Cựu PGĐ Sở Tài chính khai lý do tham mưu giảm 55% giá tài sản

Chia sẻ Facebook
26/12/2022 20:37:33

Tại phiên xét hỏi, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính Khánh Hòa Nguyễn Ngọc Tâm trả lời các câu hỏi của HĐXX về căn cứ để tham mưu giảm 55% giá trị tài sản trên đất.

Ngày 26/12, TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại khu đất số 1 Trần Hưng Đạo, Tp.Nha Trang (trụ sở cũ của Trường Chính trị Khánh Hòa).

Bị cáo Trần Văn Thọ nói không tham mưu chỉ định nhà đầu tư

Sáng cùng ngày, HĐXX đã tiến hành phần xét hỏi đối với bị cáo Trần Văn Thọ, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh Khánh Hòa; bị cáo Nguyễn Ngọc Tâm, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính.

Bị cáo Trần Văn Thọ bị cáo buộc sai phạm trong việc tham mưu về việc chỉ định nhà đầu tư mà không tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa và hoàn vốn khu đất số 1 Trần Hưng Đạo, Tp.Nha Trang.

Trả lời câu hỏi của HĐXX hỏi, bị cáo nói rằng ký Tờ trình 1106 và các quyết định là căn cứ vào 2 Văn bản 5253, 5690 của UBND tỉnh. Theo 2 văn bản này, đã có chỉ định nhà đầu tư là Công ty TNHH Hoàn Cầu (sau này là Công ty cổ phần Thanh Yến).

Theo bị cáo Thọ, về thủ tục đầu tư khi có quyết định chỉ định nhà đầu tư thì Ban quản lý dự án tiến hành làm các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư. Các văn bản mà bị cáo ký được hình thành trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư. Việc lựa chọn này là xem xét nhà đầu tư có đủ năng lực và các điều kiện để thực hiện dự án hay không.

Bị cáo căn cứ vào 2 văn bản trên của tỉnh để tiến hành các thủ tục tiếp theo, sau khi nhà đầu tư đã được chỉ định chứ đó không phải là chỉ định nhà đầu tư.

Bị cáo Trần Văn Thọ tại phiên xét xử ngày 26/12.

HĐXX hỏi, theo bị cáo Văn bản 5253 đã chỉ định nhà đầu tư rồi thì vì sao bị cáo lại ký tờ trình đề nghị gì nữa?

Bị cáo Thọ nói rằng về quy trình thực hiện, sau khi UBND tỉnh đã chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp ký hợp đồng BT thì trong giai đoạn tiếp theo vẫn tiếp tục lựa chọn là để xem xét nhà đầu tư có đủ năng lực, tài chính và điều kiện thực hiện dự án không. Việc này được thực hiện trong giai đoạn dài.

Sau đó, nhà đầu tư làm hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của quy trình và Ban quản lý có trách nhiệm lập ra một tổ tư vấn xem xét hồ sơ của nhà đầu tư có đạt yêu cầu hay không, rồi mới làm văn bản trình Sở Kế hoạch và Đầu tư. Nếu đạt yêu cầu thì Sở Kế hoạch và Đầu tư mới trình lên UBND tỉnh.

Theo bị cáo, Ban quản lý không biết có bao nhiêu nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án và không có chức năng tham mưu chỉ định nhà đầu tư. Vì vậy, bị cáo ký các tờ trình và quyết định là thực hiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư sau khi đã được chỉ định trước đó.

Tại phiên tòa, bị cáo Thọ cũng nhận có phần trách nhiệm nếu như Văn bản 5253 của UBND tỉnh trái pháp luật, tuy nhiên vai trò của bị cáo chỉ là thứ yếu.

Cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính nói về việc vì sao giảm 55% giá trị tài sản trên đất

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Ngọc Tâm cùng với các thành viên khác của Hội đồng thẩm định giá đất đã không thực hiện đúng quy trình thẩm định giá đất của khu đất số 1 Trần Hưng Đạo, Tp.Nha Trang mà thống nhất báo cáo kết quả kiểm tra, thẩm định của tổ giúp việc Hội đồng thẩm định giá đất.

Ngoài ra, bị cáo còn sai phạm trong việc tham mưu bán tài sản trên đất: xác định giảm 55% giá trị tài sản trên đất tại khu đất trên.

HĐXX hỏi bị cáo Tâm căn cứ vào đâu để giảm 55% giá trị tài sản trên đất?

Bị cáo cho biết, khi có giá tài sản trên đất lần đầu là hơn 21 tỷ đồng, Ban quản lý dự án đã hợp đồng với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh để đấu giá nhưng không thành công. Sau đó, theo đề nghị của Ban quản lý dự án, nên Sở Tài chính đã mời hội đồng định giá xem xét lại giá khởi điểm để tổ chức đấu giá lại.

