Cựu nghiên cứu sinh Đại học Thanh Hoa phơi bày di sản đáng sợ nhất của Giang Trạch Dân
Ông Hoàng cho biết di sản đáng sợ nhất của Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), là phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999.
Ngày 14 tháng 12 năm 2022, The Philadelphia Inquirer, tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất tại bang Pennsylvania, đã đăng một bài viết ngắn dưới tiêu đề “Di sản của Giang Trạch Dân” trong mục Thư gửi Ban biên tập. Tác giả là ông Hoàng Khuê, người gốc Trung Quốc, hiện đang làm kỹ sư tại Philadelphia. Ở cuối bức thư, ông Hoàng viết: “Cái chết của Giang Trạch Dân đã mang lại phần nào hy vọng cho người dân Trung Quốc. Mong rằng họ có thể làm theo lương tâm của mình và chấm dứt tham gia vào chiến dịch tiêu diệt Pháp Luân Công tàn bạo này.”
Khi ông Hoàng còn là nghiên cứu sinh tại Đại học Thanh Hoa, ông đã bị bỏ tù và tra tấn trong 5 năm vì tu luyện Pháp Luân Công và hành xử theo nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn.
Ông Hoàng, một trong số hàng nghìn người tập bị bức hại ở Trung Quốc, đã bị bắt vào tháng 12 năm 2000 khi còn là nghiên cứu sinh của Đại học Thanh Hoa và bị giam giữ trong 5 năm vì không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Ông bị ép lao động cưỡng bức trong 16 giờ mỗi ngày và bị tra tấn bằng dùi cui điện cao thế. Ông còn bị cấm ngủ trong 30 ngày liên tục và bị buộc phải ngồi xổm suốt ba ngày liền.
Trước cuộc bức hại
Ông Hoàng sinh ra trong một gia đình công nhân bình thường ở thành phố Tín Dương, tỉnh Hà Nam. Từ khi còn nhỏ, ông đã học hành chăm chỉ và luôn đạt thành tích xuất sắc ở trường. Năm 1994, nhờ thành tích học tập vượt trội của mình, ông đã được nhận vào Đại học Thanh Hoa, một trong những đại học danh tiếng nhất ở Trung Quốc. Sau đó, với kết quả học tập đứng đầu lớp, ông được bầu làm lớp trưởng và phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật của Khoa Dụng cụ Chính xác.
Một ngày đầu năm 1998, ông Hoàng đã được một người bạn giới thiệu Pháp Luân Công. Ông đã bị cuốn hút bởi môn tập này: “Các sách của Pháp Luân Công dạy những đạo lý rất cao thâm.”
Thời điểm này, Pháp Luân Công đang phổ truyền nhanh chóng trên khắp Trung Quốc, chỉ riêng trong khuôn viên Đại học Thanh Hoa đã có 12 điểm tập luyện. Ông Hoàng cho biết cảnh tượng vô cùng ngoạn mục mà ông từng được chứng kiến là có thời điểm mỗi điểm có đến hàng trăm người tham gia luyện các bài công pháp. Có điểm đã phải tăng thành bốn ca: sáng, trưa, chiều, và tối mỗi ngày bởi có quá nhiều người đến tập.
Sau khi tu luyện, nhiều sinh viên không còn ngủ nướng, chơi game nữa. Sức khỏe và đạo đức của họ được đề cao, và ngày càng có nhiều sinh viên tham gia.
Trước khi tốt nghiệp đại học, ông Hoàng được đề cử học lấy bằng tiến sỹ và trở thành nghiên cứu sinh của Đại học Thanh Hoa vào tháng 9 năm 1999.
Tưởng niệm nhạc sĩ bị ĐCSTQ tra tấn và giết hại nhân danh Thế vận hội
Di sản đáng sợ nhất của Giang Trạch Dân
Trong bức thư “Di sản của Giang Trạch Dân” trên tờ The Philadelphia Inquirer, ông Hoàng viết: “Di sản đáng sợ nhất của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân là phát động chiến dịch diệt chủng nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999.”
Ngày 20 tháng 7 năm 1999, ông Hoàng hết sức kinh ngạc khi đọc được từ trang web Minghui.org rằng những người phụ trách các điểm tập luyện ở các tỉnh trên toàn quốc đồng loạt bị bắt giữ. Ngày hôm sau, khi ông cùng các sinh viên Đại học Thanh Hoa đến thỉnh nguyện tại Văn phòng Kháng cáo gần Tây Đan, họ nhìn thấy cảnh sát vũ trang đánh đập các người tập Pháp Luân Công trên đường phố và dùng vũ lực lôi người tập lên xe bus. Sau đó, xe bus chở rất nhiều người tập đến Nhà thi đấu Thạch Cảnh Sơn và Nhà thi đấu Phong Đài ở ngoại ô Bắc Kinh. Ông đã chứng kiến một số người tập liên tục bị đánh đập và tạt nước. Một sinh viên Thanh Hoa đã bị đánh cho đến khi chiếc áo phông của anh ấy bị rách thành nhiều mảnh.
