Đặc phái viên khí hậu liệu có giúp hạ nhiệt mối quan hệ Mỹ - Trung?
Các cuộc đàm phán về khí hậu với Mỹ đã bị Trung Quốc đình chỉ sau khi cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 8/2022.
Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry sẽ đến Trung Quốc vào ngày 16/7, một chuyến đi đã được chờ đợi từ lâu trong bối cảnh mối quan hệ giữa 2 quốc gia được kỳ vọng sẽ được hàn gắn sau một loạt các cuộc trao đổi cấp cao.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực khí hậu được cho là quan trọng bởi đây là 2 quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới. Hành động khí hậu của 2 quốc gia này có thể giúp đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu và mở đường cho các cuộc đàm phán suôn sẻ hơn tại hội nghị thượng đỉnh COP28 diễn ra ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào cuối năm nay.
Ông Kerry sẽ trở thành nhân vật cấp cao thứ ba trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Trung Quốc trong những tuần gần đây, sau Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen. Ông cũng là thành viên nội các Mỹ duy nhất đến thăm Trung Quốc 3 lần (lần đầu ông tới Thượng Hải vào tháng 4/2021 và lần thứ hai đến Thiên Tân vào tháng 9 cùng năm).
Duy trì liên lạc
Các nhà phân tích cho biết, chuyến thăm của Kerry sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với cả việc đổi mới các cuộc đàm phán về khí hậu giữa 2 quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, đồng thời giúp cả 2 bên vượt ra khỏi thế bế tắc chính trị hiện tại. Chuyến đi này cũng đánh dấu sự nối lại giao tiếp trực tiếp đã bị gián đoạn do đại dịch và căng thẳng địa chính trị.
Tuy nhiên, không bên nào kỳ vọng sẽ có đột phá nào từ chuyến đi này. Bắc Kinh và Washington dự kiến sẽ tiếp tục tranh cãi về việc liệu biến đổi khí hậu có nên được coi là một “vấn đề độc lập quan trọng”, tách biệt với những bất đồng song phương khác hay không.
Ông Pang Zhongying, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học Tứ Xuyên cho biết, khí hậu vẫn là hy vọng tốt nhất cho hợp tác song phương Mỹ - Trung.
“Tôi nghĩ rằng 2 bên ít nhất cần cho thấy họ vẫn có thể hợp tác trong một số vấn đề, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, khi các trao đổi chính thức và không chính thức đã giảm xuống mức tối thiểu, và hầu như không có sự hợp tác nào diễn ra”, ông Pang chia sẻ.
Theo ông Pang, cũng như các chuyến đi của ông Blinken và bà Yellen, chuyến thăm của ông Kerry nhằm giúp ổn định các mối quan hệ và sẽ vượt ra ngoài các cuộc thảo luận về sự nóng lên toàn cầu và các vấn đề khí hậu khác.
Theo Washington, các chuyến thăm Trung Quốc gần đây là một phần trong nỗ lực của Nhà Trắng nhằm đặt nền móng cho mối quan hệ Mỹ - Trung và giữ cho các đường dây liên lạc cởi mở với Bắc Kinh để tránh những tính toán sai lầm.
Trung Quốc đã đình chỉ các kênh đàm phán về khí hậu và các kênh song phương khác để phản đối chuyến thăm của cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 8/2022.
Các cuộc thảo luận về khí hậu phần lớn vẫn bị trì hoãn kể từ đó, mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bật đèn xanh cho ông Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa gặp nhau vào năm ngoái khi họ gặp nhau bên lề các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Ai Cập.
Một chuyên gia về khí hậu Trung Quốc cho biết, chuyến đi của ông Kerry chủ yếu nhằm củng cố mối quan hệ cá nhân với ông Giải, đồng thời tìm kiếm khả năng hợp tác về khí hậu.
“Cả hai bên vẫn hy vọng sử dụng hợp tác khí hậu để ổn định và cải thiện quan hệ song phương, nhưng đó là một yêu cầu cao. Tôi không nghĩ rằng có nhiều kỳ vọng ở cả hai bên về bất kỳ kết quả đáng kể nào từ chuyến thăm của ông Kerry”, vị chuyên gia này cho biết.
Gặp gỡ cấp cao
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh vẫn có thể hy vọng cựu Ngoại trưởng Mỹ sẽ giúp thiết lập lại mối quan hệ với ảnh hưởng chính trị của ông ở Washington.
Ông Kerry, người đã giúp môi giới cho thỏa thuận khí hậu Paris dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, khá được chào đón ở Trung Quốc.
Theo ông Li Shuo, cố vấn chính sách toàn cầu cấp cao tại Greenpeace China, ngoài việc gặp ông Giải Chấn Hoa, có khả năng ông Kerry sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây sẽ là một tín hiệu quan trọng cho các cuộc đàm phán về khí hậu đã bị đình trệ từ lâu.
Ông Li cũng cho biết có một khả năng khác, đó là ông Kerry sẽ được chào đón bởi Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường, một thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc.
“Điều đó rất quan trọng đối với chương trình nghị sự về khí hậu toàn cầu và cả quan hệ Mỹ -Trung. Chuyến thăm của ông Kerry là bằng chứng nữa cho thấy biến đổi khí hậu vẫn còn quan trọng trong quan hệ song phương, và nó có một số tiềm năng”, ông Li nói.
Tuy nhiên, ông Li cũng cảnh báo rằng hai bên sẽ không đưa ra được một tuyên bố chung hay bất kỳ bước đột phá nào, bởi “phía Trung Quốc khó có thể đưa ra những nhượng bộ quan trọng trước áp lực của Mỹ vào lúc này”.
Ông Li lưu ý rằng những đợt nắng nóng khắc nghiệt ảnh hưởng đến cả Trung Quốc và Mỹ, bao gồm cả những đợt nắng nóng kéo dài bất thường ở Bắc Kinh trong 3 tuần qua, sẽ tạo động lực cho các cường quốc đối địch cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra.
Ông Kerry được cho là sẽ gây áp lực buộc Trung Quốc đẩy nhanh việc cắt giảm lượng khí thải carbon, giảm tiêu thụ than và ngừng hỗ trợ cho các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài tại các quốc gia khác thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tuy nhiên, thông điệp quan trọng nhất từ phía Mỹ là tách biến đổi khí hậu khỏi các mối quan hệ chính trị tổng thể, hoặc “tìm cách chia nhỏ vấn đề để tiến về phía trước”, như ông Kerry từng nói. “Những yêu cầu mà phía Mỹ dự kiến đưa ra sẽ không có gì mới. Điều duy nhất chưa rõ ràng là lần này Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào”, ông Li nhận định.
Trong chuyến đi của ông Kerry tới Thiên Tân, Ngoại trưởng Vương Nghị khi đó đã thẳng thắn nói về những nỗ lực của Mỹ nhằm tách hợp tác khí hậu khỏi các vấn đề khác.
“Phía Mỹ muốn biến hợp tác khí hậu thành một “ốc đảo” trong quan hệ với Trung Quốc. Nhưng nếu ốc đảo bị bao quanh bởi sa mạc, nó sẽ sớm bị “sa mạc hóa”, ông Vương cho biết .
Nguyễn Tuyết (Theo SCMP, Anxios)