Cựu thí sinh Olympia điển trai trở thành tân thủ khoa Đại học Bách khoa, "bắn như gió" 4 ngoại ngữ và đam mê... thi thố
Không chỉ sớm tự sáng tạo phương pháp học chỉn chu từ những năm cấp 3, chàng tân thủ khoa ĐH Bách Khoa còn bộc lộ niềm đam mê đặc biệt với... thi cử.
Từ lâu, Đại học Bách khoa Hà Nội nức tiếng là một trong những trường đại top đầu cả nước về chất lượng đào tạo. Nhưng Bách khoa cũng là nỗi ám ảnh của nhiều sinh viên vì có người học đi học lại gần chục lần mới qua một môn, trầy trật học 6-7 năm vẫn chưa ra được trường.
Có lẽ vì lý do này mà bất kỳ khi nào có thủ khoa Đại học Bách Khoa xuất hiện đều thu hút sự quan tâm của dân tình. Mới đây, một chàng trai đã ghi danh vào hội "con nhà người ta" khi tốt nghiệp sớm trường Đại học Bách khoa, với vị trí thủ khoa đầu ra. Chàng trai đó tên là Bùi Hoàng Tuấn (sinh năm 1998), đến từ tỉnh Hà Tĩnh.
Bùi Hoàng Tuấn 24 tuổi Cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia Giải Nhất môn Thí nghiệm Kỳ thi Olympic Vật lý sinh viên Toàn quốc Giải Nhất Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường Top 30 vòng thi Starlight Round – cuộc thi Star Award 2021 Đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp Trường, cấp Thành phố và cấp Trung ương trong nhiều năm liền Thủ khoa đầu ra trường Điện - điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2022
Từ Quán quân Olympia đến tân thủ khoa Đại học Bách khoa, biết 4 thứ tiếng
Cách đây hơn 2 tháng, Tuấn tốt nghiệp bằng xuất sắc, với điểm trung bình tích lũy đạt 9.28/10. Không những ra trường sớm hơn nửa kỳ so với kế hoạch học tập chuẩn, Tuấn còn trở thành tân thủ khoa của trường Điện - Điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội.
Ít ai biết, từ những năm cấp 3, Tuấn đã có thành tích học tập tốt và chủ động xây dựng bảng phân bố lịch học chỉn chu. Anh chàng từng tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm 2015 và về đích ở vị trí Nhất tuần 1 Quý I, sau đó Tuấn tiếp tục tham gia vòng thi Tháng và đứng thứ 2.
Chia sẻ về phương pháp học, Tuấn cho biết đã tự sáng tạo hai phương pháp 2-1-2 và 1-0-0, đồng thời đốc thúc bản thân phải phải thường xuyên học tập chăm chỉ. Về phương pháp 2-1-2, Tuấn cho biết, số 2 đầu tiên có nghĩa là khi học kiến thức mới, trong tuần đầu cần ôn lại ít nhất hai lần. Số 1 tiếp theo là trong tuần tiếp theo, anh chàng sẽ ôn lại kiến thức đó một lần và số 2 cuối cùng là trong tháng đó, Tuấn phải ôn lại ít nhất 2 lần. Phương pháp này chỉ áp dụng cho việc học kiến thức lâu dài, đặc biệt là học Ngoại ngữ sẽ rất hiệu quả.
Còn với phương pháp 1-0-0 lại phù hợp với việc ôn luyện trong thời gian rất ngắn, chỉ dành cho những môn Khoa học tự nhiên như toán, vật lý,... thiên về tính toán hay có nhiều số liệu. Số 1 duy nhất ở đây là khi mở đề bài, hãy đọc luôn đáp án mà không mất thời gian suy nghĩ. Sau đó, bạn có thể xem đề bài rồi tự giải mà không nhìn đáp án. Còn số 0 cuối cùng là không nhìn vào đề và đáp án, tự nhớ đề và tự giải.
Đáng chú ý, nhờ hai phương pháp học này mà Tuấn có thể đẩy nhanh quá trình học ngoại ngữ. Giờ đây anh chàng đã biết 3 thứ tiếng, bao gồm tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Thái. Trong một tuần, Tuấn có thể học thuộc hơn 200 từ mới tiếng Nhật và gần 300 từ mới tiếng Anh.
