Đại biểu Quốc hội: Độc quyền thị trường vàng miếng SJC có dẫn đến thao túng giá?

Chia sẻ Facebook
09/06/2022 10:16:56

Thống đốc NHNN cho biết chưa cần nhập khẩu vàng để can thiệp trong bối cảnh chênh lệch giá vàng SJC và thế giới liên tục duy trì 16-17 triệu đồng/lượng.

Tại phiên họp chất vấn hôm 8/6, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết chưa cần nhập khẩu vàng để can thiệp về giá trong bối cảnh chênh lệch giá vàng SJC của Việt Nam và thế giới liên tục duy trì 16-17 triệu đồng/lượng. Có Đại biểu đặt vấn đề liệu có sự thao túng giá trên thị trường vàng ở Việt Nam?

Tích trữ vàng hay tích trữ SJC?

Bà Nguyễn Thị Hồng chưa cho biết khi nào sẽ sửa Nghị định 24 và việc nhập khẩu vàng hiện nay là chưa cần thiết. (Ảnh: Quochoi.vn)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời nội dung về thị trường vàng như trên sau khi một số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt vấn đề liệu có sự thao túng về giá vàng miếng SJC trong nước khi giá chênh lệch giữa thương hiệu này so với thế giới luôn ở mức cao, từ 16-17 triệu đồng/lượng.

Bên cạnh đó, bản thân giá vàng trong nước cũng có sự phân biệt khi giá vàng của các thương hiệu khác cùng loại như: Bảo Tín Minh Châu, PNJ,… chỉ cao hơn giá vàng thế giới 2-3 triệu đồng/lượng (tức thấp hơn giá vàng SJC cùng loại từ 13-15 triệu đồng/lượng).

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) cho rằng diễn biến về giá vàng trong nước không bình thường, đặc biệt nổi cộm từ đầu năm 2022. Điều này làm giảm niềm tin vào giá trị của đồng tiền Việt Nam, gia tăng lạm phát và gây bất an cho người dân.

Liệu có sự thao túng giá vàng miếng SJC trên thị trường hiện nay hay không? Lãnh đạo NHNN đã kiểm tra yếu tố hình thành nên giá vàng miếng gây biến động bất thường hay chưa? Bà Thủy đặt vấn đề với Thống đốc NHNN.

Trả lời nội dung này, bà Hồng cho rằng giá vàng trên thị trường thế giới khó lường, phức tạp. Còn ở trong nước, giá vàng cũng đi theo xu hướng chung nhưng khi tăng sẽ tăng nhanh hơn, khi giá vàng thế giới giảm thì giá vàng trong nước lại giảm chậm hơn.

Lãnh đạo NHNN lý giải do trước đây thực hiện chủ trương chống vàng hóa nền kinh tế từ năm 2012 (Nghị định 24) và không nhập vàng để sản xuất vàng miếng kể từ năm 2014.

Do vậy, nguồn cung trong nước đã bị giảm, người dân ưa chuộng vàng SJC nên nhu cầu vẫn tăng dẫn đến giá niêm yết lên cao hơn so với các thương hiệu khác.

Bà Hồng nhận định hiện chưa cần can thiệp vào diễn biến thị trường vàng, chỉ trong trường hợp cần thiết mới nhập khẩu vàng.

Giơ biển tranh luận, bà Thủy cho rằng việc độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia SJC có khả năng là nguyên nhân dẫn đến giá vàng SJC tăng cao như hiện nay. Do đó, bà Thủy đặt câu hỏi đến khi nào NHNN báo cáo Chính phủ để sửa Nghị định 24, tuy vậy Thống đốc NHNN chưa trả lời vấn đề này.

Ông Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng có lẽ Việt Nam là nước duy nhất đi ngược lại với thế giới, khi nào giá thế giới giảm thì trong nước lại tăng, có thời điểm khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới gần 20 triệu đồng/lượng là điều khó chấp nhận.


Đức Minh

Công ty PNJ lãi 252 tỷ đồng trong tháng 2 nhờ nhu cầu mua bán vàng tăng

Nhu cầu mua bán vàng tăng giúp doanh thu của Công ty PNJ trong tháng 2 đạt 3.589 tỷ đồng (tăng 27%), lợi nhuận sau thuế đạt 252 tỷ đồng.

Chia sẻ Facebook