Đại biểu Quốc hội: Cần giải pháp cụ thể cho các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường bảo hiểm
Tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, chiều 27/5/2022, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Đại biểu Quốc hội: Cần giải pháp cụ thể cho các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường bảo hiểm
Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, đây là dự thảo Luật có chuyên môn sâu vào phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng. Vì vậy đã được sự quan tâm đặc biệt của nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận trong Kỳ họp thứ 2 cũng như tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Để có cơ sở tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến 7 vấn đề đã nêu trong báo cáo giải trình, tiếp thu như: kết cấu của dự thảo Luật; hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài; đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; bảo hiểm vi mô...
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về hai vấn đề còn ý kiến khác nhau về áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan và về Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm. Về áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với phương án 2, Giữ quy định tại Điều 3 về áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan, đồng thời, tiếp tục quy định về việc áp dụng Bộ luật Dân sự và áp dụng pháp luật đối với hợp đồng bảo hiểm hàng hải tại Điều 15 của dự thảo Luật; bổ sung nguyên tắc áp dụng tập quán quốc tế đối với các quan hệ có yếu tố nước ngoài; chỉnh sửa tên điều thành áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan, tập quán quốc tế.
Cần giải pháp cụ thể cho các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường bảo hiểm
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải cho biết c ơ bản thống nhất với nhiều nội dung tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đại biểu Lã Thanh Tân ghi nhận việc các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 đã được tổng hợp, giải trình, tiếp thu tương đối đầy đủ, nhiều ý kiến giải trình tương đối thuyết phục.
Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của một số quy định trong dự thảo Luật, đại biểu đã góp ý về một số nội dung cụ thể trong dự thảo Luật.
Về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Điều 5 dự thảo Luật đã quy định một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Đại biểu Lã Thanh Tân cho biết quy định này chưa có giải pháp cụ thể. Do đó, đề nghị bổ sung quy định và biện pháp đối với: Chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, để tăng mức độ thâm nhập thị trường, tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm…; chính sách khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế.
Đại biểu cũng đề nghị rà soát để quy định về loại hình doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp bảo hiểm tương đồng với quy định tại Luật Doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng Báo cáo giải trình, tiếp thu chưa thể hiện rõ đặc thù riêng của doanh nghiệp bảo hiểm và tại sao không có loại hình công ty hợp danh, không cho phép tổ chức theo mô hình Chủ tịch công ty.
Về chứng chỉ môi giới bảo hiểm, đại biểu đề nghị làm rõ chứng chỉ môi giới bảo hiểm do cơ sở đào tạo ở nước ngoài cấp có được sử dụng tại Việt Nam hay không? Các cá nhân đang trực tiếp thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm có tiếp tục được sử dụng chứng chỉ bảo hiểm hiện hành hay phải chuyển đổi/thi, cấp lại thành chứng chỉ môi giới bảo hiểm và quy định rõ điều kiện chuyển tiếp tại dự thảo Luật đối với nội dung này.
Đề nghị làm rõ việc cá nhân, cá nhân thuộc tổ chức có văn bằng, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm do cơ sở đào tạo ở nước ngoài cấp thì có đáp ứng điều kiện để thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam hay không? Đại biểu cho rằng, việc dự thảo Luật quy định chỉ cho phép sử dụng chứng chỉ (môi giới, phụ trợ) do Bộ Tài chính quy định về nội dung đào tạo, thi, cấp chứng chỉ là không phù hợp.
Đề nghị cần tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến quy định về đại lý, môi giới bảo hiểm để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi, như quy định khái niệm về “tư vấn”, “hoạt động đại lý”, quy định về hoạt động thuê ngoài… đại biểu Lã Thanh Tân nhấn mạnh, cần rà soát thật kỹ để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, nhất là tính thống nhất trong nội tại các quy định của dự thảo Luật, quy định đưa ra phải thực sự khả thi.
Bổ sung thêm trường hợp pháp nhân thương mại không được giao kết thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm
Cũng tại phiên thảo luận, Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đánh giá cao nỗ lực chuẩn bị hồ sơ dự án Luật và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, nhất là những nội dung đã được các đại biểu Quốc hội góp ý đều được tiếp thu tối đa.
Qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng khoản 3 Điều 123 dự thảo Luật chưa rõ, chưa chính xác, chưa đầy đủ, không bảo đảm bình đẳng giữa cá nhân với pháp nhân và không thống nhất với hệ thống pháp luật về tư pháp.
Theo đó, khoản 3 Điều 123 dự thảo Luật quy định theo hướng pháp nhân thương mại cá nhân đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị cấm hành nghề liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm; cá nhân đang phải chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật hình sự thì không được giao kết hợp đồng đại lý bảo hiểm
Đại biểu phân tích, khoản 3 Điều 123 hiện nay quy định ba trường hợp cá nhân không được giao kết thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm. Một là đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hai là đang phải chấp hành hình phạt tù. Ba là bị cấm hành nghề. Trong khi pháp nhân thương mại chỉ quy định một trường hợp không được giao kết thực hiện hợp đồng đó là đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định này không những không bình đẳng giữa cá nhân và pháp nhân mà còn để sót. Đồng thời, quy định này đã để lọt 3 trường hợp theo quy định tại Điều 33 Bộ luật Hình sự, pháp nhân không được giao kết thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm. Một là đang bị đình chỉ hoạt động có thời hạn. Hai là đang bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ba là đang bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động.
Vì vậy đại biểu đề nghị bổ sung ba trường hợp pháp nhân thương mại không được giao kết thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm (đang bị đình chỉ hoạt động có thời hạn; đang bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; đang bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động).
Bên cạnh đó, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị tách Khoản 3, Điều 123 thành hai điểm: Điểm a quy định về pháp nhân thương mại; Điểm b quy định về cá nhân, đồng thời bổ sung những hình phạt tương ứng với từng chủ thể.
Nhật Quang