"Hai phương pháp này được mình sáng tạo và áp dụng hiệu quả từ những năm cấp 3. Tuỳ khối lượng kiến thức, thời gian ôn thi, mọi người có thể điều chỉnh cho phù hợp với bản thân"
Hai năm trở lại đây, Tuấn thấy khối lượng kiến thức chuyên ngành khá nặng, nhưng là điều cần thiết để sinh viên chịu khó tư duy và học hỏi hơn. Ngoài thời gian học trên trường, mỗi ngày Tuấn chỉ dành 3 tiếng cho việc tự học. Trong đó có 1 tiếng học Ngoại ngữ, 2 tiếng còn lại dành để học môn chuyên ngành.
Vào mỗi Chủ nhật, Tuấn đều ngồi lại lên kế hoạch cho tuần tới bằng cách chia các khung giờ theo giờ học trên lớp. Thời gian còn lại, anh chàng dành cho việc tự học và ôn luyện kiến thức.
"Quan trọng hơn cả, mình luôn cố gắng tuân thủ đúng lịch trình học tập đề ra. Và mình không bao giờ xếp kín lịch, vì còn phải dành khoảng trống cho các việc đột xuất, hoặc đôi lúc là cần được nghỉ ngơi",
"Mình thích thi cử"
Trái với quan niệm của nhiều người rằng thủ khoa thường là "mọt sách", chỉ biết chăm chú cho việc học, Tuấn đặc biệt quan tâm đến các hoạt động ngoại khoá. Anh chàng quan niệm, hoạt động ngoại khoá không chỉ thể hiện mình là người hướng ngoại, mà còn giúp phát triển hàng loạt kỹ năng, có lợi rất nhiều cho việc đi làm sau này. Tuấn từng tham gia cuộc thi nhan sắc tại trường ĐH Bách khoa - Mr & Mrs BK, từng đạt giải chạy sinh viên ngành kỹ thuật mở rộng, từng làm tình nguyện tại chương trình “Mùa đông ấm 2020”...
Và tất nhiên, Tuấn cũng từng tham gia và đạt giải tại hàng loạt cuộc thi học thuật lớn nhỏ trong và ngoài trường: "Càng tham gia nhiều cuộc thi, tích luỹ các giải thưởng thì mình càng muốn thi thêm. Mình nghĩ bản thân là người thích thi cử" .
Bên cạnh các môn chuyên ngành, Tuấn còn là một người có niềm đam mê với các môn học liên quan đến triết học, chính trị, xã hội và con người. Mặc dù theo học chuyên ngành Kỹ thuật Điều khiển – Tự động hóa, anh còn đăng ký một bài nghiên cứu khoa học về Lý luận chính trị để thoả mãn đam mê. "Nhiều khi, mình thấy Triết học Mác Lê-nin còn hấp dẫn hơn các môn chuyên ngành" , Tuấn tâm sự.
Trên con đường dẫn đến thành công của một người đàn ông không thể thiếu được bóng dáng của người phụ nữ. Tuấn không ngoại lệ. Tuấn cho hay có 2 người phụ nữ đã ảnh hưởng lớn nhất đến con đường học hành, sự nghiệp của anh chàng. Người đầu tiên là mẹ, người còn lại là giảng viên Mai Thị Thanh, làm việc tại khoa Lý luận Xã hội của trường ĐH Bách Khoa.
"Mẹ không thể theo sát việc học của mình hàng ngày. Mẹ chưa bao giờ hỏi hôm nay điểm số của mình bao nhiêu, tại sao con không đạt được kết quả này hay kết quả kia. Tuy nhiên, nhờ những lời động viên sát sao, hỏi trúng tâm lý đã tạo động lực để mình cố gắng lên từng ngày.
Trong khi đó, trên trường cũng có một người khác quan tâm mình, đó là cô Mai Thị Thanh. Từ lâu, mình đã coi cô là người mẹ thứ hai vì cô luôn quan tâm, chia sẻ khi học trò gặp khó khăn. Do đó, mình có cảm giác mọi người luôn ở cạnh giúp đỡ, tạo động lực cho mình phát triển hơn".
Việc tốt nghiệp sớm nửa năm đã giúp Tuấn chủ động theo đuổi những dự án cá nhân từ sớm. Anh tiết lộ có dự định làm việc và sinh sống tại Nhật Bản. Hiện tại, anh đang tham gia kỳ thi điện trưởng của một công ty Nhật Bản, có liên kết giáo dục với trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo Dương
Trí Thức Trẻ