Đà Nẵng "gõ cửa" từng nhà vận động người dân sơ tán trước bão Noru
Trước dự báo bão Noru sẽ đổ bộ với sức gió cực lớn, chính quyền Đà Nẵng đã "gõ cửa" từng nhà ở những khu vực trũng thấp, ven biển có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét… để hỗ trợ, vận động người dân di dời, sơ tán.
Công an, bộ đội xuyên đêm giúp dân chống bão Noru
Đến trưa nay (26/9), người dân sống ven biển Đà Nẵng vẫn đang hối hả hỗ trợ lẫn nhau dùng những vật dụng như: dây thừng, bao cát… để gia cố tài sản chống bão.
Những ngày vừa qua, ngoài việc giúp ngư dân vận chuyển thuyền thúng lên bờ, các lực lượng vũ trang tại Đà Nẵng cũng gấp rút có mặt ở mọi nơi để hỗ trợ, giúp người dân ứng phó bão từ sớm.
Tại phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), nhiều người dân thuộc diện neo đơn, nhà cửa không đảm bảo đã liên hệ với chính quyền địa phương nhờ hỗ trợ. Ngay sau đó, hàng chục dân quân tự vệ đến từng nhà để chằng chống, gia cố.
Theo chị Nguyễn An (trú phường Phước Mỹ), khi nghe tin bão có khả năng đổ bộ và ảnh hưởng đến TP. Đà Nẵng, vốn sinh sống gần biển nên chị rất lo, sợ ngôi nhà cấp 4 của gia đình không chống chịu nổi.
"Nhà vốn neo người, hay tin có bão thì rất lo. Nhờ các chú bộ đội, dân quân tự vệ đến nhà tỉa cây, chằng nhà, gia cố lại cánh cửa khiến chúng tôi rất yên tâm",
Trước đó, xuyên đêm 25/9 và sáng nay 26/9, các lực lượng vũ trang tại Đà Nẵng đã có mặt ở bãi biển, khu vực nguy cơ cao để giúp người dân chuyển ngư cụ, thuyền thúng đến nơi an toàn và chằng chống nhà cửa.
Trung tá Nguyễn Công Nhân, Chỉ huy phó Bộ chỉ huy Quân sự Q.Sơn Trà, cho biết, lực lượng vũ trang địa phương chia thành từng nhóm đến nhà dân tiếp tục chằng chống nhà cửa.
"Trước đó, lực lượng tại chỗ chằng chống nhà cửa của đơn vị, đồng thời cử lực lượng xuống phối hợp với 7 phường để đến giúp người dân ứng phó với bão Noru. Tại 4 phường giáp biển, lực lượng vũ trang đã chuyển hơn 100 thúng của ngư dân lên bờ an toàn. Ngoài ra, các lực lượng báo cáo lên nhà sập, xiêu vẹo là khoảng 40 hộ",
Trung tá Nhân thông tin.
Sẽ cưỡng chế để đảm bảo an toàn
Theo ghi nhận của PV, tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), trong sáng 26/9, lực lượng chức năng đã đến tận nhà những hộ dân thuộc diện nhà tạm, không kiên cố… để rà soát, vận động họ đến nơi tránh trú bão an toàn.
Hầu hết các gia đình thuộc diện di dời nhà cửa đều tạm bợ, không đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ. Người dân được lực lượng chức năng vận động kí cam kết chấp nhận sơ tán trước 17 giờ chiều cùng ngày.
Anh Nguyễn Văn Hiệp (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết, mình đã xin nghỉ làm để cùng vợ con tỉa cây, gia cố mái nhà trước giờ đi di tản theo yêu cầu của chính quyền.
Theo anh Hiệp, đối với người dân sống ven biển như gia đình anh, vào mùa mưa bão ai nấy đều lo lắng vì nhà cửa không đảm bảo an toàn nên khi được chính quyền vận động, mọi người đều tuân thủ vì họ hiểu rằng đây là việc làm cần thiết để bảo vệ tính mạng cho chính mình.
"Nhà tạm bợ, không đảm bảo an toàn nên gia đình chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần để sơ tán đi nơi khác. Tôi và vợ con sẽ ở tạm nhà người thân trong 2 -3 ngày tới. Rất cảm ơn các cấp chính quyền đã quan tâm đến người dân",
Vừa kí vào biên bản chấp hành sơ tán và di dời, ông Đinh Công Thành (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết, nghe dự báo cơn bão lần này mạnh nhất trong 20 năm qua nên gia đình ông rất lo lắng.
"Tôi đã đưa mấy đứa nhỏ gửi ở nhờ nhà người thân hết rồi, còn vợ chồng tôi ở lại dọn dẹp, kiên cố tài sản và sẽ sơ tán trước 17 giờ hôm nay như đã cam kết với chính quyền địa phương",
Trao đổi với PV, ông Phan Hoàng Thủy, Cán bộ phường Thọ Quang cho biết, nhận sự chỉ đạo của chính quyền hỗ trợ người dân ứng phó với bão số 4, ngay từ sáng sớm, lực lượng đã đến nhà người dân để thông báo, giúp vận chuyển những tài sản quý giá đến nơi an toàn trú bão. Trong quá trình vận động người dân tuân thủ chấp hành theo chủ trương, mọi công việc sẽ hoàn thành trước 17 giờ chiều nay.
"Dù trời đang mưa nhưng anh em vẫn cố gắng đến từng nhà sớm nhất để hỗ trợ, vì đây là cơn bão rất mạnh. Chính quyền sẽ lo ăn uống cho những hộ thuộc diện di dời, trường hợp không chấp hành sẽ cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân",
Chiều hôm qua (25/9), đoàn công tác do ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai dẫn đầu kiểm tra công tác ứng phó với bão Noru tại Đà Nẵng.
Báo cáo về công tác vận động ngư dân không ở lại trên tàu khi bão đổ bộ, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, trước khi bão đổ bộ 1 tiếng đồng hồ, lực lượng chức năng sẽ dùng biện pháp mạnh, yêu cầu tất cả ngư dân lên bờ để đảm bảo an toàn.
Thông tin thêm về công tác ứng phó với bão Noru, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, hiện Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị dừng tất cả các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung lực lượng ứng phó với bão.
Cũng theo Bí thư Đà Nẵng, các vùng trũng, vùng có nguy cơ sạt lở tại huyện Hòa Vang đã có những phương án để di dời dân và các địa điểm di dời cũng hoàn thành. Do hằng năm thành phố rà soát, đánh giá lại các địa điểm phục vụ di dân khi có thiên tai nên công tác này khá thuận lợi.