Cứu sống bệnh nhân bị tắc động mạch cánh tay trái do huyết khối

Chia sẻ Facebook
17/04/2022 14:05:34

Nam bệnh nhân sinh năm 1942 được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa với chẩn đoán tắc động mạch nách, động mạch cánh tay, động mạch trụ trái và phù hổi cấp.

Khởi bệnh, bệnh nhân thấy cẳng và bàn tay trái khô, nhăn nheo, lạnh và đau nhức. Sau đó lan lên cả cánh tay trái. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Quân y 87 trong tình trạng mệt, thở nhanh, gắng sức, yếu tay trái, mạch tay trái không bắt được...


Tiến hành chụp MSCT cho hình ảnh huyết khối gây tắc hoàn toàn đoạn xa động mạch nách, đoạn gần và đoạn xa động mạch cánh tay trái, tắc động mạch trụ trái. Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 87 quyết định chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Tại đây, bệnh nhân khó thở, thở oxy qua mask, bàn tay trái lạnh, mất cảm giác, các ngón tay không cử động được. Vùng 1/3 giữa cẳng tay trái ấn cứng, đau nhiều. Động mạch cánh tay trái và động mạch quay trái không bắt được. SpO2 tay trái không có tín hiệu.

Kết quả siêu âm mạch máu tay trái xơ vữa rải rác dọc thành động mạch tay trái; phù nề mô mềm cẳng tay trái. Siêu âm bụng ghi nhận dịch màng phổi phải trung bình, dịch màng phổi trái lượng ít. Điện tâm đồ kết luận rung nhĩ.

Phim chụp mạch của bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Hội chẩn trước mổ, các bác sĩ tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong. Bệnh nhân được chuyển mổ cấp cứu lấy huyết khối vào giờ thứ 26 từ khi tắc mạch.

Phẫu thuật viên mở động mạch cánh tay trái lấy cục máu đông ở động mạch nách và động mạch cánh tay, sau đó tiếp tục lấy ở động mạch quay và trụ trái.

Chẩn đoán sau mổ: Tắc cấp động mạch nách, động mạch cánh tay, động mạch quay và trụ trái do huyết khối/rung nhĩ/ tràn dịch màng phổi 2 bên/ theo dõi phù phổi cấp/hậu COVID-19.

Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đang hồi phục, dấu hiệu sinh tồn ổn định, mạch quay tay trái rõ vết mổ khô, cánh tay trái còn phù nề, 2 tay ấm, các móng tay hồng bóng. Cảm giác và vận động của các ngón tay, bàn tay trái tốt.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân cần kiểm tra sức khỏe tổng quát theo định kỳ, để phát hiện các dấu hiệu bất thường. Đối với bệnh nhân cao tuổi, có tiền sử đái đường, bệnh tim mạch, huyết áp, suy giãn tĩnh mạch chi dưới... cần được theo dõi sức khỏe chặt chẽ bởi BS chuyên khoa, để tư vấn đề phòng biến chứng huyết khối, tắc mạch.

Khi có dấu hiệu đau nhức nhiều, chi lạnh đầu xa, cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa, để khám và điều trị sớm tránh các biến chứng đáng tiếc. Đặc biệt bệnh nhân không được đi cắt lễ hay đắp lá sẽ rất nguy hiểm tính mạng do tiêu hủy cơ sẽ tăng chất độc cho cơ thể, gây suy đa phủ tạng bệnh nhân tử vong do nhiễm độc.

Chia sẻ Facebook