Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: TP.HCM 'cần 10 lít xăng, cho 8 lít thì làm sao đi tới nơi'
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng cơ chế cho TP.HCM cần phải tương xứng và đột phá, "cần 10 lít xăng mà chỉ cho có 8 lít thì làm sao mà đi tới nơi được". Nhưng ông Nghĩa đặt câu hỏi liệu TP đã đột phá chưa?
Chiều 17-5, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức giám sát tình hình thực hiện nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; tình hình phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2022, phương hướng giải pháp các tháng cuối năm 2022.
Chưa tận dụng đến 50% cơ chế nghị quyết 54
Ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết nghị quyết số 54 đã trao một số cơ chế đặc thù cho TP trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức.
Những chính sách đặc thù này đã tạo động lực mới để một đô thị đặc biệt, đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước tăng tốc phát triển.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, TP nhìn thấy còn nhiều việc chưa làm được, thậm chí có thể chưa tận dụng hết 50% cơ chế mà nghị quyết đề ra.
Các vấn đề chưa làm được như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hay nguồn thu từ đấu giá tài sản công... hầu hết do vướng thủ tục pháp lý chung của cả nước, chứ không riêng TP.
Theo ông Hoan, TP kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết mới thay thế nghị quyết số 54 theo hướng kế thừa và tích hợp tất cả cơ chế, chính sách mà TP cần trung ương hỗ trợ.
Cụ thể là có cơ chế, chính sách đặc thù đối với đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP; cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức; về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP.HCM và một số nội dung đặc thù trong lĩnh vực tài chính - ngân sách…
Cơ chế đặc thù không có nghĩa là xin ưu đãi
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng TP.HCM còn rụt rè trong việc đề xuất các chính sách. Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù nhưng không có nghĩa là TP xin ưu đãi. Đây là cơ sở để TP thực hiện các mục tiêu tăng trưởng theo nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong đó, TP có vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước.
"Các mục tiêu nghị quyết Đại hội XIII có thực hiện được không thì cùng với cả nước, TP phải thực hiện được vai trò của mình. Để TP thực hiện vai trò của mình thì chính là thực hiện nghị quyết 54", ông Nghĩa nhấn mạnh cần làm rõ mục đích của nghị quyết 54, tránh tâm lý cho rằng TP được ưu ái.
Tương tự, việc có nghị quyết thay thế nghị quyết 54 cũng nhằm mục đích giúp TP có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ đại hội Đảng đề ra cho TP.HCM, làm động lực thúc đẩy sự tăng trưởng cho cả nước.
Thứ hai là phải đột phá, TP.HCM không đột phá không làm được và đặc thù chính là một dạng đột phá.
Nhưng ông Nghĩa đặt câu hỏi liệu TP đã đột phá chưa?
Ông dẫn chứng cho rằng nhiều cán bộ công chức TP.HCM phải đi làm thêm mới đủ sống. Vừa rồi hệ số thu nhập có tăng nhưng vẫn không đủ vào đâu. Tất nhiên, TP không tạo ra hệ thống lương khác biệt hẳn với nơi khác nhưng phải phù hợp. Hiện cán bộ, công chức cấp quận huyện làm việc, phục vụ gấp 3,3 đến 5,6 lần cả nước. Ông cho rằng đây có thể là nguyên nhân gây sức ì cho TP và cần phải giải quyết sớm để khơi thông nguồn lực.
6 đề xuất của UBND TP.HCM:
- Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho UBND quận, phường thuộc quận trong công tác quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, TP đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, đột xuất phát sinh trong năm của chính quyền quận.
Bộ Tài chính có ý kiến "Trường hợp cần thiết, đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội cho phép đơn vị dự toán ngân sách quận thuộc TP.HCM có dự phòng ngân sách như cấp ngân sách". Do đó, kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP đồng thuận, báo cáo Quốc hội chấp thuận đề xuất nêu trên của TP.HCM.
- Về vướng mắc trong quá trình sắp xếp lại, xử lý tài sản công của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn, TP kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham mưu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Trong thời gian chờ đợi thì cho phép "Chủ tịch UBND TP.HCM được ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn và chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê tại đơn vị sự nghiệp công lập".
- Về quản lý đất đai , TP kiến nghị đại biểu có ý kiến và đề xuất khẩn trương sửa đổi, điều chỉnh Luật đất đai năm 2013 ngay sau thời điểm trung ương có chủ trương về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.
- Về giá thành xây dựng , kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP báo cáo Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật về "các trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật". Trong đó có các trường hợp tương tự như ảnh hưởng của đại dịch và giá xăng dầu tăng do tình hình thế giới có nhiều thay đổi lớn.
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng đối với hình thức giá hợp đồng là hợp đồng trọn gói hoặc hợp đồng theo đơn giá cố định.
- Về dịch vụ du lịch , TP kiến nghị Quốc hội xem xét mở rộng các quốc gia được miễn thị thực và được thực hiện chính sách e-visa, gia hạn thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh;
Kiến nghị giao Chính phủ chỉ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm, chính sách về ưu đãi đầu tư du lịch, đặc biệt đối với đầu tư về các khu vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế và khu vực;
Kiến nghị giao Chính phủ chỉ đạo có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tham gia các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch, chính sách phí và lệ phí;
Kiến nghị giao Chính phủ có các chính sách thuế: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, gia hạn thời gian nộp thuế;
Kiến nghị giao Chính phủ chỉ đạo giảm giá điện cho các doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch;
- Về dự án đường vành đai 3: UBND TP kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội có ý kiến báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM và các cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai thực hiện dự án.
Chiều nay 25-4, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo về định hướng phát triển nguồn nhân lực của TP.HCM, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - đề xuất cho thành phố được thực hiện cơ chế đặc thù trong giáo dục.