"Đại án" tại Bình Dương: Con gái không tiếp nhận ý chí từ bố
Nguyễn Thục Anh - con gái bị cáo Nguyễn Văn Minh khẳng định tại tòa "không tiếp nhận ý chí" từ bố và không muốn đào sâu vì làm bố đau lòng.
Chiều ngày 23/8, phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương ) và 27 bị cáo trong vụ án thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tại hai khu đất 145ha và 43ha xảy ra tại tỉnh Bình Dương tiếp tục diễn ra với nội dung tranh tụng.
Hoàn toàn không tiếp nhận ý chí của bố
Tại phần tự bào chữa của mình, bị cáo Nguyễn Thục Anh (cựu Chủ tịch Công ty Phát triển) cho rằng trong vụ án này, bị cáo chỉ đứng tên 51% cổ phần của Công ty Phát triển.
Trên thực tế, bị cáo Thục Anh không tham gia điều hành công ty này, đồng thời không tiếp nhận ý chí từ bố bị cáo là ông Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch Tổng Công ty Bình Dương).
“Bị cáo đứng tên 51% cổ phần của công ty Phát triển nhưng thực tế, bị cáo chưa bao giờ chỉ đạo Ban Giám đốc của Phát Triển. Bị cáo không thực hiện vai trò đồng phạm. Phần lớn thời gian bị cáo công tác tại bệnh viện”, Thục Anh trình bày tại phiên tòa.
Con gái của cựu Chủ tịch Tổng Công ty Bình Dương mong muốn HĐXX xem xét, việc dẫn đến sai phạm là do tin tưởng bố, khi bố nhờ đứng tên thì làm: “Bị cáo nhận thức đây là mức đề nghị án cao (3-4 năm tù về tội Tham ô tài sản), xin HĐXX xem lại các chứng từ của ngân hàng để xác minh lại vai trò của bị cáo.”
Ở một diễn biến khác, nữ bị cáo cho hay: "Không tiếp nhận ý chí từ bố và không muốn đào sâu vì không muốn là bố bị cáo đau lòng hoặc làm người khác nặng thêm, nhưng xin HĐXX có một đánh giá xác đáng vai trò của bị cáo".
Tính đến nay, 1.260 tỷ đồng đã được các bị cáo khắc phục, trong đó, ông Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch Tổng Công ty Bình Dương) cùng 4 đồng phạm đã nộp 1.060 tỷ đồng và Tổng Công ty Bình Dương nộp 200 tỷ đồng để bổ sung tiền sử dụng đất. Các khu “đất vàng” trong dự án được VKSND Tp.Hà Nội đề nghị thu hồi về cho Tỉnh ủy Bình Dương.
Công ty Kim Oanh muốn "nộp tiền" để giữ 43ha đất
Nhà chức trách đề xuất hai khả năng: Giao lại các khu đất cho một công ty Nhà nước, hoặc tiến hành bán đấu giá để thu tiền về Ngân sách. Liên quan đến các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đối với khu đất 43 ha, đại diện Công ty Tân Phú đề nghị được nhận lại hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị cơ quan điều tra thu giữ từ cuối năm 2019.
Cơ quan tố tụng xác định bà Oanh không có nghĩa vụ nắm chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương và “không biết, không liên quan hành vi chuyển nhượng trái pháp luật khu đất 43ha”. Do vậy, các công ty Tân Phú, Kim Oanh được triệu tập đến tòa trong vai trò người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Trong trường hợp phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất chênh lệch, công ty mong muốn được nộp đủ theo phán quyết của tòa, để được tiếp tục thực hiện các dự án. "Đây sẽ là giải pháp đúng luật, hài hòa lợi ích Nhà nước với doanh nghiệp, tài sản Nhà nước không bị thất hoát", vị đại diện công ty Tân Phú nêu.
Trong phần trình bày trước HĐXX, Luật sư Nguyễn Thị Thu - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Tân Phú và Công ty Kim Oanh đề nghị HĐXX không chấp nhận đề nghị của đại diện viện kiểm sát khi đề nghị tòa tuyên trả 43ha về Tỉnh ủy. Vị Luật sư này đề nghị tòa tuyên theo hướng cho Công ty Kim Oanh “nộp khoản tiền chênh lệch” và được tiếp tục thực hiện Dự án trên khu đất 43ha.
Luật sư Thu phân tích, Luật Hình sự quy định người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Tuy nhiên trong vụ án này, Công ty Kim Oanh được các cơ quan tố tụng xác định không có hành vi phạm tội.
Do Tổng Công ty 3/2 có ngành nghề kinh doanh bất động sản , sau khi đơn vị này hoàn thành các nghĩa vụ về đền bù giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất, đã được sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Công ty Tân Phú nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 43 ha đất và đã hoàn thành thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, với giá chuyển nhượng hơn 270 tỷ đồng và đã thanh toán đầy đủ.
Trong vụ án, Công ty Tân Phú không bị cơ quan công tố xác định là bên phạm tội. Về phía Tỉnh ủy Bình Dương cũng đưa ra đề nghị cho Công ty Tân Phú được nộp số tiền sử dụng đất chênh lệch và tiếp tục thực hiện Dự án khu dân cư - thương mại - dịch vụ Tân Phú trên diện tích đất 43 ha để bảo đảm không gây thất thoát tài sản của Nhà nước.
Trong phiên xét xử sơ thẩm ngày 19/8, VKS đề nghị HĐXX tuyên theo hướng trả lại hai khu đất về chủ sở hữu là Tỉnh uỷ Bình Dương để xử lý theo quy định. Đồng thời, Tổng Công ty 3/2 phải hoàn thành nốt phần nghĩa vụ tài chính còn lại là nộp hơn 560 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Đại diện Công ty Kim Oanh cho biết, doanh nghiệp này đã sở hữu Công ty Tân Phú và quản lý dự án từ năm 2017 đến nay với: “Thời gian kéo dài 5 năm và 2 năm phải làm điều chỉnh chấp thuận 1 lần, phải trả lãi vay ngân hàng, chi phí quản lý… Doanh nghiệp đầu tư quá nhiều tiền của, công sức vào dự án”.
Việc giải quyết sai phạm tại 43ha trong thời gian quá dài dẫn đến rất nhiều thiệt hại về kinh tế, uy tín và mất đi cơ hội đầu tư, quay vòng nguồn vốn của doanh nghiệp .