Đà Nẵng có ít nhất 4 người chết sau trận mưa lịch sử; biển Đông khả năng đón bão mạnh
Theo UBND TP. Đà Nẵng, đến sáng 15/10, có ít nhất 4 người tử vong do trận mưa lịch sử tại Đà Nẵng vào đêm 14/10.
Các nạn nhân là em V.H.N.T. (SN 2006, quê Quảng Bình), bị đuối nước tại khu vực đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu).
Người thứ hai là ông L.M.T. (SN 1964) bị đuối nước do đi đánh bắt cá.
Một trường hợp khác (SN 1935, trú đường Trưng Nữ Vương, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) bị đuối nước tại nơi thường trú.
Ngoài ra, còn một cán bộ công an phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) gặp tai nạn giao thông, tông vào dải phân cách, tử vong trên đường đi cấp cứu.
Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn TP. Đà Nẵng, trong đêm qua, toàn thành phố đã sơ tán kịp thời cả ngàn hộ dân đến nơi an toàn. Toàn thành phố có hàng nghìn nhà dân ngập sâu, nhiều tuyến đường sạt lở sau trận ngập lụt lịch sử 14/10. Nhiều tầng hầm công trình khách sạn, nhà dân bị ngập.
Tại các tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà, một số ô tô chết máy và một số điểm bị sạt lở, UBND quận hướng dẫn du khách đến chùa Linh Ứng để trú ẩn.
Đất, đá, bùn trên bán đảo Sơn Trà tràn xuống mặt đường Lê Văn Lương trên diện rộng gây khó khăn trong việc đi lại.
Đặc biệt, lũ quét tràn từ trên núi Hải Vân xuống qua cầu dẫn số 1, số 2 phía Nam hầm Hải Vân tạo thành dòng nước lớn, chảy xiết. Quảng trường trước cửa hầm Hải Vân phía Nam bị ngập, buộc đơn vị quản lý và khai thác hầm Hải Vân phải đóng cửa hầm, cắt cử lực lượng cứu hộ chốt trực tại cửa hầm phía Bắc.
Đến 6h ngày sáng nay 15/10, giao thông qua hầm Hải Vân mới thông suốt.
Biển Đông có khả năng đón bão mạnh vào tuần tới
Theo dự báo của cơ quan khí tượng Nhật Bản, lúc 9h sáng nay 15/10 (giờ Việt Nam), ngoài khơi Philippines đang có một áp thấp nhiệt đới ở vị trí 19 độ vĩ bắc, 126,6 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới là 15m/s (cấp 7), giật 23m/s (cấp 9).
Đài Nhật dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 21h ngày 15/10, tâm bão ở 19 độ vĩ bắc, 124,1 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão là 18m/s (cấp 8), giật 25m/s (cấp 10).
Trong 12 tới 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây và giữ nguyên cường độ khi ở khu vực ngoài khơi phía bắc đảo Luzon (Philippines).
Trong 24 – 48 giờ tiếp theo, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây và có khả năng tăng cấp, đi vào Biển Đông. 9h sáng 17/10, tâm bão ở 19,7 độ vĩ bắc, 118,8 độ kinh đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão là 23m/s (cấp 9), giật 35m/s (cấp 12).
Trong 48-72 giờ tiếp theo, bão đi hướng Tây Tây Nam và tiếp tục tăng cấp. Đến 9h ngày 18/10, tâm bão ở 18,7 độ vĩ bắc, 116,7 độ kinh đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão là 30m/s (cấp 11), giật 40m/s (giật cấp 13).
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết đơn vị đang theo dõi sát sao về diễn biến của áp thấp nhiệt đới.
Minh Long
Đà Nẵng: Hầm chui trăm tỷ ngập sát nóc, hầm đường bộ Hải Vân nghẽn đất bùn Sau trận mưa lịch sử tối đêm 14/10, hầm chui Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) thoạt nhìn thành dòng kênh.