Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân: Nên tăng 15% biên chế cho những quận, phường dân số gấp đôi bình quân

Chia sẻ Facebook
12/07/2022 17:52:45

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân - nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM - cho rằng giao biên chế phải dựa vào chỉ tiêu dân số. Nếu đơn vị hành chính có số dân cao gấp đôi bình quân cả nước thì nên tăng 15% biên chế.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân đưa ý kiến - Ảnh: HỮU HẠNH


Chiều 12-7, TP.HCM tổ chức hội nghị góp ý dự thảo báo cáo tổng kết nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và sơ kết 1 năm thực hiện nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.


Đưa ý kiến góp ý về vấn đề biên chế , đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM - cho rằng TP là địa phương đông và có mật độ dân số lớn nhất cả nước. Không chỉ vậy, 1km 2 của TP.HCM tạo ra GDP gấp 38 lần bình quân cả nước.

Bên cạnh đó, TP cũng là địa phương mà công chức phục vụ số lượng người dân lớn nhất cả nước. Trong khi 1 quận huyện của cả nước bình quân có 137.000 người thì con số này ở TP là 441.000 dân. Quận Bình Tân có 811.000 người, gấp khoảng 5 lần bình quân cả nước. TP có 10 quận huyện dân số từ 450.000 người trở lên.

"Tức 1 biên chế của TP phải phục vụ người dân gấp 2-2 lần cả nước. Hình dung một công chức làm việc 8 tiếng nhưng tại TP.HCM phải làm luôn không ngủ. Như có lần tôi xuống Bình Chánh, 6h30 tối vẫn thấy anh em sáng đèn làm việc. Chồng con ở nhà làm sao chịu nổi. Vậy là không ổn. Và tất nhiên, càng áp lực thì chắn chắn sẽ có sai sót. Biên chế của quận và phường phải xét đến yếu tố dân số".


Ông Nhân đề xuất cứ mỗi đơn vị hành chính có dân số gấp đôi bình quân cả nước thì tăng 15% biên chế.


Về tỉ lệ ngân sách để lại cho TP, nguyên bí thư Thành ủy TP cho rằng không nên chỉ giữ lại 21% trong vòng 10 năm. Khi thực hiện nghị quyết 54, TP giữ lại 18% ngân sách trong khi Hà Nội là 35%. Hiện tại, TP.HCM được 21% thì Hà Nội còn 33%.


Ông cho rằng, trong giai đoạn 2023-2025, TP nên xin giữ lại ở mức 23%. Đến năm 2030 thì tăng lên 25%. Ông cho rằng 1 đồng chi ở TP sẽ đem về 5 đồng, chi nhiều cho TP là tạo điều kiện cho TP đóng góp nhiều hơn cho cả nước.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đưa ý kiến - Ảnh: HỮU HẠNH

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - phó đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - thì cho rằng trong 10 năm chỉ giữ 21% cho TP sẽ khó khăn. Nhưng luật có quy định kỳ điều tiết ngân sách sau phải điều chỉnh lại theo hướng giảm. Nếu tăng của TP quá nhiều e rằng Quốc hội sẽ không đồng ý.

"Quan điểm của tôi là nếu giữ lại 21% cho TP trong 10 năm cũng tốt. TP sẽ phải nỗ lực thu ngân sách cao hơn thì nguồn ngân sách để lại sẽ cao hơn", bà Tuyết nói.


Tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết TP sẽ tổ chức nhiều buổi lấy ý kiến góp ý của chuyên gia, nhà khoa học, các lãnh đạo nguyên lãnh đạo về dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54. Qua đó, đánh giá những gì nên kế thừa từ nghị quyết 54 và cần bổ sung những gì.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tiếp thu ý kiến của đại biểu - Ảnh: HỮU HẠNH

Những cơ chế bổ sung này phải góp phần cho TP sứ mệnh của đầu tàu kinh tế của cả nước, phải là nhưng cơ chế đặc thù vượt trội. Theo ông, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng TP không chỉ đề xuất cơ chế đặc thù mà phải đặc thù vượt trội mới phát huy hết những tiềm năng của TP.

Bên cạnh đó, ông Mãi cho rằng nghị quyết 54 hiện nay mới là thí điểm, khi lấy ý kiến của các cơ quan thì cho rằng không nên thí điểm nữa. TP sẽ lấy kiến để đề xuất vấn đề này.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP sẽ có báo cáo đầy đủ với trung ương về vấn đề biên chế dựa trên những phân tích từ thực tiễn. Quan điểm của TP là không đòi nhiều, nhưng phải đủ để thực hiện công việc.

Chia sẻ Facebook