Đà Nẵng: Chú trọng chuyển đổi số để hút khách du lịch quốc tế

Chia sẻ Facebook
14/08/2022 15:28:38

Đối với việc phát triển du lịch trong thời kỳ mới, TP Đà Nẵng sẽ chú trọng hơn công tác chuyển đổi số để mở rộng các thị trường khách.


Theo thông tin từ Sở Du lịch Đà Nẵng, lũy kế 7 tháng đầu năm ngành du lịch đã phục vụ gần 1,9 triệu lượt khách, tăng 83% so với cùng kỳ 2021, gần 70% cơ sở lưu trú du lịch hoạt động trở lại. Để tiếp tục phát triển ngành du lịch, TP Đà Nẵng sẽ chú trọng hơn công tác chuyển đổi số , áp dụng công nghệ để quảng quá hình ảnh rộng rãi hơn để với các thị trường khách.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng trong khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ngành du lịch vẫn chưa hoàn toàn hồi phục và hành vi, xu hướng của khách du lịch đã có nhiều thay đổi. Theo ông Bình, việc tạo ra những trải nghiệm mới mẻ, sản phẩm du lịch đặc sắc thông qua các giải pháp chuyển đổi số, tối ưu hóa hoạt động vận hành tại các cơ sở lưu trú là vô cùng quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút khách du lịch.


“Qua đó, tô điểm và tạo điểm nhấn cũng như hiệu quả về vận hành, tiết kiệm chi phí nhân công, tăng khả năng cạnh tranh của các cơ sở lưu trú du lịch trong việc đáp ứng nhu cầu tiện nghi, thẩm mỹ và cảm xúc trong trải nghiệm dịch vụ. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang chuyển đổi mạnh mẽ trên toàn cầu, du lịch đang là một trong những ngành được Chính phủ, lãnh đạo thành phố chú trọng tiên phong chuyển đổi số và các giải pháp du lịch thông minh để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách du lịch”, ông Nguyễn Xuân Bình cho hay.

Thông tin từ ông Bình, vừa qua Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đã tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu về triển khai chuyển đổi số dành riêng cho các cơ sở lưu trú du lịch 1-3 sao và 4-5 sao trên địa bàn thành phố.

Nói về chuyển đổi số trong du lịch, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho rằng việc xây dựng vận hành hệ thống bản đa kênh, xây dựng. thương hiệu số, danh tiếng điện tử, SEO... đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn về hạ tầng và nhân sự công nghệ, kinh phí cho kế hoạch truyền thông dài hạn,... trong khi khả năng thành công phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan về thị trường, hệ thống sản phẩm cạnh tranh về giá, duy trì và kiểm soát chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng,... Ngoài ra, trong quá trình chuyển đổi số cần thực hiện một cách đồng bộ, ứng dụng những xu hướng, công nghệ mới để vận hành và khai thác một cách có hiệu quả nhất cụ thể.

Ưu tiên các giải pháp du lịch thông minh để phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách.

Do đó, ông Dũng đề xuất việc chuyển đổi số cần thực hiện đồng bộ để tạo ra một hệ sinh thái du lịch thông minh đồng nhất, tạo tiện ích cho khách du lịch từ bước tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ sử dụng dịch vụ và review/feedback sau khi sử dụng cũng như giới thiệu cho người khác. Doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ thực tế ảo để giới thiệu điểm đến cơ sở lưu trú, kích thích nhu cầu đi du lịch của khách.

“Cần quảng bá tốt hơn các công nghệ đã được sử dụng như là lợi thế cạnh tranh của điểm đến/doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần đồng hành với địa phương trong các chiến dịch truyền thông chung về điểm đến, sản phẩm nổi bật để tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đến khách hàng. Đồng thời, cần đào tạo con người cho việc chuyển đổi số, kể cả lãnh đạo và nhân viên”, ông Cao Trí Dũng nhìn nhận.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số, du lịch là ngành cần được đầu tư làm thí điểm trước tiên, không chỉ vì đây là ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng mà đây còn là ngành dễ dàng ứng dụng các công nghệ mới và đã từng bước ứng dụng phần nào ở các doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào sự hỗ trợ của Nhà nước, quá trình này sẽ được thực hiện gấp rút và đồng bộ hơn, mang lại hiệu quả cao hơn để doanh nghiệp du lịch có thêm sức mạnh hồi phục sau Covid-19.

Chia sẻ Facebook