Cựu thành viên Hội đồng TĐGĐ nói không có chuyên môn về thẩm định giá
Các bị cáo là cựu thành viên Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Khánh Hòa thừa nhận, không đủ năng lực, kinh nghiệm chuyên môn để thẩm định giá đất.
Chỉ lấy ý kiến, không họp Hội đồng thẩm định giá đất
Ngày 27/12, TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại khu đất số 1 Trần Hưng Đạo, Tp.Nha Trang (trụ sở cũ của Trường Chính trị Khánh Hòa).
HĐXX tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo Vũ Xuân Thiềng, cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Trần Quang Bửu, cựu Phó Giám đốc Sở Xây dựng; Trần Sỹ Quân, cựu Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Khánh Hòa; Nguyễn Văn Nhựt, cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Lê Huy Toàn, cựu Phó Chủ tịch UBND Tp.Nha Trang.
Các bị cáo này đều là thành viên Hội đồng thẩm định giá đất (TĐGĐ), riêng bị cáo Vũ Xuân Thiềng là Phó Chủ tịch hội đồng.
Các bị cáo đã không thực hiện đúng quy trình thẩm định giá đất của khu đất số 1 Trần Hưng Đạo, Tp.Nha Trang mà thống nhất theo báo cáo kết quả kiểm tra, thẩm tra của tổ giúp việc Hội đồng thẩm định giá đất (HĐTĐGĐ), gây thất thoát hơn 62,6 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 26/12, HĐXX cũng đã xét hỏi bị cáo Nguyễn Ngọc Tâm, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính, cựu Phó Chủ tịch thường trực HĐTĐGĐ, cựu Chủ tịch Hội đồng định giá đất và nhà thuộc sở hữu Nhà nước tỉnh Khánh Hòa về vấn đề này.
Cụ thể, ngày 15/7/2016, bị cáo Nguyễn Ngọc Tâm có Tờ trình 2907 gửi UBND tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, các thành viên Hội đồng thống nhất giá đất đối với khu đất nói trên tại thời điểm tháng 2/2016 có giá đất ở gần 22,5 triệu đồng/m 2 , giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp là hơn 7,8 triệu đồng/m 2 .
Từ tờ trình trên, bị cáo Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch tỉnh đã ký Quyết định 2099 phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với khu đất số 1 Trần Hưng Đạo, Tp.Nha Trang để thực hiện dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ - y tế - văn phòng - khách sạn - nhà ở chung cư - Nha Trang Center 2 với giá đất như trên.
Hành vi của các bị cáo đã gây thất thoát tài sản của Nhà nước tại thời điểm năm 2016 là hơn 62,6 tỷ đồng và tại thời điểm năm 2020 là hơn 324,5 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, HĐXX tập trung xét hỏi các bị cáo về quy trình thẩm định giá đất, căn cứ để có tờ trình. Bị cáo Nguyễn Ngọc Tâm khai, căn cứ vào chứng thư của Công ty CP tư vấn dịch vụ về tài sản bất động sản DATC (Công ty DATC) trình trước đó.
Bị cáo Tâm cũng cho biết, không thực hiện họp HĐTĐGĐ để xem xét, thẩm định mà chỉ phát phiếu đến từng thành viên để lấy ý kiến. Các thành viên của Hội đồng đều không ai có ý kiến phản đối về mức giá do Công ty DATC đưa ra nên đã có Tờ trình 2907 thống nhất trình UBND tỉnh.
Tại phiên tòa, bị cáo Trần Quang Bửu cho biết, có nhận được chứng thư và đọc. Sau đó, bị cáo chuyển cho cộng sự của mình là thành viên Tổ giúp việc để nghiên cứu và làm việc với Tổ giúp việc. Tiếp đó, bị cáo nhận được phiếu lấy ý kiến của Phó Chủ tịch hội đồng là Sở Tài chính kèm theo báo cáo và biên bản làm việc của Tổ giúp việc.
