Đà tăng tỷ giá USD/VND kéo dài đến đâu?
Đồng USD đang tăng giá rất mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu do nhận được sự hỗ trợ từ động thái tăng lãi suất nhanh và mạnh của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Kéo theo đó là tỷ giá USD/VND cũng chịu áp lực tăng cao.
Đà tăng tỷ giá USD/VND kéo dài đến đâu?
Đồng USD không ngừng đắt đỏ
Lạm phát của Mỹ gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 8/2022 đã tăng 8.3% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 0.1% so với tháng trước.
Để hạ nhiệt lạm phát, Fed đã điều chỉnh lãi suất cho vay cơ bản tăng thêm 0.75 điểm phần trăm. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp của Mỹ trong năm nay, đồng thời cũng là lần thứ 3 liên tiếp Fed tăng lãi suất với mức 0.75 điểm phần trăm, biện pháp đã không được dùng đến trong nhiều thập niên.
Chưa dừng lại ở đó, Fed dự kiến sẽ còn tiếp tục nâng lãi suất lên 4.4% tới cuối năm 2022, tương đương với mức tăng 0.75 điểm phần trăm và 0.5 điểm phần trăm trong 2 cuộc họp chính sách tiền tệ còn lại của năm.
Dù việc tăng lãi suất của Fed sẽ gây ra nhiều hệ quả như sẽ kéo theo sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế, tăng tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ và nhiều hệ quả tiêu cực khác lên các nền kinh tế; nhưng cũng đồng thời khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn trên 2 năm ghi nhận mức tăng trên 4%, qua đó thu hút các nhà đầu tư muốn tìm kiếm lợi nhuận cao hơn những kênh đầu tư khác trên thế giới. Điều này làm tăng nhu cầu đối với chứng khoán định giá bằng đồng USD , từ đó giúp đẩy giá trị của đồng USD lên cao.
Mặt khác, các nhà đầu tư vẫn tìm đến đồng USD như một kênh trú ẩn an toàn thay vì đồng Euro bởi kỳ vọng kém tích cực về triển vọng kinh tế khu vực EU - nền kinh tế chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột Nga - Ukraine.
Kết quả là đồng USD trở nên đắt đỏ hơn khi chỉ số USD-Index gần chạm đỉnh 120 điểm đã từng thiết lập vào đầu năm 2002.
Tỷ giá USD /VND tăng tốc
Trước áp lực khó kìm hãm từ lạm phát, Fed liên tục tăng mạnh lãi suất, tạo áp lực khiến nhiều đồng tiền khác mất giá, bao gồm VND .
Sự tăng tốc của giá USD trên thị trường quốc tế cũng kéo theo những biến động của tỷ giá trong nước. Tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đồng USD đạt mức cao nhất trong hơn 2 năm trở lại đây. So với đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng 255 đồng/USD, tương đương tỷ lệ tăng 1.1%, lên mức 23,400 đồng/USD tính đến phiên 30/09/2022.
Đáng chú ý, trước diễn biến giá USD trên thị trường quốc tế dậy sóng sau quyết định tăng lãi suất của Fed, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã quyết liệt hành động để “cân” tỷ giá.
Theo đó, trong vòng chưa đầy 1 tháng, NHNN đã có 2 lần điều chỉnh biểu niêm yết giá bán USD giao ngay với mức tăng mạnh, sắp chạm ngưỡng 24,000 đồng/USD.
Cụ thể, trong phiên 30/09/2022, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán USD giao ngay thêm 225 đồng, từ mức 23,700 đồng/USD lên 23,925 đồng/USD. Đồng thời, nhà điều hành tiếp tục ngừng niêm yết tỷ giá mua can thiệp.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, đây là lần tăng giá bán USD thứ 4 của NHNN. Hồi tháng 5/2022, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá USD chiều bán thêm 200 đồng lên 23,250 đồng/USD. Tiếp đến, đầu tháng 7/2022, nhà điều hành tiếp tục điều chỉnh tỷ giá này lên 23,400 đồng/USD. Gần đây nhất, NHNN tăng giá bán USD giao ngay thêm 300 đồng/USD, lên mức 23,700 đồng/USD.
