Đa dạng văn hóa ẩm thực TP.HCM: Cởi mở, luôn chấp nhận cái mới làm nên sự độc đáo
Nếu biết cách khai thác, ẩm thực sẽ là thế mạnh góp phần lấy lại vị thế cho thành phố Hồ Chí Minh sau đại dịch COVID-19.
Năm 2019, hạng mục ẩm thực đường phố ấn tượng nhất thế giới của tạp chí CEOWORLD của Mỹ đã công bố danh sách 50 thành phố tốt nhất thế giới về ẩm thực đường phố . Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 4. Du lịch ẩm thực được đánh giá là một trong những sản phẩm chiến lược của thành phố, khách phương xa tới đây sẽ bị hấp dẫn bởi rất nhiều món ăn đường phố như bánh mì nóng giòn, gỏi cuốn, bò bía, súp cua… những món ăn có thể được tìm thấy ở rất nhiều con đường, ngõ hẻm tại đây.
Ẩm thực Việt Nam, Á hay Âu… đều có ở TP.HCM. Tại đây, du khách có thể tìm thấy không thiếu loại đặc sản nào của các vùng miền. Những món ăn này được điều chỉnh theo khẩu vị của người dân Nam Bộ nhưng vẫn giữ được cái hồn. Chính sự đa dạng và cởi mở đón nhận tinh hoa vùng miền đã chào đón đầu bếp từ khắp mọi miền đất nước, góp phần tạo nên hương vị ẩm thực quyến rũ cho thành phố này.
Là thành phố trẻ, năng động, TP.HCM còn là nơi người nước ngoài lựa chọn đến sinh sống, lập nghiệp, trong đó có nhiều người đam mê ẩm thực. Nơi đây, người dân và du khách đều dễ dàng tiếp nhận sự đa dạng hương vị ẩm thực Á – Âu. Nhịp sống tươi trẻ, cởi mỏ và sự giao thoa, hội tụ đa phong cách văn hóa thực sự là một trải nghiệm lý thú, truyền cảm hứng cho những người yêu sáng tạo.
Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển nhiều con phố ẩm thực như Bùi Viện, phố đi bộ Kì Đài – Quang Trung, đường Hà Tôn Quyền… Theo Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết các tour du lịch đều giới thiệu ẩm thực đặc sản của các vùng miền tại đây. Đó cũng là cách níu chân du khách trở lại nơi đây nhiều lần, bên cạnh các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa, nghệ thuật. Nếu biết cách khai thác, ẩm thực sẽ là thế mạnh góp phần lấy lại vị thế cho thành phố sau đại dịch COVID-19.
"Nhiều năm qua, chúng ta đã để phát triển tự nhiên, chưa có kiểm đếm, đánh giá và tôn tạo phát huy thế mạnh này. Đã đến lúc cần tính toán lại vấn đề này. Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã đề xuất với TP.HCM nhiều chương trình, trong đó có chương trình ẩm thực. Cần phát triển ẩm thực thành một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu của thành phố, nhằm lôi kéo khách du lịch tới, nhất là du khách quốc tế. Họ tìm hiểu thành phố thông qua ẩm thực, từ bình dân, phổ cập đến cao cấp. Tôi cho rằng từ đó, chúng ta có thể giữ chân khách lưu trú tại đây, hiệu quả từ một người đến sẽ tỷ lệ thuận với số ngày họ lưu trú tại TP.HCM. Đây là thế mạnh không dễ gì các tỉnh thành khác có" - ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam - chia sẻ.
Với lịch sử 300 năm hình thành và phát triển, TP.HCM đã định hình bản sắc độc đáo và sự phóng khoáng, hảo sảng, nghĩa tình. Là thành phố có nhịp sống năng động, hiện đại với những giá trị văn hóa, kiến trúc lâu đời, một thành phố có kiến trúc hiện đại đan xen với sông, kênh, khu sinh quyển thế giới đan xen rừng ngập mặn và cũng là thành phố mà ở đó du khách có thể tìm thấy bất kỳ món ngon nào của Việt Nam và thế giới. Sự cởi mở, luôn chấp nhận cái mới là yếu tố tạo ra sự độc đáo, đa dạng.
Phát triển ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia từ câu chuyện của phở Câu chuyện của phở, của ẩm thực Việt vẫn chờ đợi được viết thêm những trang mới.