Theo bị cáo, căn cứ vào Thông tư 137 của Bộ Tài chính, trường hợp định giá để đấu giá lại thì phải thực hiện theo quy trình thủ tục, phương pháp, nguyên tắc như đấu giá lần đầu.

Trong khi đó, 2 thời điểm đấu giá cách nhau chỉ khoảng 2 tháng nên nếu làm theo phương pháp này thì giá cũng tương đương như giá lần đầu, vì chất lượng tài sản không có gì thay đổi. Nếu giá như lần đầu thì không thể đưa ra đấu giá thành công. Cho nên, trong trường hợp này chỉ có thể xem xét giảm giá thôi.

Về việc vì sao giảm 55%, bị cáo cho biết căn cứ vào thực tế của tài sản là người mua phải thanh lý, phá dỡ. Còn giá hơn 21 tỷ lúc đầu là giá trị còn lại của tài sản, tương đương với tài sản tiếp tục sử dụng.

Bằng phương pháp chuyên gia và căn cứ giá trị thực tế của tài sản thanh lý, các thành viên hội đồng định giá đã thảo luận và có nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó có ý kiến, đề xuất với mức giảm 70%, 40%, 30%... Sau đó, hội đồng thống nhất lấy mức trung bình là 55% để tham mưu cho UBND tỉnh xác định lại giá khởi điểm để tổ chức đấu giá lần nữa.

Theo bị cáo, giá được xác định lại sau khi giảm còn hơn 9,4 tỷ thì hội đồng định giá đánh giá giá này vẫn còn rất cao so với giá trị vật tư thu hồi thực tế mà người mua phải phá dỡ để tận thu. Vì vậy, bị cáo đã tham mưu cho tỉnh mức giá trên.

Nếu bán được sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; nếu không có người mua phải thực hiện theo phương án 2 là phá dỡ, thanh lý thì giá trị rất thấp. Sau khi giảm nhưng đấu giá lần 2 cũng không có người mua, đến lần thứ 3 mới có Công ty cổ phần Thanh Yến đăng ký mua.

Tại phiên tòa, bị cáo cho rằng nếu thực hiện phá dỡ để giao mặt bằng cho nhà đầu tư thì chắc chắn không bao giờ bán được giá hơn 9,4 tỷ đồng.

Cũng tại tòa, bị cáo nói rằng trong Thông tư 137 không có quy định mức giảm cụ thể, cũng không khống chế mức giảm là bao nhiêu nên hội đồng định giá sử dụng phương pháp chuyên gia và căn cứ vào tình hình thực tế của tài sản để xác định giảm.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Tâm trả lời các câu hỏi của HĐXX.

HĐXX cho biết, trong giấy mời họp các thành viên hội đồng định giá tham gia phiên họp để thống nhất giảm giá có mời đích danh và đại diện các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, có những người đi họp không đúng với tên trong giấy mời, không đúng với hội đồng định giá trong quyết định của tỉnh nhưng bị cáo vẫn tiến hành cuộc họp.

Bị cáo cho rằng, những người này đã được các thành viên trong hội đồng định giá ủy quyền để tham gia. Tuy nhiên, HĐXX cho biết trong quá trình điều tra cơ quan điều tra xác định không có bất kỳ việc ủy quyền nào. Vì vậy, những người này không có tư cách của thành viên hội đồng định giá nên không được quyền quyết định giá.

Tại phiên tòa, bị cáo cũng nhận sai trong việc tham mưu giảm 55% giá trị tài sản trên đất nhưng có gây ra hậu quả hay không thì đề nghị HĐXX xem xét.

Về quy trình thẩm định giá đất, bị cáo Tâm cho rằng đã thực hiện đúng quy định.

Tuy nhiên, bị cáo không tổ chức họp hội đồng thẩm định. Bị cáo nói rằng theo quy chế, qua kết quả thẩm tra của tổ giúp việc thống nhất với đơn vị tư vấn mà không có ý kiến khác thì trong trường hợp này, với tư cách là thường trực hội đồng, bị cáo lấy ý kiến các thành viên hội đồng bằng phiếu chứ không tổ chức họp.

Thế nhưng, HĐXX nói rằng việc này không thể hiện trong quy chế mà chỉ thể hiện việc lấy ý kiến đối với thành viên vắng mặt trong cuộc họp thì phải có văn bản gửi tới chủ tịch hội đồng, nêu rõ lý do vắng mặt và có ý kiến độc lập của mình.

Tại phiên xét xử, bị cáo Tâm cũng nói rằng đã tham gia thẩm định thì có sai hay đúng cũng phải chịu trách nhiệm về kết quả mà mình thực hiện.

HĐXX, Viện kiểm sát nhân dân và các luật sư đã đặt nhiều câu hỏi cho 2 bị cáo để làm rõ các nội dung liên quan.

Chiều cùng ngày, HĐXX tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo trong vụ án.


Châu Tường

Chia sẻ Facebook