Cựu ngôi sao J-pop cáo buộc bị lạm dụng tình dục từ khi 15 tuổi
Cựu ngôi sao nhạc pop Nhật Bản Kauan Okamato, 26 tuổi, cáo buộc bị nhà sản xuất âm nhạc danh tiếng Johnny Kitagawa lạm dụng tình dục từ khi anh mới 15 tuổi.
Tác giả, Nicholas Yong Vai trò, BBC News, Singapore 13 tháng 4 2023
Thêm một cựu ngôi sao J-pop nữa nói bản thân là nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi Johnny Kitagawa, nhà sản xuất âm nhạc Nhật Bản rất được trọng vọng, người đã qua đời vào năm 2019.
Kauan Okamoto nói anh bị lạm dụng tới 20 lần trong khoảng thời gian 2012-2016, và tình trạng này bắt đầu khi anh 15 tuổi, tham gia một nhóm nhạc nam.
Okamoto nói anh tin rằng có tới 100 cậu bé đã bị lạm dụng.
Kitagawa trong suốt cuộc đời mình luôn bác bỏ mọi cáo buộc và chưa từng phải đối diện với lời buộc tội nào. Một bộ phim tài liệu của BBC hồi tháng Ba đã đưa ra những cáo buộc chi tiết từ một số nạn nhân.
Okamoto nói anh buộc phải lên tiếng sau khi BBC phát hành phim tài liệu Predator: The Secret Scandal of J-Pop (Thú săn mồi: Bê bối ngầm của nền nhạc pop Nhật Bản).
Nhiều người tố cáo nói với BBC rằng họ sợ sự nghiệp của mình sẽ bị tổn hại nếu từ chối Kitagawa.
Tại Nhật Bản, ông Kitagawa được coi là một trong những nhân vật quyền lực nhất của ngành công nghiệp âm nhạc. Khi ông qua đời vào năm 2019 ở tuổi 87, di sản của ông với tư cách là kiến trúc sư của nền văn hóa thần tượng J-pop đã được tôn vinh rộng rãi trong nước.
Tuy nhiên, những cáo buộc theo đó nói ông lạm dụng tình dục đã bị phớt lờ trong nhiều thập kỷ.
Hôm thứ Tư, Okamato cho biết anh bị lạm dụng khoảng 15-20 lần tại căn hộ penthouse của Kitagawa ở Tokyo.
Ca sĩ kiêm nhạc sĩ 26 tuổi người Brazil gốc Nhật Bản nói rằng Kitagawa đến giường của anh vào ban đêm, cởi bỏ quần áo của anh rồi thực hiện quan hệ tình dục bằng miệng với anh. Okamoto giả vờ ngủ khi hành động lạm dụng đó xảy ra.
"[Kitagawa] chưa bao giờ nói rõ ràng rằng nếu bạn không chịu đựng [sự lạm dụng] thì bạn sẽ không thành công," anh nói với các phóng viên.
"Nhưng những ai được Johnny lựa chọn ưu ái đầu tiên thì sẽ thành công."
Anh đã được chọn tham gia nhóm Johnny's Jr vào năm 2012 - nhóm nhạc tài năng gồm các nam thần tượng được đào tạo tại công ty quản lý của Kitagawa là Johnny & Associates.
Okamoto cho biết anh biết ít nhất 100 cậu bé đã ở lại nhà của Kitagawa, và anh tin rằng tất cả các em đều đã bị lạm dụng.
Hôm thứ Tư, Johnny & Associates ra thông cáo sau cuộc họp báo của Okamato, nói rằng công ty đang làm việc để "củng cố hệ thống quản trị của chúng tôi".
Thông cáo không đề cập tới các cáo buộc của Okamato, cũng không đưa ra bất kỳ từ ngữ gì nhắc đến người sáng lập hãng.
Hãng hiện vẫn là công ty sản xuất và quản lý tài năng nam hàng đầu Nhật Bản. Hãng đã sản sinh ra một số nhóm nhạc nam lớn nhất nước, chẳng hạn như SMAP và Arashi.
Các cáo buộc về việc Kitagawa lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên đã xuất hiện từ năm 1999, khi tạp chí địa phương Shukan Bunshun đăng tải lời kể của sáu cựu thần tượng.
Tuy nhiên, hầu hết báo chí Nhật Bản đã không đưa tin về các cáo buộc - dẫn đến việc có các cáo buộc trong nhiều năm về tình trạng che đậy bê bối của ngành công nghiệp âm nhạc nước này.
Sự im lặng này vẫn tồn tại ngay cả khi Kitagawa thua trong vụ ông khởi kiện tạp chí đó, với kết quả là tòa án phán quyết rằng Shukan Bunshun có đủ lý do để công bố các cáo buộc tấn công tình dục.
Trong cuộc họp báo của mình, Okamoto cho biết anh chưa xem xét việc khởi kiện Johnny & Associates.
Thay vào đó, anh bày tỏ hy vọng rằng việc kể ra câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng cho nhiều nạn nhân hơn lên tiếng.
“Tôi hy vọng mọi người sẽ lên tiếng vì có quá nhiều nạn nhân," anh nói với các phóng viên hôm thứ Tư.
"Tôi tin rằng những gì ông ta làm với tôi, thực hiện hành vi tình dục khi tôi 15 tuổi và những gì ông ta làm với những cậu bé khác, là sai trái."
Anh nói rằng anh buộc phải lên tiếng sau khi bộ phim tài liệu của BBC được phát hành hồi tháng trước.
Lần đầu tiên anh trình bày chi tiết các cáo buộc của mình với Shukan Bunshun là vào ngày 5/4, và anh đã được mời phát biểu tại Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài ở Tokyo hôm thứ Tư.
"Truyền thông Nhật Bản cực kỳ miễn cưỡng đưa tin về vấn đề này, nhưng [tôi nghe nói] truyền thông nước ngoài, như BBC, có thể tường thuật về nó," anh nói.