Đà Nẵng đón sóng FDI sau đại dịch - Bài 2: Nhận diện các rào cản
Là điểm sáng thu hút FDI của miền Trung, Đà Nẵng cho thấy những lợi thế, tiềm năng to lớn so với các địa phương khác trong khu vực. Tuy nhiên, không ít những trở lực khiến chính quyền thành phố gặp khó khi muốn thu hút nhiều đại bàng đổ bộ đầu tư.
Còn nhiều điểm nghẽn
Dù là địa phương có bức tranh thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư FDI sáng sủa nhất trong khu vực nhưng nhiều chuyên gia đánh giá Đà Nẵng vẫn hút "chim sẻ nhiều hơn đại bàng". Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng, dù được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, tuy nhiên, sự thiếu hụt những nhà đầu tư lớn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp vẫn là bài toán khó đối với thành phố.
"Khó khăn của Đà Nẵng là quỹ đất sạch còn hạn chế, về cả sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ. Chi phí thuê khá cao so với các tỉnh lân cận. Một số không gian có tiềm năng lớn, phù hợp với lợi thế của Đà Nẵng đang vướng quy hoạch", ông Lê Minh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Phía Nam - Văn phòng tại Đà Nẵng (Bộ KH&ĐT) đánh giá.
Còn bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết, hạn chế lớn nhất trong thu hút đầu tư ở địa phương là quỹ đất. So với các địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, quỹ đất ở Đà Nẵng hạn chế trong khi giá thuê đất trong các khu công nghiệp lại cao hơn.
"Quỹ đất trong các khu công nghiệp và khu công nghệ cao có sẵn, nhưng hạn chế về diện tích. Trong khi đó, muốn đầu tư các dự án trên đất ngoài khu công nghiệp và khu công nghệ cao, nhà đầu tư phải tham gia đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất, mất nhiều thời gian", bà Phương nói.
Về vấn đề này, trong một lần tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cũng thẳng thắn nhìn nhận quỹ đất các khu công nghiệp trên địa bàn còn ít so với các địa phương khác, đó là trở lực lớn khi thu hút "đại bàng". "Vừa qua, một tập đoàn của Ấn Độ muốn đầu tư, họ đòi hỏi cả ngàn ha đất, nhưng chúng ta không có quỹ đất sạch để đáp ứng", ông Quảng nói.
Về giá đất, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng lý giải, giá đất ở đô thị loại 1 bao giờ cũng cao hơn so với các phương xung quanh.
"Hiện, giá đất trong các khu công nghiệp của Đà Nẵng cao hơn so với các tỉnh lân cận. Xét về giá thuê đất, nếu phải lựa chọn đầu tư vào khu công nghiệp ở Quảng Nam hay Đà Nẵng, nhà đầu tư sẽ nghiêng về Quảng Nam hơn", bà Phương cho biết.
Bênh cạnh đó, để hút được "đại bàng", nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Đà Nẵng cũng đang gặp khó về chuỗi cung ứng và các ngành công nghiệp phụ trợ.
"Các nhà đầu tư lớn luôn đòi hỏi về các vấn đề này nhưng Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung vẫn vướng "điểm nghẽn" này khi chưa có nhiều doanh nghiệp phụ trợ đáp ứng đủ tiêu chuẩn để tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI", bà Phương nói.
Một vấn đề lớn nữa trong thu hút đầu tư mà Đà Nẵng đang gặp phải đó là nguồn nhân lực. Một trong những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của thành phố đó là lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Mặc dù thành phố có nguồn nhân lực chất lượng tốt, tuy nhiên, quy mô dân số không lớn nên ngay cả số lượng lao động phổ thông vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
"Còn lao động chất lượng cao ở một số ngành như cơ khí, điện điện tử, công nghệ thông tin… vẫn còn thiếu, các dự án phát triển nhanh nên nguồn cung lao động chưa theo kịp. Ngoài ra, khả năng ngoại ngữ và kỹ năng mềm của một bộ phận nhân lực cũng còn hạn chế", bà Phương cho hay.
Theo Giám đốc VCCI - Chi nhánh Đà Nẵng Nguyễn Tiến Quang, đây là lĩnh vực tạo nhiều giá trị gia tăng nhưng cũng là lĩnh vực rất "kén" lao động. "Do vậy, ngoài những chính sách trong thu hút đầu tư, Đà Nẵng cũng cần có những chính sách phát triển, giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cần được xem như chiến lược, khâu đột phá trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư những ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao", ông Quang nói.
