Đã đủ chật vật với lệnh cấm vận dầu Nga nhưng quyết định khó khăn nhất vẫn đang đợi EU

Chia sẻ Facebook
10/05/2022 10:18:36

Liên minh Châu Âu đang không ngừng 'chia 5 xẻ 7' về việc áp dụng các lệnh trừng phạt đối với dầu Nga ra sao. Nếu như vậy, việc cấm vận khí đốt Nga dự báo sẽ còn khó khăn gấp bội.


Một khi gói trừng phạt thứ 6 được thông qua, EU sẽ cạn kiệt các lĩnh vực để trừng phạt mà không gây ra những tổn thương nhất định cho các ngành công nghiệp cốt lõi và nhu cầu kinh tế của chính họ. Một khi EU đồng ý trừng phạt dầu mỏ, cắt giảm nguồn cung khí đốt của Nga sẽ là lựa chọn khó khăn nhất còn lại.

Khí đốt luôn xuất hiện trong các cuộc thảo luận về trừng phạt Nga. Nhiều quốc gia như Ba Lan và các nước vùng Baltic đã thúc đẩy việc cắt giảm các chuyến hàng của Nga kể từ khi cuộc chiến bắt đầu hồi tháng 2 và họ hiện vẫn đang gia tăng áp lực.


Như thường lệ, Đức sẽ là yếu tố quyết định điều này có thể diễn ra nhanh chóng như thế nào. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga nhưng mục tiêu của họ là phải đến năm 2024.

Một số nhà ngoại giao của EU cho rằng quyết định cắt nguồn cung khí đốt đối với 2 quốc gia châu Âu của ông Putin vì họ từ chối thanh toán bằng đồng rúp là một bước ngoặt, đặc biệt khi Moscow cảnh báo rõ ràng rằng tiếp theo có thể là các quốc gia EU khác.

"Câu hỏi đặt ra không phải là liệu chúng ta có làm được không, mà là khi nào", một nhà ngoại giao EU cho biết.


Brussels đã công bố kế hoạch giảm 2/3 sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt Nga vào cuối năm nay và kết thúc hoàn toàn việc giao hàng trong vòng 5 năm. Do đó, việc áp lệnh trừng phạt đối với khí đốt của Nga có thể làm kế hoạch này được thực thi hơn và các mốc thời gian đặt ra thậm chí nhanh hơn.


Trò chơi 'người được người mất'


EU càng cố gắng "tấn công" ông Putin thì càng có nguy cơ làm tổn thương chính mình. Các lệnh trừng phạt hiện đang tác động đến các lĩnh vực chủ lực của các nền kinh tế quốc gia, khiến cho khối này phải cắt giảm, miễn trừ hoặc giảm bớt các đề xuất trừng phạt.

EU phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga - khoảng 40% nguồn cung khí đốt - so với than đá hay dầu mỏ. Điều này khiến cho khối khó khăn hơn trong việc duy trì sự đoàn kết. Một số quốc gia thành viên, bao gồm cả các cường quốc như Đức và Italy, cũng đã cảnh báo về nguy cơ suy thoái trên toàn châu Âu nếu Brussels đột ngột chấm dứt nhập khẩu khí đốt từ Nga.

Người ta lo ngại rằng việc cắt giảm nguồn cung khí đốt của Nga sẽ làm châu Âu bị tổn thương nhiều hơn là Nga bởi phần lớn nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng của Moscow đến từ dầu mỏ chứ không phải khí đốt.

Ông Jonathan Stern, sáng lập chương trình nghiên cứu khí đốt tại Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford, cho rằng việc cắt giảm này sẽ tàn phá châu Âu chỉ trong vài tuần, còn với Nga, tác động có thể phải 1 hoặc 2 năm mới bị tác động.


Đức đang toan tính gì?

Cũng như các gói trừng phạt trước đó, Đức có khả năng sẽ thiết lập thời điểm và mức độ tác động đến nhập khẩu khí đốt ra sao. Không phải ngẫu nhiên mà Ủy ban châu Âu chuyển hướng sang cấm vận than và dầu mỏ chỉ sau khi có sự tham gia của Berlin và sau đó lựa chọn theo thời hạn cắt giảm của Đức đặt gia cho chính quốc gia mình.

Đức phụ thuộc đáng kể vào khí đốt Nga và không thể dễ dàng khắc phục như dầu và than, một phần do quy mô lớn. Trước khi cuộc chiến nổ ra ở Ukraine, Đức nhập hơn một nửa nguồn cung khí đốt từ Nga.

Đức nhập khẩu 2/3 lượng khí đốt tự nhiên từ Nga.

Những lo ngại của Đức - mà các chính trị gia, giới phân tích và ngân hàng trung ương đều cảnh báo là sẽ gây ra suy thoái kinh tế nếu cấm vận khí đốt - không phải là không có cơ sở. Ngành công nghiệp nặng vẫn là trụ cột của nền kinh tế nước này và các lĩnh vực như sản xuất thép phụ thuộc nhiều vào khí đốt. Ngoài ra, một nửa số hộ gia đình ở Đức cũng sưởi ấm bằng khí đốt.


Tuy nhiên, Đức chẳng có lúc nào nhàn rỗi. Kể từ cuối tháng 4, Đức đã giảm sự phụ thuộc đó xuống còn 35% bằng cách nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng và thực hiện các biện pháp khác nhằm mục tiêu độc lập hoàn toàn vào năm 2024.

Cũng như các cuộc tranh luận xung quan vấn đề trừng phạt than và dầu của Nga, một số nước châu Âu dường như đang núp sau bờ vai rộng lớn của 'anh cả' Đức, vui mừng vì không bị chú ý khi từ chối trừng phạt Nga sâu hơn. Áo nhận khoảng 80% nguồn khí đốt tự nhiên từ Nga và các quốc gia khác không giáp biển như Cộng hòa Séc, Hungary và Slovakia cũng sẽ nhanh chóng gặp khó khăn nếu lệnh cấm được thông qua.

Tất nhiên, nếu Moscow "khóa van" trước, như đã làm với Ba Lan và Bulgaria, thì lệnh trừng phạt khí đốt có thể nổ ra. Nhiều khoản thanh toán sắp đến hạn vào giữa tháng 5 này và các quốc gia đang cần sự rõ ràng về cách thức thanh toán khí đốt mà không vi phạm các lệnh trừng phạt. EU đã đề xuất một giải pháp thay thế, nhưng nó vẫn chưa được thử nghiệm và điều này có thể sẽ không được thực hiện.

Khi nào Brussels có thể trừng phạt khí đốt vẫn chưa rõ ràng. Một nhà ngoại giao của EU lạc quan cho rằng ông hy vọng điều đó sẽ diễn ra trong vài tuần tới. Một số người khác cho rằng nó có thể sẽ được thông báo tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU diễn ra vào cuối tháng này.

Chia sẻ Facebook