Cứu sống kịp thời người bệnh bị rắn lục cắn
Người bệnh nữ, 40 tuổi, trú tại Đoan Hùng, Phú Thọ, được đưa vào Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ do bị rắn cắn.
Theo lời kể của người bệnh, khoảng 16h ngày 13/10, người bệnh đi ra vườn thì bị con rắn màu xanh cắn vào mu bàn tay trái. Sau khi bị cắn, người bệnh đau nhức, sưng nề nhiều kèm theo có rỉ máu quanh vết răng rắn cắn.
Người bệnh vào viện trong tình trạng cẳng tay bên trái sưng nề to, đau nhức nhiều. Người bệnh được chỉ định làm xét nghiệm đông máu tại giường, đông máu cơ bản và xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu.
Xét nghiệm lúc vào viện đã có giảm Fibrinogen, giảm tiểu cầu, chưa có rối loạn đông máu. Căn cứ vào các kết quả xét nghiệm và khám lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị rắn lục cắn và chỉ định cho người bệnh sử dụng huyết thanh kháng nọc đặc hiệu.
Người bệnh được dùng huyết thanh giờ thứ 6. Sau điều trị 15 lọ huyết thanh kháng rắn lục trong 24h vào viện, tình trạng người bệnh đã ổn định hoàn toàn, điều trị đáp ứng tốt, hết sưng nề tại chỗ vết cắn, xét nghiệm đông máu và tiểu cầu bình thường, không để lại di chứng gì. Người bệnh được cho ra viện.
Theo bác sĩ Hà Thế Linh, Khoa Cấp cứu, rắn lục cắn có triệu chứng nặng nề, sưng nề tại chỗ nhiều và rối loạn đông máu nặng. Người bệnh được đưa đến viện sớm sau khi bị cắn và được sử dụng huyết thanh kháng nọc đặc hiệu kịp thời, đáp ứng tốt với điều trị nên không để lại di chứng."
Bác sĩ Linh cho biết, trước đây những người bệnh bị rắn hổ mang và rắn lục cắn thường phải chuyển về Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vì không có huyết thanh kháng nọc rắn. Hiện tại ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã có một số loại huyết thanh kháng nọc cho một số loại rắn như: rắn lục, rắn hổ mang… Tuy nhiên, khi bị rắn cắn, người dân phải khẩn trương sơ cứu và nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời.