Đặc biệt chú ý đến sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Chia sẻ Facebook
28/09/2022 17:00:15

ADB đã thực hiện các dự án lồng ghép giới ở Việt Nam nhằm đảm bảo cơ hội tiếp cận bình đẳng cho cả nam lẫn nữ và thu về những kết quả tích cực.

Sáng 28/9, ông Ramesh Subramaniam, Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có một cuộc gặp gỡ và trao đổi trực tuyến với báo chí bên lề Hội nghị thường niên lần thứ 55 của ngân hàng ADB.

Tại đây, ông Subramaniam cho rằng, phục hồi bao trùm vẫn là một mục tiêu khó thực hiện được ở châu Á, khi phụ nữ vẫn chiếm tỉ lệ cao hơn trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế và công tác xã hội, bán buôn, bán lẻ và dịch vụ, những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch.

Bên cạnh đó, rất nhiều người dân ở châu Á đã bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực trong vòng 2 năm qua. Trước khi dịch Covid bùng phát, một số quốc gia Đông Nam Á đã rất thành công trong công tác giảm nghèo, và đã thành công giảm tỉ lệ nghèo đói từ mức 2 con số xuống còn một con số, ông Subramaniam cho biết.

Tuy nhiên, sau khi dịch bùng phát, số người sống với dưới 1,90 USD mỗi ngày ước tính tăng lên 5,5 triệu vào năm 2020 và số người nghèo cùng cực ước tính tăng lên 4 triệu người năm 2021 ở khu vực này.

Trong thời gian tới, ADB và các quốc gia Đông Nam Á sẽ đặc biệt chú ý đến sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vì họ không những là động lực để tăng năng suất mà còn là công cụ chính để giảm nghèo đói ở khu vực, ông Subramaniam nhấn mạnh.

Ông Ramesh Subramaniam, Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ảnh: Phnompenh Post

Tại buổi họp báo, ông Subramaniam cho biết, mặc dù ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á, nhưng triển vọng phát triển Đông Nam Á vẫn khá vững chắc.

Cụ thể, khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng 5,1% năm 2022 và 5,0% năm 2023, cao hơn khu vực châu Á đang phát triển.

Nguyên nhân của sự điều chỉnh lần này là do một số quốc gia như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan có mức tăng trưởng hàng năm cao hơn trong nửa đầu năm nay, nhờ nhu cầu trong nước tăng mạnh, ông Subramaniam chia sẻ.

Ngoài ra, việc các nước mở cửa lại biên giới, tăng cường xuất khẩu và tiếp tục các biện pháp hỗ trợ tài chính cũng giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế trong khu vực, ông nói thêm.

Tuy nhiên, theo ADB, sự phát triển ở Đông Nam Á là không đồng đều ở các quốc gia và các lĩnh vực kinh tế nói chung. Cụ thể, các nước lớn có nguồn tài nguyên phong phú tăng trưởng tốt hơn các nước phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu. Bên cạnh đó, sự sụt giảm ở nền kinh tế lớn cũng có ảnh hưởng đến những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu trong khu vực.

Theo ông Subramaniam, cuộc xung đột Nga – Ukraine cùng với việc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ và ngân hàng trung ương các nước đã có ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tài chính thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng.

Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế của khu vực  này vẫn cao hơn tăng trưởng dân số, đồng thời, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực trong vài năm tới cũng sẽ cao hơn tốc độ lạm phát, theo ông Subramaniam.

Nhằm giúp Đông Nam Á đảm bảo phục hồi kinh tế bền vững, ADB đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có tăng cường đầu tư vào giáo dục – đào tạo, nâng cấp hệ thống y tế quốc gia, bảo vệ người nghèo và người dễ bị tổn thương, giảm bớt các rào cản đối với vận tải và thương mại để nâng cao năng suất và cải thiện khả năng cạnh tranh, đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong khu vực.


Người bạn lớn của Việt Nam

Theo bản cập nhật của báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (Asian Development Outlook) 2022 công bố ngày 21/9, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam mức 6,5% năm 2022 và 6,7% năm 2023, mức cao nhất trong khu vực.

Song song với phát triển kinh tế, Việt Nam đã nỗ lực và đạt được nhiều tiến bộ trong công tác bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Phần lớn thành công của Việt Nam trong công tác này là nhờ có sự đồng hành của các tổ chức quốc tế như ADB.

“Vùng núi phía Bắc của Việt Nam là vùng dễ bị tổn thương, do đó người dân bản địa, đặc biệt là phụ nữ, cần nhiều sự hỗ trợ. Các dự án liên quan đến giáo dục và sức khỏe của ADB, cùng với các dự án của Chính phủ Việt Nam cũng đã thành công tốt đẹp”, ông Subramaniam chia sẻ.


Ngoài ra, trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch, ADB đã chung tay với Quỹ Sáng kiến Tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-FI) hỗ trợ 5 triệu USD nhằm giúp phụ nữ trong doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với tài chính, ông Subramaniam cho biết thêm .


Nguyễn Tuyết

Chia sẻ Facebook