Đã có 3 người tử vong, làm sao phòng căn bệnh gia tăng vào mùa hè hay gặp ở người trẻ?
Chỉ trong một tháng gần đây ghi nhận 3 trường hợp tử vong do viêm não vi rút. Đây là căn bệnh thường có xu hướng tăng cao vào mùa hè với đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi.
Báo cáo của Bộ Y tế ngày 29/6 cho biết, trong 1 tháng qua (tính từ ngày 19/5 đến 18/6), cả nước ghi nhận 49 trường hợp mắc viêm não vi rút, trong đó có 3 người tử vong. Tính chung trong tháng 6 đầu năm 2022 có 110 trường hợp mắc viêm não vi rút, trong đó có 3 người tử vong.
Viêm não vi rút là bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây ra và thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Bệnh xuất hiện quanh năm và thường có xu hướng tăng cao vào mùa hè. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi.
Viêm não cấp do vi rút là tình trạng viêm của nhu mô não, biểu hiện bằng sự rối loạn chức năng thần kinh, tâm thần khu trú hoặc lan tỏa do một số loại vi rút gây nên.
Có rất nhiều loại vi rút có thể gây bệnh viêm não tiên phát hoặc viêm não thứ phát. Cụ thể, nguyên nhân gây viêm não tiên phát xuất hiện khi vi rút trực tiếp tấn công vào não và tủy sống. Trong đó muỗi là một vectơ truyền bệnh từ chim, động vật gặm nhấm sang người. Điển hình là viêm não Nhật Bản hoặc viêm não do các vi rút khác như Herpes Simplex, EBV… Nguyên nhân gây viêm não thứ phát do bệnh nhân mắc một số bệnh như sởi, quai bị, rubella, EV71.
Tùy theo nguyên nhân gây viêm não mà có thể gặp ở các lứa tuổi khác nhau, nhưng thường gặp trẻ em dưới 15 tuổi như: Viêm não Nhật Bản (thường gây dịch vào các tháng 5,6,7, gặp nhiều nhất ở lứa tuổi từ 2 đến 8, lây truyền qua trung gian muỗi đốt); Enterovirus (Vi rút gây bệnh chân tay miệng, xảy ra quanh năm nhưng nhiều hơn ở các tháng từ tháng 3 đến tháng 6; thường gặp trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và lây truyền qua đường tiêu hóa); Vi rút Herpes Simplex (xảy ra quanh năm, thường gặp ở trẻ nhỏ (HSV typ 1), trẻ sơ sinh có thể mắc bệnh viêm não cấp do HSV typ 2).
Theo BS CKI Nguyễn Thị Sơn, khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), biểu hiện bệnh thường gặp là sốt, co giật, đau đầu dữ dội, buồn nôn, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, rối loạn nghe hoặc nói, có thể xuất hiện ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn hoặc hôn mê.
Đối với trẻ nhỏ, các triệu chứng thường không điển hình, có thể chỉ nôn mửa, gồng cứng người, thóp phồng nếu bệnh nhân còn thóp, khóc không thể dỗ được hoặc khóc tăng lên khi bồng bế hoặc thay đổi tư thế.
Hiện nay đa số các loại viêm não do virus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu (thuốc kháng vi rút) trừ nguyên nhân do Vi rút Herpes Simplex. Vì vậy, điều trị viêm não chủ yếu là điều trị triệu chứng như: Chống phù não, đảm bảo hô hấp, tuần hoàn, hạ sốt, chống co giật, kháng sinh khi có bội nhiễm, dinh dưỡng và phục hổi chức năng nếu cần. Tất cả những phương pháp điều trị này cần được thực hiện tại cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa và trang thiết bị y tế hiện đại.
“Viêm não vi rút khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời vẫn có thể để lại di chứng nặng nề. Tuy nhiên nếu không được điều trị có thể dẫn đến biến chứng rất nguy hiểm. Đối với thể tối cấp có thể suy hô hấp, trụy tim mạch tử vong rất nhanh.
Các thể khác tùy theo mức độ tổn thương của não có thể gây nên tình trạng mất khả năng học tập, mất trí nhớ, mất khả năng kiểm soát vận động cơ, động kinh, thay đổi nhân cách.
Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi mắc viêm não virus thường có nguy cơ cao hơn với tình trạng bại não”, Bác sĩ Nguyễn Thị Sơn, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết.
Để chủ động phòng, chống bệnh viêm não vi rút, trong đó có viêm não Nhật Bản, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện việc đưa trẻ em đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch.
Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, chuồng gia súc phải xa nhà, diệt muỗi và loại bỏ các ổ bọ gậy.
Nằm màn kể cả ban ngày và ban đêm; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống chín. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh. Nếu có các dấu hiệu sốt cao và kèm theo những rối loạn ở hệ thống thần kinh trung ương (co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê…) phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy cũng khuyến cáo, trong những vùng mà viêm não được lây truyền do côn trùng như muỗi thì trẻ em nên tránh chơi ngoài trời lúc bình minh và hoàng hôn – bởi đây là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất. Phụ huynh chú ý cho trẻ mặc quần áo phủ kín tay chân, mang tất.
N. Huyền
Infonet