Đại biểu Quốc hội: Đề nghị tách bạch hoạt động thanh tra và kiểm tra

Chia sẻ Facebook
25/10/2022 14:10:32

Góp ý vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đề nghị Ban soạn thảo xem xét không quy định nội dung kiểm tra trong Điều 6 và các điều luật khác trong dự thảo Luật nhằm tách bạch các hoạt động thanh tra và kiểm tra.

Đại biểu Quốc hội: Đề nghị tách bạch hoạt động thanh tra và kiểm tra

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Đề nghị tách bạch hoạt động thanh tra và kiểm tra

Lý do được đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đưa ra đây là luật chuyên ngành về hoạt động thanh tra, còn hoạt động kiểm tra đã có các văn bản khác điều chỉnh.

Đề nghị quy định thời gian tối đa ban hành kết luận thanh tra

Về nhiệm vụ quyền hạn của thanh tra huyện, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị điều chỉnh bổ sung các quy định như sau: thanh tra huyện xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra trình Chủ tịch UBND huyện xem , có ý kiến thống nhất trước khi gửi thanh tra tỉnh tổng hợp trong kế hoạch thanh tra của tỉnh để phù hợp với vị trí, chức năng của thanh tra huyện tại khoản 1 Điều 30 của dự thảo luật.

Về xử lý vi phạm trong cái quá trình thanh tra thì tại khoản 3 Điều 66 của dự thảo luật, đại biểu đề nghị điều chỉnh quy định này theo hướng là: Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn Thanh tra phải báo cáo ngay cho người ra quyết định thanh tra để nhanh chóng chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Đề cập về ban hành kết luận thanh tra thì tại khoản 4 Điều 76, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị xem xét quy định khoảng thời gian tối đa được phép thực hiện công việc này là bao nhiêu ngày để đảm bảo kết luận thanh tra ngoài việc ban hành khách quan, khả thi, chính xác, tránh việc kéo dài, nhất là các vụ việc dư luận quan tâm. Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý về quyền của đối tượng thanh tra.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Không nhất thiết Cục, tổng cục nào cũng cần có thanh tra, mà cần có nguyên tắc cụ thể trong việc thành lập này, giao Chính phủ quy định.

Không nhất thiết Cục, tổng cục nào cũng cần có thanh tra

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp phân tích, việc quy định hệ thống thanh tra ba cấp là cần thiết, đặc biệt với việc thành lập thanh tra huyện.

Theo đại biểu, dù ở huyện với quy mô dân số nhỏ cũng cần có cơ quan thanh tra. Điểm yếu của các cơ quan này là do chưa được bố trí nguồn lực đầy đủ, chưa đảm bảo điều kiện hoạt động. Nhưng nếu thiếu thanh tra huyện thì ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước ở cấp huyện, nhất là trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Về thanh tra tổng cục, cục thuộc Bộ, theo luật hiện hành, chưa cho phép lập thanh tra tổng cục, cục cuộc Bộ, nhưng luật cho phép Chính phủ xem xét, quyết định, giao cho Tổng cục, Cục thuộc Bộ, thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Đại biểu cho rằng việc thành lập thanh tra chuyên ngành là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho công tác thanh tra, không phát sinh biên chế, tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, không nhất thiết Cục, tổng cục nào cũng cần có thanh tra, mà cần có nguyên tắc cụ thể trong việc thành lập này, giao Chính phủ quy định.

Khi thành lập đoàn thành tra thì phải có ít nhất hai thanh tra viên trở lên

Về phân định quyền hạn cụ thể giữa thanh tra Bộ và thanh tra tổng cục, cục cuộc Bộ, để rạch ròi nhiệm vụ, quyền hạn tránh chồng lấn, đại biểu cho rằng, nên quy định việc nào thanh tra tổng cục, cục cuộc Bộ, thanh tra chuyên ngành đã thanh tra thì thanh tra Bộ không thanh tra, để hạn chế gây khó khăn cho đối tượng thanh tra, trừ trường hợp có phát sinh mới hoặc nghi vấn tiêu cực của thanh tra trước đó.

Ngoài ra, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, cần quy định khi thành lập đoàn thành tra thì phải có ít nhất hai thanh tra viên trở lên để thực hiện nhiệm vụ thì mới phù hợp và đảm bảo chất lượng của đoàn thanh tra.

Nhật Quang

Chia sẻ Facebook