Đà Lạt: Nước hồ Xuân Hương đổi màu, cá chết la liệt, bốc mùi hôi thối
Thời gian qua, nước tại hồ Xuân Hương có màu vàng đậm, vương vãi nhiều rác thải sinh hoạt, cá chết hàng loạt trôi khắp mặt hồ.
Theo báo Người Lao Động, sáng 28/3, nhiều người dân lẫn du khách đi ngang khu vực giao giữa thắng cảnh hồ Xuân Hương với hồ lắng số 1 (đường Trần Quốc Toản, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) bất ngờ với hình ảnh nước đục ngầu của hồ Xuân Hương.
Một khu vực rộng của hồ Xuân Hương từ đoạn hồ lắng qua đảo Bích Câu đổi màu đục, dưới làn nước lơ lửng rất nhiều rác thải.
Cá dưới hồ Xuân Hương chết trôi khắp mặt hồ. Các loại cá chết gồm lóc, trê, trắm cỏ, chép… có trọng lượng từ 0,5-3kg.
Theo báo Lâm Đồng, khoảng 1 tuần trở lại đây, hồ Xuân Hương có dấu hiệu bị ô nhiễm do tảo lam, cộng với thời tiết nắng nóng khiến lượng cá chết dạt vào bờ hồ khá nhiều.
Cùng với đó, chiều ngày 27/3, Đà Lạt có cơn mưa lớn kéo dài khoảng 2 giờ khiến nước mưa đổ từ khu vực thượng nguồn về hồ Xuân Hương mang theo đất đỏ khiến cá bị ngộp. Nhiều nhất là khu vực quanh hồ lắng số 1 và số 2.
Tuy nhiên, nhiều người dân sinh sống ven hồ Xuân Hương khẳng định hiện tượng cá chết do trời mưa lớn chỉ là một trong những nguyên nhân. Theo họ, không loại trừ việc nước hồ Xuân Hương bị ô nhiễm và người thiếu ý thức vứt rác thải gây ra tình trạng này.
Do số lượng cá chết rải rác khá nhiều nên tới trưa nay, công nhân vẫn chưa thể thu gom hết toàn bộ khiến một số vị trí cá chết bốc mùi hôi thối.
Từ khi hồ Xuân Hương được tháo cạn nước để nạo vét, trùng tu hồ và tích nước trở lại vào cuối năm 2010 đến nay, hàng năm cơ quan chức năng đều ghi nhận tình trạng tảo lam bốc mùi hôi xuất hiện trên mặt hồ với mật độ khác nhau nhưng chưa có các biện pháp xử lý.
Minh Long
Đà Lạt sẽ mở rộng gấp 9 lần để thành đô thị ‘quốc gia, đặc thù văn hóa, lịch sử’
TP. Đà Lạt trong tương lai được mở rộng, gồm 6 đô thị vệ tinh lấy thành phố hiện hữu làm trung tâm hành chính và phát triển du lịch cao cấp.