Đại biểu hỏi quản lý tiền mặt sao mà khám xét phát hiện 10 tỉ, Thống đốc nói đang sửa quy định

Chia sẻ Facebook
09/06/2022 09:36:36

Từ sự việc công an khám xét và phát hiện 10 tỉ đồng tiền mặt, đại biểu chất vấn về việc quản lý, sử dụng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước.

Đại biểu Phạm Văn Hòa tranh luận về việc quản lý tiền mặt trước phần trả lời của Thống đốc - Ảnh: Quochoi.vn

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 9-6 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, câu hỏi về quản lý tiền mặt, độc quyền vàng miếng SJC và tăng trưởng tín dụng tiếp tục được các đại biểu nêu ra.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề hiện nay đã có quy định rạch ròi về việc sử dụng tiền mặt trên thị trường, đặc biệt là cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, dẫn lại vụ Việt Á khi công an vào khám xét phát hiện tới 10 tỉ đồng tiền mặt ở tủ của cá nhân, đại biểu đặt câu hỏi "tiền ở đâu mà nhiều như thế?".

"Có ý kiến cho rằng một số đại gia sử dụng tiền mặt rất nhiều để mua bất động sản. Có vấn đề gì trong ngành ngân hàng về sử dụng tiền mặt hay không bởi Thống đốc trả lời chưa cụ thể" - ông Hòa đặt câu hỏi.

Nhắc lại thị trường vàng và việc độc quyền của SJC mà đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đã nêu phiên trước, đại biểu Hòa đặt câu hỏi Nghị định 24 của Chính phủ có bất cập hay không, tại sao không sửa nghị định? Có nên để SJC độc quyền không hay giao cơ quan đơn vị hoặc thêm lượng vàng nào khác để cạnh tranh với SJC vì vàng tăng thì tình hình lạm phát tăng theo, đồng tiền mất giá nên cần có giải pháp quản lý.

Mặc dù câu hỏi đại biểu đặt ra rất nóng nhưng phần trả lời của Thống đốc lại rất ngắn gọn. Theo đó, bà Hồng cho rằng quy định hiện hành với những khoản chi tiêu của ngân sách nhà nước trên 20 triệu đồng phải chuyển khoản, không được thanh toán bằng tiền mặt. Với các giao dịch khác, bà Hồng cho hay Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành đang trong quá trình nghiên cứu để xây dựng quy định mới và sẽ xin ý kiến rộng rãi, sẽ phân tích đánh giá tác động với các quy định về vấn đề thanh toán tiền mặt.

Với vàng SJC, Nghị định 24 xác định Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và lựa chọn thuê SJC sản xuất vàng miếng. Do đó, sẽ tổng kết đánh giá để sửa đổi Nghị định 24,  việc nghiên cứu xem lựa chọn nhiều thương hiệu khác để sản xuất vàng miếng hay chỉ thuê SJC, bà Hồng khẳng định sẽ xin ý kiến rộng rãi gồm ý kiến của của các đại biểu Quốc hội.

Trả lời câu hỏi chất vấn lần 2 về cơ chế cấp hạn mức tín dụng cho ngân hàng khi đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng việc cấp hàng năm khiến năm nào cũng phải cấp lại, khi cần thiết ngân hàng phải xin lại để nới room là "còn dáng dấp quản lý theo kiểu bao cấp và không còn phù hợp", bà Hồng cho rằng đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là vốn đầu tư dựa rất lớn vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng.

Hiện nay dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức 124% và theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tỉ lệ cao nhất, nên khi có cú sốc sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng và hệ lụy đến nền kinh tế.

Vì vậy, bà cho rằng kiểm soát tăng trưởng tín dụng là một vấn đề và trên thực tế Ngân hàng Nhà nước áp dụng biện pháp này hiệu quả, khi hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và dần tiến tới chuẩn mực quốc tế.

Tiếp tục trả lời đầu phiên sáng nay, Thống đốc vẫn khẳng định quan điểm cũ và cho rằng "Việt Nam có đặc thù riêng", khi Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam là nước lệ thuộc vốn ngân hàng lớn nhất thế giới. Điều này có nguy cơ rủi ro nên công cụ cấp hạn mức tín dụng này vừa qua hiệu quả, chặn được các cuộc đua lãi suất, huy động tín dụng cao. Có những năm tín dụng nền kinh tế tăng tới 53,8%.

Trước quan điểm cho rằng việc cấp hạn mức tín dụng này "chặn" dòng vốn rẻ tới người vay, Thống đốc nhận xét ngân hàng nào khi thành lập đều muốn tăng trưởng tín dụng nhiều nhưng ở "vai" Ngân hàng Nhà nước phải nhìn ở góc độ điều hành vĩ mô. "Nếu đáp ứng hết hạn mức mong muốn của ngân hàng thương mại thì sẽ không ổn định được vĩ mô như hiện nay" - bà Hồng nói.

Siết tín dụng hay không, cần phải kiểm tra lại việc cho vay

Về cơ cấu tổ chức lại tín dụng yếu kém, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay việc cơ cấu trong thời gian qua giúp ngân hàng nâng cao năng lực, phát huy vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên, hạn chế tín dụng đen.


Để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng, Phó Thủ tướng cho hay đã phê duyệt đề án về cơ cấu hệ thống tín dụng như nâng cao năng lực xử lý nợ xấu. Với việc xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém đã báo cáo Bộ Chính trị, trên cơ sở đó khẩn trương xây dựng phương án trình Bộ Chính trị và các cơ quan khác liên quan để thực hiện trong thời gian tới.

Về chính sách tín dụng cho chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, ông Khái cho biết Chính phủ yêu cầu điều hành tín dụng hướng dòng vốn đến lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát chặt chẽ vào lĩnh vực rủi ro cao nhưng vẫn hướng tín dụng vào dự án bất động sản có khả năng trả nợ tốt.

Trả lời câu hỏi có siết chặt tín dụng cho bất động sản hay không, ông Khái cho rằng phải kiểm tra lại việc cho vay có đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện hay không chứ không phải siết chặt. Với dự án hiệu quả vẫn cấp vốn.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2022 chiều nay 4-6, trung tướng Tô Ân Xô - chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ Công an - đã thông tin về đường đi của dòng tiền và việc trục lợi chính sách trong một số vụ án lớn gần đây.

Chia sẻ Facebook