Cựu nhân viên truyền thông vạch trần sự kiểm duyệt của ĐCSTQ
Hai vợ chồng Tôn Kiệt, đã làm việc tận tâm và thận trọng trong nhiều năm, nhưng một sự kiện đã khiến họ bước sang một ngã rẽ mới.
Hai vợ chồng Tôn Kiệt, cựu nhân viên truyền thông ở Đại Lục, đã làm việc tận tâm và thận trọng trong nhiều năm. Tuy nhiên, một vụ cưỡng chế phá dỡ mà người thân của họ gặp phải đã khiến quỹ đạo cuộc đời họ bước sang một ngã rẽ mới.
Cảm thấy con người bị đối xử như con vật
Trước khi Tôn Kiệt đến Hoa Kỳ vào năm 2019, anh đã làm việc cho tờ nhật báo ở một thành phố lớn ở tỉnh Giang Tô, chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm duyệt những “từ khóa” của các bản tin trước khi đăng lên mạng Internet.
Vợ anh là phóng viên báo cáo trật tự trị an xã hội. Bố mẹ vợ đều là công nhân đã về hưu và sở hữu một căn nhà ở vị trí đắc địa tại trung tâm thành phố, đi lại thuận tiện và giá tương đối cao.
Năm 2012, chính quyền địa phương quyết định phá dỡ và xây dựng lại khu vực này. Trong quá trình đó, đã xảy ra tranh chấp giữa chủ nhà và bộ phận phá dỡ của chính quyền. Tâm điểm của cuộc tranh cãi là các chủ nhà cho rằng số tiền đền bù phá dỡ không đủ để bù đắp thiệt hại của họ. Mức giá chênh lệch giữa vị trí đắc địa và khu tái định cư gấp mấy lần.
Chính quyền đã cử phó đồn công an phụ trách việc phá dỡ, dùng mọi biện pháp để buộc một số chủ nhà phải bỏ nhà đi. Vẫn còn một số hộ gia đình kiên quyết không đồng ý với các điều kiện phá dỡ, và mẹ vợ của Tôn Kiệt là một trong số đó.
Mặc dù Tôn Kiệt đã thuyết phục bà rằng: “Những kẻ ngày nào cũng dọa phá dỡ nhà trước cửa đều là dân xã hội đen. Kẻ nào kẻ nấy đều vai u thịt bắp, chúng ta không thể dây vào”. Nhưng mẹ vợ anh không thể nuốt trôi cơn giận này và từ chối ký vào hợp đồng.
Một ngày nọ, Tôn Kiệt và vợ đang đi làm thì nhận được điện thoại từ mẹ vợ, bà nói rằng họ không thể ra ngoài và đang mắc kẹt trong nhà. Tôn Kiệt không thể rời đi vì công việc, người vợ đang mang thai hơn 3 tháng của anh đã vội vàng chạy về khuyên giải.
Vì làm việc trong tòa soạn, nên Tôn Kiệt nắm rõ thông tin và biết rằng dân xã hội đen ép buộc phá dỡ nhà đều do phó giám đốc Sở Công an trực tiếp thao túng.
Vị phó giám đốc này nhận nhiệm vụ phải hoàn thành việc phá dỡ trong thời gian quy định, nên đã thuê bọn côn đồ làm “việc bẩn” . Đêm đó vợ anh không về mà liên tục gọi điện cho anh kể tình hình tại hiện trường. Đến 8, 9h mẹ vợ bị côn đồ đánh, vợ anh gọi công an nhưng họ không tới.
Ngày hôm sau, xung đột vẫn tiếp diễn, cảnh sát tiếp tục giả câm giả điếc. Tôn Kiệt rất tức giận vì cảnh sát để mặc bọn côn đồ ức hiếp người dân.
Trưa hôm đó, anh viết vài câu trên diễn đàn cộng đồng, chỉ trích cảnh sát trưởng phụ trách phá dỡ thông đồng với xã hội đen, kèm theo bức ảnh mẹ vợ anh bị đánh vỡ đầu. Kết quả là vào buổi chiều, vợ anh đã bị cảnh sát bắt giữ. Tôn Kiệt cũng được thông báo phải đến văn phòng của người phụ trách tòa soạn ngay lập tức.
Sau khi vào văn phòng, người phụ trách nói với anh: “Anh đã gây ra đại họa rồi, chúng tôi không thể bảo vệ anh được nữa. Vợ anh đã ‘vào’ rồi, người của đồn cảnh sát đang đợi ở dưới lầu để bắt anh. Bây giờ anh hãy ký vào văn bản phá dỡ, và thừa nhận rằng mình đã vu khống cảnh sát trưởng. Tôi có thể cầu xin giúp anh, và cho anh một giờ để suy nghĩ về điều đó.”
Tôn Kiệt bật khóc, sợ người vợ đang mang thai gặp nguy hiểm, nên đã ký vào đơn thú tội và chạy vạy xin khắp nơi để cứu vợ. Sau đó, mẹ vợ anh cũng bị ép phải ký vào bản thỏa thuận.
