem đến đại nạn cho xã hội, và thế là các chủng loại tội phạm và chiến tranh trên diện rộng sẽ xuất hiện, sự tốt đẹp và hòa ái của xã hội nhân loại cũng vì thế mà bị phá vỡ.

Vì vậy Đế từ trời đất mà tham ngộ đại đạo, đồng thời phỏng theo đại đạo mà thiết lập đức, để rồi quy phạm nhân tâm trong thiên hạ bằng giáo dục cảm hoá, ước chế đối với những bộ phận đã ly khai khỏi Đạo, như thế sẽ khiến cho xã hội hòa ái trở lại.

Điều này cũng giống như mô phỏng theo đường đi (Đạo) của dòng chảy mạch nước ngầm, trên bề mặt thì mở ra các dòng sông, hồ chứa để chế ước phần nước tràn ra bề mặt.

Với sự phát triển và không ngừng bị ô nhiễm của nhân tâm con người, con người ngày càng đi lệch khỏi Đại Đạo, nên lại tiếp tục xảy ra hiện tượng “vỡ tràn”, gây ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp và thảm họa thiên tai tàn khốc.

Thế nên “Vương đạo” xuất hiện, nhà vua (Vương) sử dụng lễ nhạc để giáo hóa và quy chính lời nói và hành động của bách tính, thực hành nhân nghĩa, để ước chế bộ phận ly khai khỏi đạo đức luân thường, khiến thiên hạ lại trở lại thái bình an lạc.

Điều này cũng giống như khi nước bị tràn khỏi dòng sông, thì khi đó dòng chảy của sông cần được tiến hành khơi thông, đồng thời các con đê được xây dựng dọc theo hai bên bờ sông.

Khi môi trường tự nhiên ngày càng bị hủy hoại, lũ lụt sẽ ngày càng lớn, và rồi sẽ có một ngày nào đó sẽ thay đổi dòng chảy, các con đê sẽ bị phá hủy, và sẽ tạo thành đại thảm họa.

Lúc này, lại phải tiếp tục gia cố và nâng cao đê, thế nên “Bá đạo” đã xuất hiện…

Quá trình kiểm soát dòng chảy này thực ra cũng giống như quá trình trị quốc, chúng đồng thời cùng thể hiện một quy luật cốt lõi, đó là quy luật “vỡ tràn”.

Có nghĩa là, khi cơ chế lớp bên trong không đủ để chế ước hoàn toàn lớp này, hiện tượng vỡ tràn sẽ xảy ra, nếu phần tràn ra không có bất kỳ sự chế ước nào thì nó sẽ gây ra thảm họa. Vì vậy tại tầng đáy (tầng cơ bản nhất) thì nhất định cần phải thiết lập một cơ chế nhằm hạn chế phần tràn ra và ngăn chặn sự lan rộng (phát triển) của thảm họa. Đây chính là quy luật vỡ tràn.

Với sự phát triển của quá trình này, sự hài hòa và cân bằng sẽ bị phá hủy ngày càng nghiêm trọng, và sức mạnh của sự vỡ tràn sẽ ngày càng trở nên mất kiểm soát. Và cuối cùng nhân loại cũng chỉ có thể không ngừng nỗ lực hoàn thiện cho cơ chế trên tầng bề mặt nhất, gia cường cho phần này. Kết quả cuối cùng của điều này là: hoặc là phát triển đến cơ chế tầng bề mặt nhất sẽ khiến tất cả mọi người ngột ngạt đến chết; hoặc là cơ chế trên bề mặt sẽ bị phá huỷ hoàn toàn, tạo ra đại huỷ diệt.

Đây là quá trình “dịch” [1], là quá trình luân hồi vận mệnh thành trụ hoại diệt của vạn sự vạn vật trong vũ trụ cũ. Vậy thì nhân loại làm thế nào có thể thoát khỏi kết cục này? Vui lòng xem tiếp phần sau.

Thuận thiên tá thế (Thuận theo thiên ý, mượn sức)

Đại Vũ trị thuỷ. (Ảnh sưu tầm)

Đại Vũ trị thủy là một câu chuyện nổi tiếng ở Trung Quốc. Ông thuận theo ngũ hành và đặc tính của nước, lại căn cứ theo địa thế mà khéo léo dẫn dắt khơi thông dòng chảy, cuối cùng dòng nước lũ được dẫn ra biển, hình thành nên vòng tuần hoàn tự nhiên. Sau 13 năm, công cuộc trị thủy của Đại Vũ đã thành công.