Có thể thấy, NHNN đưa ra giá bán USD cao hơn để giảm sức hấp dẫn của việc nắm giữ đồng USD , nhằm tăng nguồn cung USD trên thị trường ngoại hối, từ đó giúp làm giảm sức nóng của đồng tiền này.
Không những vậy, NHNN cũng rút bớt tiền đồng thông qua việc bán tín phiếu trên thị trường mở. Đồng thời NHNN cũng tăng lãi suất tín phiếu từ 4% lên 4.5%/năm để các ngân hàng dùng tiền đồng mua lại tín phiếu kỳ hạn. Qua đó, giảm được lượng tiền đồng trên thị trường để gia tăng sức mạnh của tiền đồng, cân đối được tỷ giá giữa VND và USD trước áp lực tăng giá USD trên thị trường quốc tế.
Sau quyết định tăng tỷ giá bán của nhà điều hành, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank cũng tăng vọt, lên mức 23,700 đồng/USD (mua vào) và 24,010 đồng/USD (bán ra) tại ngày 30/09/2022. Đáng chú ý, đây cũng là giá bán USD cao nhất mà Vietcombank niêm yết kể từ năm 2000 đến nay. Tính riêng năm nay, mức tăng của đồng bạc xanh tại nhà băng này đã là 1,090 đồng, tương đương hơn 4.8%.
Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đóng tuần 23/09 ở mức 23,705 đồng/USD, tương đương mức tăng 3.86% so với hồi đầu năm.
Sức ép lên tỷ giá USD /VND sẽ dịu bớt về cuối năm?
Nhận định về diễn biến tỷ giá, ông Hoàng Công Tuấn - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô, Công ty Chứng khoán MB ( MBS ) - chỉ ra từ đầu năm đến nay, tỷ giá đã dao động trên 3%, nên để hài hòa với tỷ lệ đó thì NHNN đã đưa ra động thái tăng lãi suất. Nhìn chung, hiện Việt Nam đang chịu sức ép lớn nhất là tỷ giá, nhưng không đáng quan ngại nhờ hoạt động bán ngoại tệ của NHNN để ổn định tỷ giá.
Trong báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) , nhóm phân tích cho rằng đồng VND có thể mất giá 4-5% trong năm 2022. VDSC bày tỏ lo ngại của về kịch bản xấu hơn đối với đà mất giá của tiền đồng đang xảy ra với việc chỉ số đồng USD tiếp tục tăng.
Tương tự, CTCK Bảo Việt ( BVSC ) cho rằng rủi ro đối với đồng VND từ giờ đến cuối năm nếu có vẫn sẽ đến từ diễn biến của đồng USD , chỉ số DXY tiếp tục tăng giá mạnh - khi Fed phải nâng lãi suất nhiều hơn dự tính và lạm phát của Mỹ không thể kiểm soát được.
Với bối cảnh trên, BVSC dự báo mức mất giá của đồng VND có thể lên cao nhất tới mức 4% trong năm 2022, nhưng mức mất giá ở thời điểm hiện tại đã nằm trong vùng cao nhất của năm. Đối với năm 2023, BVSC cho rằng khi lãi suất điều hành của Fed đạt đỉnh, đồng USD ổn định hơn, diễn biến của VND sẽ trở lại quỹ đạo ổn định của các năm trước trong biên độ +/- 2%.
Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia phân tích tại SSI , trong năm 2022, sức ép lên tỷ giá vẫn còn, nhưng có thể tình hình sẽ dịu bớt vào cuối năm nhờ nguồn cung ngoại tệ. Trên thực tế, số liệu FDI giải ngân trong 9 tháng đầu năm vẫn tương đối tích cực, đạt 15.8 tỷ USD , tăng gần 16% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Khang Di