Ông Hoàng đã nhiều lần đến Văn phòng Kháng cáo Quốc gia để thỉnh nguyện, đến Quảng trường Thiên An Môn để giương biểu ngữ và được các phóng viên truyền thông phương Tây phỏng vấn. Do vậy, ông đã bị bắt, bị đánh đập và bị đình chỉ học.
Vào lúc 3 giờ chiều ngày 22 tháng 7 năm 1999, ban giám hiệu của Đại học Thanh Hoa yêu cầu mọi người xem TV, Đài Truyền hình Trung ương phát sóng lần đầu tiên quyết định của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ. Cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công chính thức bắt đầu.
Ngay tối hôm đó, tất cả các đài phát thanh, truyền hình và báo chí ở Trung Quốc đột nhiên dồn dập phô thiên cái địa phỉ báng Pháp Luân Công. Giang Trạch Dân đã ban hành chính sách, “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể” nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công. Phòng 610 các cấp được thành lập để bức hại Pháp Luân Công trong nhiều năm và vẫn tiếp tục cho đến hiện nay.
Dưới sự chỉ đạo của Giang Trạch Dân, các bệnh viện quân đội đã phối hợp với cảnh sát vũ trang để tiến hành cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ một lượng lớn người tập Pháp Luân Công còn sống và thành lập ngành công nghiệp để thực hiện “tội ác chưa từng thấy trên hành tinh này” (theo luật sư nhân quyền David Matas).
Ngày 25 tháng 10 năm 1999, người đứng đầu ĐCSTQ thời bấy giờ, Giang Trạch Dân, đã bôi nhọ Pháp Luân Công một cách trắng trợn khi trả lời phỏng vấn của tờ báo Pháp Le Figaro. Hai ngày sau, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã đăng một bài xã luận bôi nhọ Pháp Luân Công.
Bị giam giữ và tra tấn
Ngày 16 tháng 12 năm 2000, ông Hoàng bị bắt giữ phi pháp tại thành phố Châu Hải, tỉnh Quảng Đông. Sau đó, ông bị giam trong trại tạm giam Số 2 Châu Hải. Ở đây, ông bị nhốt vào một buồng giam nhỏ cùng 20 tù nhân khác. Không có ánh sáng mặt trời, mọi hoạt động như ăn uống, ngủ và làm ra các sản phẩm lao động khổ sai đều thực hiện tại đó.
Ông Hoàng cho hay ông bị buộc phải làm việc 7 ngày mỗi tuần, ít nhất 16 giờ mỗi ngày và thường là 18 đến 20 giờ, bởi khối lượng công việc rất nhiều. Ông không được phép ngủ nếu không hoàn thành chỉ tiêu.
Các sản phẩm lao động khổ sai do ông Hoàng làm bao gồm nhiều loại hoa nhựa, đèn cây thông Noel, vòng cổ, hộp bánh trung thu, đèn bàn, đồ chơi Người nhện, v.v.. Ông còn phải sơ chế thực phẩm. Mỗi người được phát một chiếc kìm lớn để kẹp phần vỏ cứng của hạt dẻ cười khiến chúng tách ra.
Đồng thời, ông Hoàng thường xuyên bị thẩm vấn, đe dọa và đánh đập. Bất kỳ sự phản kháng nào cũng sẽ gặp phải sự trả thù tàn bạo. Ông đã tuyệt thực hai lần, và cai ngục đã dùng kìm kim loại để cạy miệng ông ra và dùng vũ lực đổ vào miệng ông một chất lỏng không rõ nguồn gốc.
Sau lần tuyệt thực thứ hai, ông Hoàng bị còng tay và buộc phải quỳ trước mặt hàng trăm tù nhân. Hơn mười cai ngục đã sốc điện ông bằng dùi cui điện cao thế. Dòng điện chạy qua cơ thể khiến ông co giật dữ dội.
Ông Hoàng đã bị cầm tù tổng cộng 5 năm, trong đó có gần 1 năm biệt giam. Có thời điểm, ông bị cấm ngủ suốt 1 tháng.