Dù sự việc đã kết thúc tại đây nhưng từ đó vợ chồng họ trở nên lạc lõng. Tôn Kiệt bị xử phạt hành chính đồng nghĩa với việc anh đã mất đi tương lai ở tòa soạn.
“Tôi từng nghĩ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối xử với tôi khá tốt,” Tôn Kiệt nói, “nhưng sự cố phá dỡ nhà đã khiến tôi hiểu rõ rốt cuộc ĐCSTQ là tổ chức như thế nào.”
“Họ không hề có giới hạn đạo đức, hoàn toàn coi người dân như con vật.” Nhớ lại sự sỉ nhục khi phải ký tên lúc bị cảnh sát bao vây, anh nói, “Tôi cảm thấy mình như một con vật, thực sự là như vậy.”
Từ đó vợ chồng anh cũng nản lòng. Vì sợ phó giám đốc công an trả thù nên họ lần lượt sang Mỹ định cư vào năm 2016 và 2019.
Truyền thông của ĐCSTQ “kiểm duyệt chính trị” nghiêm ngặt tầng tầng
Khi ở Trung Quốc, vợ của Tôn Kiệt, với tư cách là một phóng viên, thường chạy tin tức về an sinh xã hội và chứng kiến nhiều điều, từ chuyện một nhà vài người bị sát hại, dân làng đánh nhau, các vụ xả súng và việc trưởng thôn ngầm bán lại ruộng đất của làng… Nhưng dù có đến kịp, cô cũng không được đưa tin.
Đối với tin tức về các lãnh đạo cấp cao, các tờ báo luôn sử dụng bản thảo do ban tuyên truyền đưa ra, và không được thay đổi dù chỉ một từ hay một dấu chấm câu. Đôi khi, để đợi bản thảo, nhiều người phải thức khuya trực theo ca, chờ đến 2h đêm khi báo được in ra và gửi đi, họ mới có thể hoàn tất công việc trong ngày.
Bản báo cáo khiến anh mệt mỏi nhất là tin tức về cái chết của Giang Trạch Dân năm 2011. Vì không nắm chắc thông tin nên tuần đó nhân viên của tòa soạn phải thay phiên nhau trực tin, “giống như chống lũ vậy, vô cùng áp lực”.
Sau nhiều lần chờ đợi, công sức của các biên tập viên và phóng viên đều đổ xuống sông xuống biển. Mãi cho đến năm ngoái, Tôn Kiệt, khi đó đang ở Hoa Kỳ, mới chờ được tin tức về cái chết của Giang Trạch Dân.
Tôn Kiệt nhớ lại, mỗi lần bản thảo được gửi đến, biên tập viên phải đọc trước, sau đó chuyển cho trưởng nhóm, tiếp theo là tổng biên tập và chủ tòa soạn. Trước khi bản in được xuất trình, Tôn Kiệt phải dò lại các từ khóa, xem có phạm phải điều cấm kỵ nào mới của ĐCSTQ hay không.
Trước khi in, bộ phận tuyên truyền của địa phương sẽ xem xét lại. Đôi khi bài báo trên trang nhất bị gỡ xuống, và không có thời gian để thay đổi bản thảo, đành phải để lại một khoảng trống lớn.
Số người chết trong các vụ tai nạn tại địa phương cũng bị hạn chế đưa tin rất nghiêm ngặt: “Quá 3 người phải báo cáo Ban Tuyên giáo Thành ủy, quá 6 người phải báo cáo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, quá 10 người, phải được sự chấp thuận của Bắc Kinh. Bạn không được đưa tin.”
Nói về việc chính quyền kiểm soát ngôn luận trực tuyến nghiêm ngặt, Tôn Kiệt cho biết khi phát hiện các bài đăng nhạy cảm trên WeChat và Weibo, trước tiên họ sẽ cố gắng chặn chúng, sau đó thông báo cho Văn phòng giám sát Internet của công an để truy tìm nguồn gốc.
“ĐCSTQ kiểm soát tin tức rất nghiêm ngặt.” Tôn Kiệt nhớ lại, khi đưa tin ở Vô Tích, một tờ báo đã viết tên ông Tập Cận Bình thành Tập Cận Niên, kết quả là tất cả mọi người từ tổng biên tập đến chủ tòa soạn đều bị sa thải.
“Mỗi từ trên các tờ báo (của ĐCSTQ) đều được đưa ra tùy theo nhu cầu (của ĐCSTQ),” anh nói.
Theo Dương Dương, Mã Thượng Ân / Epoch Times
Tuyên bố của tổ chức Quan sát Dân sinh Trung Quốc nhân ngày “Đàn áp 709”
Ngày 9/7 vừa qua là kỷ niệm 8 năm ngày nhà cầm quyền ĐCSTQ thúc đẩy đợt đàn áp trên quy mô lớn nhắm vào các luật sư nhân quyền 709 năm 2015.