Đại biểu Quốc hội: Nhà đầu tư trong nước có thể mua công nghệ để làm đường sắt đô thị

Chia sẻ Facebook
27/10/2022 17:35:01

Chính phủ nên ưu tiên đặt hàng và cam kết dành thị phần cho các nhà đầu tư trong nước để hợp tác hoặc mua lại công nghệ, ngành công nghiệp đường sắt hiện đại của riêng mình.


Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội chiều 27-10, đ ại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng "không nên say sưa với thành công", mà cần nhìn thẳng vào nguy cơ, thách thức.

Ông Cường nhấn mạnh việc cần t ập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang, hạn chế khởi công mới. Đặc biệt là dành một phần vốn đầu tư công để đặt hàng, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh làm trụ cột cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.

Nói về bức tranh ảm đạm của thị trường chứng khoán, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) chỉ ra niềm tin của thị trường đang giảm sút mạnh và chưa có điểm dừng là nguyên nhân khiến việc huy động vốn qua kênh cổ phiếu của doanh nghiệp đã khó nay lại càng khó hơn khi VN-Index có thời điểm thủng mốc 1.000 điểm.

Thị trường bất động sản đang có nguy cơ đóng băng vì mất thanh khoản và thiếu dòng vốn phát triển mới. Trong khi đó, đầu tư tư nhân đang bị tác động xấu của các sự kiện gây rúng động giới đầu tư, tài chính với các vụ FLC, Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát...

Dẫn tới việc doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu vẫn không dễ dàng, tâm lý bất an tràn ngập giới đầu tư. Việc đáo hạn trái phiếu sẽ là bài toán nan giải, nên đại biểu Sơn cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc khẩn trương, kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, ổn định lại niềm tin doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu vấn đề quản lý đất đai - Ảnh: T.THẮNG

Trong khi đó, đại biểu Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai, phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nêu trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, khi hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Dẫn chứng thu ngân sách từ đất đai chủ yếu tăng thu từ thị trường sơ cấp , lãng phí đất đai là thực trạng đáng nhức nhối...

Chỉ ra nguyên nhân liên quan tới hệ thống pháp luật, đặc biệt là yếu tố trách nhiệm quản lý nhà nước và lối tư duy nhiệm kỳ ảnh hưởng đất đai lớn, đại biểu Mai cho hay có tình trạng lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân từ đất đai.

Dẫn chứng, báo cáo 589 của Kiểm toán Nhà nước cho hay có biểu hiện lợi ích nhóm ở một số địa phương, vi phạm pháp luật đấu thầu, giao đất không qua đấu giá, trách nhiệm bộ máy công quyền trong một số trường hợp là chưa cao, còn bộ phận thờ ơ thiếu trách nhiệm.

Theo phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, việc giải quyết vướng mắc đất đai có trách nhiệm nhiều bên. Song khi có vướng mắc, địa phương có văn bản đề nghị làm rõ ý kiến thì câu trả lời của các bộ ngành là "cứ thực hiện theo quy định pháp luật", cộng thêm tâm lý e dè, lo sợ trách nhiệm nên có dự án kéo dài 10 năm vẫn chưa thể giải quyết…

Do đó, đại biểu Mai đề nghị cần đưa ra lộ trình, thời hạn cụ thể trong giải quyết vướng mắc, xem đây là thước đo hoàn thành trách nhiệm; sửa đổi Luật đất đai cần tập trung giải quyết những vướng mắc bức xúc, xử lý nghiêm lối tư duy nhiệm kỳ, có cơ chế minh bạch, ranh giới giữa đúng sai phải rõ ràng, tăng cường hơn nữa trách nhiệm giám sát, không lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân...

Chia sẻ Facebook