Chuyện đời cựu quan chức ngoại giao cấp cao: Vì sao tôi thoái ĐCSTQ
Tội ác của Giang Trạch Dân cần bị đưa ra xét xử
Vào tháng 7 năm 2015, 34 giảng viên và sinh viên Đại học Thanh Hoa trong và ngoài Trung Quốc đã cùng nhau khởi kiện Giang Trạch Dân về tội tra tấn và tội ác chống lại loài người, đồng thời yêu cầu bồi thường. Ông Hoàng, khi đó đã ở Hoa Kỳ, cũng tham gia vụ kiện này với tư cách là nạn nhân. Một luật sư người Úc đã chuẩn bị hồ sơ vụ kiện và gửi đến Tòa án Tối cao Trung Quốc, Viện Kiểm sát Tối cao và Bộ Công an ở Bắc Kinh.
Ngày 21 tháng 9 cùng năm, tờ The Hill đã đăng bài viết trên blog của ông Hoàng, giải thích lý do buộc tội Giang Trạch Dân.
Ông Hoàng viết rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công của Giang là một cuộc bức hại trên quy mô lớn, không chỉ nhắm trực tiếp vào khoảng 100 triệu người tập mà còn liên lụy đến người thân và bạn bè của họ, với sự tham gia của nhiều cơ quan khác nhau của chính phủ, như cảnh sát, viện kiểm sát, tòa án, truyền thông, trường học và hệ thống giáo dục. Phạm vi của cuộc bức hại rộng đến mức khó có thể hình dung được.
Ông nói, “Giang là một kẻ phạm tội ác tày trời. Đáng tiếc là trước khi chết ông ta không bị đưa ra trước công lý. Nhưng hệ quả của sự tàn độc của ông ta nhất định phải được công bố trước thiên hạ. Những tổn hại của người dân Trung Quốc phải được tính sổ đến cùng. Công lý cuối cùng sẽ chiến thắng. Gia đình tham nhũng của ông ta sẽ không thoát khỏi công lý.”
“Tam thoái” là cách tốt để tự cứu mình trước tai họa
Ông Hoàng tin rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công của Giang Trạch Dân đã gây ra tai họa lớn cho Trung Quốc. ĐCSTQ vốn không hề coi trọng mạng sống của người dân, điều mà nó coi trọng nhất chính là quyền thống trị của nó. Trong hoàn cảnh như vậy, nếu mọi người vẫn không nhận ra bản chất của ĐCSTQ và rời xa nó, thì điều đó thực sự nguy hiểm.
Ông Hoàng nêu ví dụ rằng đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay ở Trung Quốc thể hiện rõ sự vô trách nhiệm tột độ của ĐCSTQ đối với người dân. Từ việc phong tỏa cực kỳ vô nhân tính ngay từ đầu đại dịch cho đến việc đột ngột dỡ bỏ phong tỏa mà không báo trước, khiến dịch bệnh bùng phát. Trung Quốc đang phải hứng chịu tình trạng thiếu thuốc men và thiếu thiết bị y tế trầm trọng, khiến nhiều người không thể được điều trị y tế. Không những thế, ĐCSTQ còn yêu cầu mọi người nhanh chóng quay trở lại làm việc, điều này càng đẩy nhanh sự lây lan của dịch bệnh và không có biện pháp kiếm soát. Nhiều video hoặc tin tức từ Trung Quốc đại lục tiết lộ rằng các nhà tang lễ và bệnh viện ở nhiều thành phố đã chật kín, hành lang để đầy xác người chết, hỏa táng không xuể. Một số lượng lớn các quan chức cấp cao của ĐCSTQ, đảng viên và những người đi theo ĐCSTQ đã qua đời.
Ông Hoàng nói, người Trung Quốc có câu “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” . ĐCSTQ đã làm quá nhiều điều xấu, nhất định sẽ bị ông Trời trừng phạt. Những người đứng về phía nó chắc chắn sẽ rơi vào tình thế hết sức nguy hiểm. Trước sự bùng phát của dịch bệnh, đối với người dân mà nói, biện pháp quan trọng và khả thi nhất chính là “thoái ĐCSTQ” (thoái xuất khỏi Đảng, Đoàn, Đội), như vậy họ có thể vạch rõ ranh giới với tổ chức tà ác này.
Ông Hoàng nhấn mạnh: “Bảo trì lòng tốt và thoái ĐCSTQ là điều hết sức quan trọng đối với mỗi người, đặc biệt là trong thời đại rối ren này.”
Trích lược từ “Philadelphia, Hoa Kỳ: Cựu nghiên cứu sinh Đại học Thanh Hoa phơi bày di sản đáng sợ nhất của Giang Trạch Dân”
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Anh Tử
Mời xem video :