Đã hướng nội còn phải làm chủ nợ: Ngại đòi tiền vì sợ người vay buồn
Có một kiểu người - đặc biệt là người hướng nội khi cho vay ai đó tiền thì nhiệt tình hết mình nhưng khi ngỏ lời đòi tiền lại khó xử, bối rối, mãi không mở lời được.
Có một trường hợp luôn được bàn tán sôi nổi trên YAN mà hầu như ai cũng sẽ gặp phải là khi mình cho người khác mượn tiền thì khá nhanh gọn, dễ dàng nhưng đến khi đòi tiền thì tự thấy không biết mở lời như thế nào cho hợp lý. Hỏi bất ngờ quá thì sợ người ta khó xử, chưa có tiền ngay, hay báo từ sớm thì cũng lo điều này thành gánh nặng cho "con nợ". Với người bình thường đã ngại, chuyện người hướng nội làm chủ nợ còn khó khăn hơn nhiều lần, thậm chí còn chẳng dám đòi tiền của chính mình vì sợ đối phương buồn, giận dỗi.
Sợ đối phương áp lực, tủi thân khi bị đòi tiền
Bảo Yến (25 tuổi) - một thành viên trong nhóm Cột sống GenZ tự nhận mình là người hướng nội, ngại giao tiếp với người lạ nên không có quá nhiều bạn bè. Thế nên chơi với ai 9X cũng luôn tin tưởng hết lòng, thậm chí còn sẵn sàng cho bạn mượn nửa tháng lương của mình để chuyển sang trọ mới. " Mình với nó chơi cùng nhau cũng 7 năm rồi, quen cả bố mẹ của nhau nên không có gì phải lo cả. Thấy nó có việc gấp cần lo nên mình giúp được thì giúp thôi ", Yến chia sẻ.
Với lòng tin là bạn bè thân thiết nên Yến cũng không gia hạn khi nào phải trả, thế là nửa năm trôi qua cô bạn vẫn chưa thấy đối phương mở lời về số tiền từng mượn để chuyển trọ. Về phía Yến là chủ nợ, 9X vừa lo số tiền đó theo thời gian sẽ trôi vào dĩ vãng, vừa không biết mở lời nhắc khéo thế nào cho thuận cả đôi đường. " Mình biết lương của nó chỉ tầm 9 triệu đồng thôi nên khó mà trả ngay cho mình được, mà không trả được thì áp lực mất . Bạn bè với nhau lại đề cập chuyện tiền bạc thì sợ nó tủi thân, nghĩ mình không tin tưởng nó ", Yến bộc bạch. Hiện tại vẫn chưa biết khi nào 9X mới lấy đủ can đảm để mở lời với bạn về số tiền mượn ngày trước.
Tương tự, Thảo Nhi cũng khá đau đầu vì lỡ dây dưa chuyện tiền bạc với em họ. " Là người thân nên khi thấy em lỡ tiêu hết tiền đóng học phí mẹ cho, mình không thể 'phản bội' nó mà báo gia đình được, đành phải cho mượn tiền ", Nhi kể.
Tuy nhiên, sau đó dù có hỏi 1, 2 lần về số tiền từng cho vay nhưng em họ lại tỏ ý chị em giúp nhau là chuyện đương nhiên, khi nào có sẽ tự giác trả. Vậy nên Nhi càng ngại, không nhắc đến số nợ đó nữa. " Chị em với nhau mà cứ hỏi nợ hoài thì không hay, như kiểu chỉ chơi với nhau vì tiền ấy. Với cả em ấy cũng nói có tiền thì sẽ trả rồi nên mình mà hỏi tiếp thì nó giận mất, mà mình cũng ngại lắm ", cô bạn nói. Thậm chí khi cần tiền, Nhi thà đi vay bạn còn hơn hỏi em họ hay nói khéo với gia đình của em.