Tận dụng thế mạnh, nhất quán định hướng
Đà Nẵng luôn nằm trong top 5 cả nước về chỉ số PCI, Đà Nẵng có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, đây cũng là điểm sáng và là lợi thế của Đà Nẵng trong thu hút đầu tư.
Thế mạnh về hạ tầng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đi đầu trong chuyển đổi số là điểm cộng. Đà Nẵng cũng ưu tiên thu hút đầu tư cho các lĩnh vực trọng điểm, nhất quán trong chủ trương để xác lập cơ cấu kinh tế phù hợp.
"Dù còn nhiều khó khăn nhưng thành phố luôn quan tâm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ tạo điều kiện trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Dư địa để thành phố cải thiện tốt hơn nữa môi trường kinh doanh, nâng cao hơn nữa hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là không nhỏ", ông Quang đánh giá.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phía Nam, so với các tỉnh thành lân cận, Đà Nẵng có những lợi thế to lớn về cơ sở hạ tầng, khi thành phố có cảng biển, sân bay, hạ tầng khu công nghiệp, đặc biệt khu công nghệ cao của Đà Nẵng là khu công nghệ cao duy nhất ở miền Trung, các tiện ích xã hội phát triển hơn so với khu vực hỗ trợ tốt cho các nhà đầu tư.
Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư TP. Đà Nẵng cũng nhận định đây là lợi thế "ăn điểm" của Đà Nẵng trong mắt các nhà đầu tư FDI.
"Môi trường sống của thành phố cũng được các nhà đầu tư đánh giá rất cao, bởi xét cho cùng, các doanh nghiệp FDI đến không chỉ để làm việc, đội ngũ quản lý cao cấp của họ sẽ sinh sống, thụ hưởng các điều kiện an sinh xã hội ở đây. Bởi vậy, môi trường đầu tư tốt và môi trường sống đáng sống cũng mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh cho Đà Nẵng trong thu hút đầu tư", bà Phương cho hay.
Nhìn nhận rõ những điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, Đà Nẵng tập trung thu hút nguồn lực FDI trong các lĩnh vực có thể phát huy được thế mạnh của thành phố về hạ tầng, công nghiệp, cơ chế chính sách, nguồn lực sẵn có để hấp dẫn nhà đầu tư.
Một trong những thuận lợi của Đà Nẵng trong công tác thu hút đầu tư là sự thống nhất trong định hướng của chính quyền. Nghị quyết 43 đã nêu rất rõ, mục tiêu đến năm 2030, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.
"Lãnh đạo UBND thành phố, cùng các sở, ban, ngành luôn có sự chủ động, đồng thuận trong việc hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các dự án từ khâu làm thủ tục đầu tư cho đến khâu quyết định chủ trương đầu tư và triển khai dự án", bà Phương nói.
Theo Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng, trong quy hoạch chung của thành phố được phê duyệt năm 2021, các đơn vị chức năng đang triển khai quy hoạch phân khu đã khắc phục một điều đó là thành phố không chạy theo nhà đầu tư.
"Các dự án hiện nay đều phù hợp với định hướng của Đà Nẵng trong kêu gọi đầu tư FDI. Thành phố chủ động đưa ra những dự án phù hợp với dư địa, hướng phát triển và kêu gọi và định hướng nhà đầu tư đi đúng tiêu chí mà thành phố mong muốn", bà Phương chia sẻ.
Theo Giám đốc VCCI - Chi nhánh Đà Nẵng, để làm tốt hơn nữa công tác thu hút đầu tư, Đà Nẵng cần tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai, đặc biệt là ngoài khu công nghiệp, đồng thời, đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện, dịch vụ phụ trợ, hỗ trợ tại các khu công nghiệp của thành phố.
Ngoài ra, chính quyền cần vận dụng sáng tạo và triển khai có hiệu quả hình thức đầu tư PPP trong huy động nguồn lực, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia các công trình, dự án của thành phố.
"Triển khai hiệu quả chính sách này, sẽ vừa tạo cơ hội kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp, vừa giúp thành phố huy động nguồn lực hiện thực hóa quy hoạch phát triển của thành phố và tạo động lực phát triển thành phố. Trong thu hút đầu tư, hoạch định chiến lược phát triển thành phố cần quan tâm đến yếu tố liên kết vùng nhằm tạo không gian, động lực phát triển lớn hơn cho Đà Nẵng và của vùng", ông Quang nhấn mạnh.
Kỳ tới: "Đòn bẩy" để Đà Nẵng phục hồi kinh tế