Cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng nhận 21,5 tỷ đồng vì nghĩ đó là "tiền cảm ơn"
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng khẳng định không gây khó khăn, không ra bất kỳ điều kiện nào với doanh nghiệp mà đều do doanh nghiệp chủ động đưa tiền.
Tiếp tục phần xét hỏi của phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Tô Anh Dũng – cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao là bị cáo bị xét hỏi đầu tiên trong phiên chiều ngày 12/7.
Bị cáo khai nhận, bản thân được lãnh đạo Bộ Ngoại giao phân công thay mặt Bộ Ngoại giao tham gia thành viên Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, phụ trách chỉ đạo công tác của Cục Lãnh sự về bảo hộ công dân, hỗ trợ người nước ngoài ở Việt Nam , đưa chuyên gia, vật tư từ nước ngoài về trong nước phục vụ phòng chống dịch. Bên cạnh đó, trực tiếp tham gia thành viên của Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ.
Trong thời gian dịch bệnh, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm bảo hộ công dân, xây dựng kế hoạch để giải cứu công dân về nước, nắm bắt nhu cầu về nước của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời là đầu mối phối hợp của Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ. Đặc biệt là đầu mối tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp, xem xét, thẩm định năng lực và cấp phép cho doanh nghiệp tổ chức chuyến bay giải cứu.
Trong đó, Bộ Ngoại giao phân công Cục Lãnh sự mà trực tiếp là Phòng Bảo hộ công dân là đầu mối giải quyết các nhiệm vụ đó.
“Bộ Ngoại giao phân công những nhiệm vụ trên cho Cục Lãnh sự do đây là đơn vị có bộ máy sẵn có và có kinh nghiệm trước đây. Cục Lãnh sự Là đơn vị tiếp nhận hồ sơ, đánh giá xem xét năng lực của doanh nghiệp, nắm bắt nhu cầu của công dân rồi báo cáo bị cáo ký duyệt. Sau đó bị cáo ký văn bản gửi Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ để lấy ý kiến. Nếu được chấp thuận thì Cục Lãnh sự thông báo cho các doanh nghiệp”, bị cáo Dũng nói.
Về hành vi nhận hối lộ, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao có tiếp xúc với đại điện của 13 doanh nghiệp. Tuy nhiên, bị cáo khẳng định không chủ động gặp gỡ, tiếp xúc mà do các doanh nghiệp chủ động đề nghị gặp.
“Bị cáo không chủ động mà chủ yếu là các doanh nghiệp qua quan hệ công tác hoặc theo nhu cầu có liên hệ. Vì nể nang và cũng thấy việc tham gia của các doanh nghiệp cũng đúng theo chủ trương, nên bị báo có đồng ý gặp gỡ với mục đích xem các doanh nghiệp có gặp khó khăn gì không. Mặt khác, đa phần những doanh nghiệp này trước đó cũng đã được cấp phép chuyến bay ở Văn phòng Chính phủ nên bị cáo cũng yên tâm”, bị cáo Tô Anh Dũng nói.
Theo đó, bị cáo Dũng cho biết trong những lần đầu doanh nghiệp đến gặp, bị cáo có tiếp xúc nhưng cũng chỉ hỏi thăm về năng lực, khả năng của doanh nghiệp và hướng dẫn các doanh nghiệp làm thủ tục xin cấp phép. Đồng thời giới thiệu với Cục Lãnh sự để hai bên phối hợp thực hiện chứ bị cáo không đưa ra bất kỳ điều kiện nào với các doanh nghiệp.
Về sau khi tổ chức chuyến bay xong, các doanh nghiệp có đến tiếp xúc với Tô Anh Dũng để cảm ơn và đưa tiền.
Khi HĐXX hỏi: Bị cáo nghĩ gì khi nhận tiền của đại diện các doanh nghiệp?, bị cáo Tô Anh Dũng cho rằng khi nhận nghĩ đó là tiền cảm ơn chứ không nhận thức là hành vi nhận hối lộ.
“Bây giờ bị cáo đã nhận ra sai phạm, ra tội của mình như trong cáo trạng. Còn trong quá trình triển khai bị cáo không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật . Bản thân bị cáo không dám làm gì sai với chủ trương chính sách, không liên kết bàn bạc với bất kỳ doanh nghiệp nào, không gây khó khăn cho các doanh nghiệp, khi doanh nghiệp đến gặp bị cáo cũng không ra điều kiện gì.
Sau khi thực hiện các chuyến bay, các doanh nghiệp đề nghị gặp thì bị cáo cũng gặp để nắm bắt thông tin. Khi doanh nghiệp tặng quà, bị cáo cũng không mở ra xem ngay mà nghĩ đơn thuần là quà cảm ơn. Đến khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới nhận thức được hành vi của mình là sai trái”, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phân trần.
Bị cáo Tô Anh Dũng cho biết đã thành khẩn nhận thức được những điều mình làm trước đây không đúng và đã ăn năn hỗi lỗi trong suốt thời gian vừa qua. Bị cáo Dũng cũng cho biết gia đình đã tự nguyện nộp gần 16 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án và đang vận động gia đình nộp thêm .