Nghĩ cho đối phương nhưng đừng quên chính mình
Với bất cứ ai, chuyện tiền bạc luôn là vấn đề nhạy cảm có thể biến từ bạn thành thù, người thương thành người dưng. Bình thường còn chẳng thể đòi tiền của mình một cách quyết liệt, cứng rắn, với người hướng nội lại lúng túng, khó xử hơn. Càng như vậy, bạn càng có xu hướng ít tỏ ra quan tâm đến khoản tiền cho vay để giữ mối quan hệ hòa thuận, tránh xung đột với đối phương.
Dù lòng bứt rứt, khó chịu nhưng trong trường hợp này, một chủ nợ hướng nội thường suy nghĩ nhiều và quan tâm đến cảm xúc của người vay tiền nhiều hơn. Bạn lo rằng việc đòi nợ có thể gây căng thẳng, khiến đối phương cảm thấy không được tin tưởng rồi sinh ra tâm lý buồn bã hoặc giận dỗi. Hơn nữa, bản thân bạn cũng không thoải mái, thậm chí là thấy có lỗi nếu lỡ phải đối mặt với phản ứng tiêu cực từ phía người vay tiền - cho dù bạn là chủ nợ có thể đường hoàng hỏi về số tiền của chính mình.
Song, suy cho cùng, nếu bạn cho người khác vay tiền thì chẳng có gì phải né tránh, ngại ngùng khi hỏi về số tiền của chính mình cả. Đòi tiền với những người hướng nội có thể là một thử thách nhưng không bất khả thi, điều quan trọng là họ vượt qua được nỗi ngại không đáng có trong lòng mình. Bạn quan tâm đến người vay tiền nghĩ gì, lo rằng đòi tiền khiến người ta buồn, giận dỗi nhưng hãy tự hỏi đối phương có để ý đến cảm xúc của bạn không? Bởi vì nếu có thì họ sẽ chủ động mở lời với bạn để gửi lại số tiền đã mượn hoặc xin khất đến một thời hạn nào đó. Mọi mối quan hệ giữa người với người đều có sự qua lại, tự hỏi xem người ta có xứng đáng để mình hết lòng như vậy hay không.
Mặt khác, đòi nợ cũng là một kỹ năng, vậy nên thay vì nói bóng gió, nói giảm nói tránh thì nên đi thẳng vào vấn đề một cách tự nhiên nhất. Bạn cũng có thể dựng một tình huống khẩn cấp đột xuất để đối phương biết bạn đang gặp khó khăn về tài chính, hoặc tốt nhất là ngay từ đầu đừng cho người ta mượn tiền. Nhớ rằng bạn đang đòi tiền mà người khác đã mượn và bạn có quyền làm như vậy chứ không phải đang đi xin xỏ ai cả. Vậy nên hãy nghĩ cho bản thân của mình trước và tự tin lên nhé.
Đối với người hướng nội, đòi tiền cho vay có thể là một thử thách khó nhưng có một số cách để khiến các chủ nợ thoải mái hơn, không bị khó xử mỗi khi nhắc đến vấn đề này. Dưới đây là một số gợi ý:
1. Chuẩn bị tinh thần, gạt mọi cảm xúc ngại ngùng: Nếu ngại hoặc không biết mở lời thế nào thì bạn có thể tập trước để cuộc nói chuyện suôn sẻ, đúng trọng tâm hơn, tránh lòng vòng rồi dẫn đến những phát sinh không đáng có. Quan trọng hơn là tự làm công tác tư tưởng cho chính mình, tự tin lên vì bạn không sai.
2. Lựa chọn thời điểm thích hợp: Đôi khi cũng cần xem xét rằng họ có thực sự khó khăn quá hay không để tránh trường hợp dồn người ta vào ngõ cụt, như vậy thì bạn không thoải mái mà đối phương cũng chẳng có tiền mà trả cho bạn.
3. Nghe và thông cảm: Thể hiện sự lắng nghe và thông cảm nếu đối phương đang ở hoàn cảnh khó khăn.
4. Thỏa thuận hợp lý: Đưa ra cái hẹn phù hợp, rõ ràng cho đối phương. Đôi khi nên dựng lên tình huống khó khăn cho chính mình để người vay tiền có thêm "động lực" trả nợ sớm.
Xem thêm những bài viết tương tự TẠI ĐÂY !