Cứu sống bé trai bị vỡ dị dạng mạch máu ruột non
Hơn một tuần điều trị, hiện sức khỏe bé trai P.H.(15 tuổi) sốc mất máu do vỡ dị dạng mạch máu ruột non đã hồi phục và dự kiến xuất viện.
Trước đó, bệnh nhi được bệnh viện tuyến dưới tiếp nhận trong tình trạng đi tiêu phân ra máu đỏ tươi ồ ạt, da xanh, niêm nhợt, xét nghiệm công thức máu HCT 17,3%.
Sau khi truyền hai đơn vị hồng cầu lắng HCT 16%, tình trạng mất máu không được kiểm soát, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh).
Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhi được chẩn đoán sốc giảm thể tích do xuất huyết đường tiêu hóa dưới. Bệnh nhi tiếp tục đi tiêu ồ ạt máu đỏ tươi, da xanh, niêm nhợt, xét nghiệm máu, HCT 10,2%, Hb 3,5 g/dl.
Bệnh nhi được hội chẩn và được các bác sĩ quyết định tiếp tục truyền máu, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để xác định các nguyên nhân gây chảy máu.
Sau khi truyền 1 lít máu và ghi nhận sinh hiệu tạm ổn, bệnh nhi được chụp CT bụng có cản quang để tiếp tục tìm nguyên nhân chảy máu. Kết quả CT nghi ngờ vỡ dị dạng mạch máu ở hỗng tràng và được ê-kíp trực ngoại phẫu thuật.
Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi ổ bụng tìm điểm chảy máu. Do chảy máu nhiều và kéo dài, ruột non gần 2 m nên việc quan sát, xác định điểm chảy máu và dị dạng rất khó khăn. Sau thời gian tìm kiếm, đã xác định vị trí nghi ngờ chảy máu trong lòng ruột non, vị trí này được đưa ra ngoài ổ bụng ở vết mổ mở rộng Trocar rốn.
Khi mở lòng ruột ra các bác sĩ nhận thấy vị trí nghi ngờ này đang chảy máu thành vòi. Đoạn ruột có mạch máu dị dạng được cắt và khâu nối lại.
Kết thúc phẫu thuật, bệnh nhi được chuyển đến Khoa Hồi sức truyền máu, vận mạch, kháng sinh và dịch truyền trước khi chuyển về Khoa Ngoại tổng hợp.
Hiện bệnh nhi khỏe lại, da và niêm mạc hồng, ăn uống bình thường.
Theo các bác sĩ, vỡ dị dạng mạch máu ở ruột non gây xuất huyết ồ ạt, sốc mất máu là một bệnh lý hiếm gặp của đường tiêu hoá, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây tử vong. Việc chẩn đoán và xử trí phải nhanh chóng mới có khả năng cứu sống bệnh nhân.