Cựu nhân viên tiết lộ Microsoft đang hối lộ hàng trăm triệu USD ở nước ngoài
Cựu giám đốc Yasser Elabd, đã tiết lộ ông bị Microsoft sa thải sau khi cố gắng cảnh báo lãnh đạo cấp cao về tình trạng nhân viên, nhà thầu phụ thường xuyên đưa hối lộ cho các quan chức chính phủ ở nước ngoài.
Ông chia sẻ vấn đề này trong bài đăng trên Lioness và nói rằng, chính hành động này đã khiến ông bị các giám đốc khác “trả đũa” và cuối cùng là bị đá ra khỏi công ty.
Elabd cho biết đã làm việc tại gã khổng lồ phần mềm trong giai đoạn từ năm 1998 tới 2018, từng quản lý một “quỹ đầu tư kinh doanh”, về cơ bản là một quỹ chuyên sâu nhằm “củng cố các giao dịch dài hạn” tại Trung Đông và châu Phi. Tại đây, ông ngày càng chú ý tới những khoản thanh toán bất thường dành cho đối tác mà có vẻ như không đủ tiêu chuẩn.
Sau khi kiểm tra, ông phát hiện ra điều dường như đã trở thành thực tế phổ biến: Sau các đợt bán hàng lớn cho các công ty, tổ chức trong khu vực, một khoản “chiết khấu” sẽ được tạo ra, để những người thực hiện thỏa thuận ăn chia chênh lệch chi phí vận chuyển và phí chiết khấu.
“Những người có thẩm quyền phía khách hàng sẽ gửi một email đề nghị chiết khấu tới Microsoft, và thường thì các yêu cầu này đều được chấp thuận, tuy nhiên, mọi chi phí sẽ dồn vào người dùng cuối. Sau đó, số tiền chiết khấu này sẽ được ăn chia cho các bên theo tỷ lệ: các nhân viên của Microsoft tham gia vào kế hoạch, đối tác, người ký tại đơn vị mua hàng - thường là một quan chức chính phủ”, Elabd nêu chi tiết.
Cựu quản lý của Microsoft cũng đưa ra một số ví dụ về các giao dịch đáng ngờ và nghi vấn ông từng chứng kiến sau hơn 2 thập kỷ làm việc tại bộ phận ở nước ngoài của công ty. Trong một cuộc kiểm toán, Microsoft đã chiết khấu cho Bộ Nội vụ Ả Rập Xê Út 13,6 triệu USD. Năm 2015, một quan chức Nigeria phàn nàn về việc chính phủ phải trả 5,5 triệu USD cho các bản quyền phần cứng “mà họ không sở hữu”.
Một ví dụ khác, Bộ Giáo dục Qatar đã trả 9,5 triệu USD, trong hơn 7 năm cho bản quyền Microsoft Office và hệ điều hành Windows mà thực tế không sử dụng. Kiểm toán viên sau đó phát hiện ra các nhân viên tại cơ quan này thậm chí còn không dùng máy tính.
“Công ty luôn cam kết làm việc một cách có trách nhiệm và khuyến khích nhân viên báo cáo các sự việc vi phạm pháp luật, chính sách công ty hay các tiêu chuẩn về đạo Đức”, Becky Lenaburg, Phó Chủ tịch tại Microsoft kiêm Phó tổng cố vấn về tuân thủ và đạo đức, nói với The Verge. “Chúng tôi tin rằng các cáo buộc này đã được công ty xem xét, từ nhiều năm trước và đã được giải quyết. Công ty đã phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết bất kỳ lo ngại nào”.
Elabd cho rằng những nỗ lực cảnh báo tới lãnh đạo công ty khiến ông bị một quản lý khác la mắng và gạt khỏi một số giao dịch nhất định. Cuối cùng, một giám đốc điều hành bước đến và nói sự nghiệp của ông tại Microsoft đã hết khi cố gắng lôi kéo cả CEO Satya Nadella vào vụ việc này.
Sau khi bị sa thải, Elabd đã mang tài liệu tới tố giác tại các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ông cho biết Bộ Tư pháp (DoJ) đã từ chối tiếp nhận, trong khi Uỷ ban chứng khoán và giao dịch (SEC) cũng ngừng điều tra vụ việc đầu tháng này do thiếu nguồn lực.
“Tôi đã gửi đơn khiếu nại tới SEC và DoJ về việc Microsoft đang vi phạm Đạo luật tham nhũng nước ngoài và họ đang tiếp tục làm điều đó một cách trắng trợn. Với việc từ chối tiến hành điều tra xem xét các chứng cứ do tôi cung cấp, SEC và DoJ đã bật đèn xanh cho Microsoft”, Elabd viết.
Theo Vinh Ngô
Ictnews