Ngược lại, phụ thân của Vua Vũ (Cổn) lại không giống như vậy. Ông đã vi phạm ngũ hành và đặc tính của nước. Ông chủ trương dùng phương pháp vây và ngăn chặn. Khi nước ngập lên mặt đất thì lại cần đắp đê đắp đập. Kết quả là nước càng bị chặn thì sức công phá càng trở nên mạnh mẽ, cuối cùng đã đánh vỡ đê và đập, dẫn đến lũ lụt trên diện rộng. Cổn trị nước 9 năm, không có bất kỳ thành quả nào, mà lại mang đến muôn vàn tai họa cho dân chúng.

Đây chính là hiệu quả được tạo ra bởi hai phương pháp khác nhau: một là thuận theo đặc tính vốn có của nước, lại khéo léo dẫn dắt khiến nó quy về Đạo, giải trừ tai họa; hai là dựa vào sức mạnh bên ngoài và sử dụng các phương tiện nhân tạo mà chống lại bản chất tự nhiên của nước, kết quả là đã đem đến những hậu họa lớn hơn.

Điều này cho thấy rằng, con người không thể nào đi ngược lại Thiên Đạo, sức mạnh ở tầng ngoài vĩnh viễn không thể nào thắng được cơ chế ở tầng trong, sức mạnh của con người vĩnh viễn không thể kháng lại Đại Đạo, khi càng hướng vào cơ chế tầng bên trong, năng lượng sẽ càng lớn mạnh. Khi con người thuận theo Thiên Đạo thì có thể mượn và nương nhờ năng lượng của Thiên Đạo mà từ trên căn bản thay đổi được toàn bộ. Do đó, việc trị quốc cần phải thuận theo Thiên Đạo, nương nhờ sức mạnh của Đạo thì mới có thể thành công, thì mới có thể thay đổi căn bản mọi điều; nếu dựa vào ngoại lực mà thay đổi, chỉ có thể cải biến bề mặt, hơn nữa lại sẽ đem lại những vấn đề nghiêm trọng hơn, dẫn đến huỷ diệt.

Cũng có một câu chuyện ngắn trong truyện ngụ ngôn của Aesop đã minh họa một cách sinh động điều này: Một hôm gió Bắc đọ sức với mặt trời để xem ai là người khiến những người trên mặt đất phải cởi áo trước. Gió Bắc dựa vào sức mạnh của nó nên đã dốc hết sức lực, thổi lên một trận gió dữ dội hòng khiến cho người dưới mặt đất bị thổi bung áo. Tuy nhiên, khi gió thổi càng mạnh thì con người càng quấn chặt quần áo hơn. Cuối cùng mặc dù con người bị gió thổi cho ngã nhào trên mặt đất nhưng áo quần của họ thì vẫn không bị thổi bay.

Ngược lại mặt trời chỉ mỉm cười, tỏa hơi nóng dịu dàng sưởi ấm trái đất. Mặt đất dần dần nóng lên, nhiệt độ dần dần tăng lên, mọi người cảm nhận được hơi nóng và từng lớp quần áo được con người bỏ bớt ra.

Việc tuân theo Thiên Đạo, và thuận theo cơ chế nội tầng bên trong có thể khiến cho sinh mệnh từ trong ra ngoài tự nguyện cải biến. Đây là sự thay đổi căn bản và hoàn chỉnh nhất, là phương cách “mượn dùng” năng lượng của Đạo. Nếu dựa vào sự thay đổi cưỡng chế từ lực lượng bên ngoài thì sẽ không thể chạm tới tầng bên trong của sinh mệnh, sẽ chỉ làm cho sự “vỡ tràn” của lớp bên trong ngày càng nghiêm trọng hơn, cuối cùng sẽ dẫn đến diệt vong.

Các cơ chế ở các tầng diện khác nhau chỉ có thể chạm đến được tầng diện sở tại của nó. Cơ chế ở tầng ngoài vĩnh viễn không thể nào chế ước được cơ chế nội tầng bên trong, mà cơ chế của tầng bên trong thì có thể từ trên căn bản và vi quan mà thay đổi được cơ chế bên ngoài.

Chương này là trí huệ trị quốc được tác giả đúc rút ra từ lịch sử Trung Quốc.


>> Xem trọn bộ Đại Đạo trị quốc


Theo Lý Đạo Chân, Chánh Kiến
Thanh Ngọc biên tập

Chia sẻ Facebook