Đã đến lúc “khai tử” Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Chia sẻ Facebook
20/08/2022 08:37:08

Để giá xăng dầu vận động theo đúng tín hiệu thị trường, Bộ Tài chính cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để xem xét, đánh giá bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu...


Mới đây, tại dự thảo Luật Giá, Bộ Tài chính đã đề xuất bỏ quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá vì không còn phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, điều tiết giá hiện nay, trong đó có Quỹ bình ổn giá xăng dầu .

Theo đó, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ đặc thù, được thành lập trước khi có các quy định về quỹ bình ổn giá tại Luật giá (được quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, sau đó là Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, nay là Nghị định số 95/2020/NĐ-CP) nên việc bỏ biện pháp lập Quỹ bình ổn giá tại Luật giá cũng không ảnh hưởng đến tính pháp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Chưa kể, hiện thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực; số lượng các doanh nghiệp tham gia vào hệ thống lưu thông phân phối ngày càng tăng, hiệu quả ngày càng được cải thiện và thúc đẩy tính cạnh tranh trên thị trường kinh doanh xăng dầu; tâm lý người tiêu dùng đã dần thích ứng được với việc điều chỉnh tăng - giảm giá xăng dầu theo biến động của giá xăng dầu thế giới.

Bộ Tài chính cho rằng, thời điểm này là thích hợp để xem xét, đánh giá để bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, để giá xăng dầu vận động theo đúng tín hiệu thị trường tại văn bản số 439/HHXDVN-VP của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam. Bộ Công Thương cũng nhất trí xem xét, đánh giá để bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá khi Nhà nước không điều tiết chi phí xây dựng thông qua giá cơ sở hoặc giá tham chiếu, hoàn toàn để các doanh nghiệp tự quyết định giá.

Góp ý dự thảo Luật giá (sửa đổi), Bộ Công Thương kiến nghị bỏ mặt hàng xăng dầu khỏi Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và chỉ để mặt hàng này vào danh mục mặt hàng thực hiện bình ổn giá.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, tại Luật hiện hành quy định “Trong trường hợp cần thiết, lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng cần bình ổn giá thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá nhằm mục tiêu hỗ trợ cho bình ổn giá; sử dụng quỹ bình ổn giá khi giá của hàng hóa, dịch vụ đó biến động bất thường hoặc tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống”.

“Nếu thực tế có phát sinh trường hợp bình ổn giá, việc áp dụng theo biện pháp này là không khả thi vì việc lập quỹ phải trên cơ sở đề án trích lập, quản lý sử dụng là một quy trình phức tạp, không đáp ứng được tính kịp thời, phải triển khai ngay trong bình ổn giá”, Bộ Tài chính bày tỏ.

Thực tế, nếu không trích lập Quỹ bình ổn thì giá xăng dầu được cho có thể về 20.000 đồng/lít - Ảnh minh họa (Internet)


Thực tế, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, có tác động lớn đến giá cước, giá hàng hóa tiêu dùng,... Vì vậy, khi giá xăng dầu tăng phi mã, nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị Nhà nước phải có biện pháp để giảm giá xăng dầu, từ đó kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chính sách kiểm soát giá xăng dầu hết sức mờ nhạt.

Cụ thể, trong các kiến nghị giảm thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thì chỉ có thuế bảo vệ môi trường được thông qua với tổng mức giảm là 3.000 đồng/lít xăng, 1.500 đồng/lít dầu và được chia làm 2 lần. Đáng nói, ở lần giảm sau, ngày 11/7 với mức giảm 1.000 đồng/lít xăng thì liên bộ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính lại trích giữ lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu gần tương đương với 950 đồng. Coi như tiền giảm của chính sách bù vào Quỹ bình ổn giá.

Đáng nói, cứ mỗi lần giá xăng dầu được điều chỉnh giảm theo đà giảm của giá thế giới thì liên bộ lại trích Quỹ bình ổn giá cũng ở mức cao không kém. Theo dữ liệu của Bộ Công thương, tính từ ngày 01/7 – 11/8, xăng E5 RON 92 giảm được 7.577 đồng/lít thì mức trích Quỹ với mặt hàng này là 3.500 đồng; xăng RON 95-III có tổng mức giảm trong 5 lần là 8.205 đồng/lít thì tổng mức trích Quỹ là 3.500 đồng; dầu diesel giảm 7.111 đồng/lít thì tổng mức trích Quỹ là 1.900 đồng.

Không ít ý kiến cho rằng, nếu tính một cách sòng phẳng, theo đà giảm của thế giới, mức giảm thuế bảo vệ môi trường và không trích Quỹ bình ổn giá, đến nay, giá xăng đã về ngưỡng 20.000 đồng/lít thay vì ở mức 24.500 đồng hiện tại với xăng E95.

Đặc biệt, nhiều lần giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, mức trích Quỹ bình ổn giá cũng cao, thậm chí cao hơn cả mức giảm. Chẳng hạn, tại 2 kỳ điều chỉnh giá gần đây, tổng mức giảm với xăng RON 95-III là 1.400 đồng/lít, tổng mức chi quỹ là 1.600 đồng/lít; với xăng E5 RON 92 tổng 2 lần giảm 1.344 đồng/lít, tổng 2 lần chi quỹ 1.500 đồng/lít. Vì vậy, tại kỳ điều chỉnh vừa qua, xăng RON 95-III thay vì giảm 1.700 đồng/lít, chỉ giảm được 940 đồng.

Đáng nói, Quỹ bình ổn giá của nhiều doanh nghiệp đầu mối đến nay đã dương từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng việc trích giữ quỹ này vẫn được thực hiện liên tục, cụ thể, đến ngày 11/8, Quỹ bình ổn giá của Petrolimex – doanh nghiệp chiếm trên 40% thị phần xăng dầu bán lẻ trong nước tồn quỹ 473 tỷ đồng; Saigon Petro tồn quỹ hơn 227 tỷ đồng; Mipec tồn quỹ hơn 13 tỷ đồng;...

Trước đó, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại VN (VCCI), Bộ Tài chính và nhiều chuyên gia kinh tế đều đã đề xuất bỏ quy định về lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá để xăng dầu được hoạt động theo cơ chế thị trường. Mặt khác, khi bỏ Quỹ bình ổn giá, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối. Thực tế, Quỹ BOG chỉ có tác dụng khi giá xăng dầu lên xuống ở mức độ nhẹ.

Và trên thực tế, Quỹ bình ổn giá chỉ có tác dụng khi giá xăng dầu lên xuống ở mức độ nhẹ, trong bối cảnh giá biến động liên tục và khó đoán, quỹ này coi như “hết phép”. Bởi, bản chất của quỹ này là hình thức bắt buộc người dân nộp tiền trước để bình ổn giá cho… chính mình.

Chia sẻ Facebook