Cựu TT Nga Medvedev nói không thể loại trừ chiến tranh hạt nhân
Đề cập tới chính sách hạt nhân của Nga, ông Medvedev tuyên bố rằng Tổng tư lệnh Quân đội Nga, tức Tổng thống Putin có thể ra lệnh thực hiện tấn công hạt nhân trong một số kịch bản, chẳng hạn như khi Nga hoặc cơ sở hạ tầng trọng yếu của Nga bị tấn công hạt nhân.
Cựu Tổng thống và hiện là phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, ông Dmitry Medvedev đã nói rằng “ không ai nên quên ” về các tình huống mà có thể buộc Nga phải sử dụng vũ khí hạt nhân.
Embed from Getty Images
Từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine vào cuối tháng Hai, mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây đã rớt xuống mức thấp nhất trong lịch sử hiện đại. Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và đồng minh của Mỹ rằng việc họ gửi thêm vũ khí cho Ukraine sẽ gây ra rủi ro xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO.
Ông Medvedev, trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Al Jazeera của Qatar, đã nói rằng mặc dù ông không muốn dọa bất kỳ ai, nhưng “ khi mọi người nói rằng điều gì đó là không thể bởi vì nó là không bao giờ có thể, thì họ đã luôn luôn sai ”. Ông lưu ý rằng thế giới đã từng được chứng kiến việc sử dụng vũ khí hạt nhân, và bên sử dụng vũ khí hủy diệt này “ không ai khác ngoài người Mỹ ”.
“ Hoặc có thể có một lý do khác, đó là trong trường hợp Nga bị tấn công bằng vũ khí thông thường, nhưng vụ tấn công đó có bản chất đe dọa tới sự tồn vong của nhà nước Nga. Không ai nên quên về hai tình huống này ”, ông Medvedev nói.
Ông Medvedev đã thúc giục các nước khác phải đưa ra quyết định trên cơ sở “ tính đến tất cả các thực tế ”. Dù vậy, cựu tổng thống cũng nhấn mạnh rằng: “ Không ai muốn một cuộc chiến tranh hạt nhân ”.
Hồi tháng Tư, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã cảnh báo rằng rủi ro chiến tranh hạt nhân là “ khá lớn ”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khi đó chỉ trích gay gắt phát biểu của ông Lavrov, gọi đó là phát ngôn “ rất nguy hiểm và không hữu ích” .
“ Không ai muốn thấy một cuộc chiến tranh hạt nhân xảy ra. Đó là cuộc chiến mà tất cả các bên đều thua ”, ông Austin nói.
Hôm thứ Tư (1/6), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã loan báo thực hiện gói cứu trợ quân sự mới cho Ukraine, trong đó bao gồm chuyển cho Kyiv hệ thống rocket cơ động cao (HIMARS) và hệ thống phóng đa rocket (MLRS). Ông Biden cũng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine và cung cấp thêm vũ khí và thiết bị quân sự để Kyiv tự vệ.
Các hệ thống HIMARS và MLRS bắn rocket đánh chặn hiệu quả ở tầm xa khoảng 30km và chúng cũng có thể phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật có tầm bắn lên tới 300km.
Ông Medvedev nói: “ Lạy chúa, rõ ràng rằng nếu những loại vũ khí này [các hệ thống phóng đa tên lửa] được sử dụng để bắn vào lãnh thổ Nga, thì Lực lượng Vũ trang của chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải hành động để đánh bại các trung tâm ra quyết định [của Ukraine] ”.
Như Ngọc (T/h)
[VIDEO] 100 ngày chiến tranh Nga - Ukraine: Xung đột đã phát triển như thế nào?
Các nhà phân tích quân sự phương Tây từng dự đoán một cuộc xâm lược gây sốc, kinh hoàng và “tốc chiến tốc thắng” dành cho các lực lượng Nga sau mở màn ấn tượng;…