Bị cáo nói rằng đã đọc kỹ báo cáo và biên bản này. Với nhận thức của bị cáo thì trong các văn bản trên thể hiện đầy đủ các nội dung cần thẩm định theo quy chế về nguyên tắc, phương pháp, trung thực, khách quan…
“Trong phiếu lấy ý kiến, bị cáo cũng có lưu ý ý kiến đồng ý của Phó Chủ tịch hội đồng là Sở Tài chính. Đây là thêm một thông tin để cho bị cáo có cơ sở khi thẩm định. Sau đó, bị cáo có trao đổi lại với cộng sự của mình là Trưởng phòng, thành viên tổ giúp việc về vấn đề này một lần nữa và cũng được khẳng định phù hợp”, bị cáo Bửu nói.
Bị cáo nói rằng, với khả năng của mình tham gia ở lĩnh vực ngành xây dựng, kiến thức về giá đất không nhiều nên đã nghiên cứu và đọc hồ sơ như vậy.
Theo bị cáo, những số liệu về xây dựng thấy phù hợp các quy định nên thấy đủ cơ sở và thời gian cũng không cho phép kéo dài, vì vậy bị cáo ký vào phiếu đồng ý để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Các thành viên hội đồng thẩm định nói không có chuyên môn để thẩm định
Bị cáo Trần Quang Bửu nói rằng, chỉ làm công tác liên quan đến xây dựng, còn chuyên môn về giá thì hoàn toàn không có. Khai tại tòa, bị cáo nói trong báo cáo của Tổ giúp việc không có vướng mắc và khả năng của bị cáo cũng không thể phát hiện được nếu báo cáo có sai sót.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Văn Nhựt và Trần Sỹ Quân cũng thừa nhận không có chuyên môn về thẩm định giá.
Bị cáo Lê Huy Toàn cũng nói rằng, được giao tham gia thành viên Hội đồng thẩm định giá là do được phân công. Bị cáo không có chuyên môn và không được tập huấn chuyên môn về thẩm định giá đất.
Cựu Phó Chủ tịch Tp.Nha Trang cũng nói rằng, khi gửi ý kiến góp ý thì bản thân cũng không được phân công kiểm tra vấn đề gì, mà nếu có kiểm tra bị cáo không có chuyên môn nên cũng rất khó. Đồng thời, bị cáo cho biết chỉ lấy ý kiến chứ không được họp để xem xét, trao đổi, phản biện.
Bị cáo Toàn khai, sau khi bị khởi tố đã xem lại quy chế hoạt động HĐTĐGĐ quy định toàn bộ đều phải họp. Bị cáo nhận thấy có phần trách nhiệm như trong cáo trạng nêu.
Tại phiên tòa, HĐXX cũng đã xét hỏi bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn, cựu Phó phụ trách Phòng Vật giá công sản thuộc Sở Tài chính, cựu Tổ trưởng Tổ giúp việc HĐTĐGĐ tỉnh. Bị cáo bị cáo buộc sai phạm trong việc không thực hiện đúng quy trình thẩm định giá đất mà ký báo cáo kết quả kiểm tra, thẩm định để tham mưu cho HĐTĐGĐ để trình UBND tỉnh.
Theo bị cáo, tổ giúp việc có kiểm tra phiếu thu thập thông tin và làm hết trách nhiệm.
Về 6 phiếu thu thập thông tin để xác định giá không đúng (trong đó, có 2 phiếu ghi địa chỉ không có thực), bị cáo cho rằng Tổ giúp việc chủ yếu quan tâm đến tài sản so sánh và nói thông tin trong phiếu sai có thể do Công ty DATC đánh máy nhầm, Tổ công tác đọc vội nên đã không phát hiện ra.
Bị cáo cũng đề nghị HĐXX xem xét lại vì làm theo chứng thư và Quyết định 411. Đồng thời, đề nghị xem xét trách nhiệm của Công ty DATC về thẩm định giá đất.
Ngoài ra, tại phiên tòa, HĐXX cũng đề nghị Công ty CP Thanh Yến cho biết mục đích của việc nộp hơn 44,6 tỷ đồng vào tài khoản của cơ quan CSĐT sau khi vụ án xảy ra.
Đại diện công ty cho biết, lúc đầu doanh nghiệp xin nộp vào ngân sách UBND tỉnh Khánh Hòa để thanh toán chênh lệch giá đất sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở số 1 Trần Hưng Đạo. Tuy nhiên, UBND tỉnh Khánh Hòa không phản hồi nên công ty nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan CSĐT.
Châu Tường