Cựu Chủ tịch Trung tâm Hỗ trợ người nghèo bị đề nghị án chung thân
Cựu Chủ tịch Trung tâm Hỗ trợ người nghèo bị đề nghị án chung thân Đỗ Tuấn Anh Thứ 5, 04/08/2022 | 23:01
Chiều nay (4/8) phiên xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch HĐTV Trung tâm Hỗ trợ người nghèo cùng 4 đồng phạm là thuộc cấp bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tiếp tục diễn ra.
Tại phiên tòa, đại diện VKS đề nghị các mức án đối với từng bị cáo trong vụ án.
Cụ thể, bị cáo Trần Đức Chung bị đề nghị mức án chung thân.
Bị cáo Bùi Thị Oanh từ 16 – 17 năm tù, bị cáo Phan Thị Thoa từ 9 – 10 năm, hai bị cáo Nhâm Sỹ Phúc và Phạm Văn Lực cùng chung mức án từ 7 – 8 năm.
Sau khi nghe đề nghị của VKS, bị cáo Trần Đức Chung tiếp tục khẳng định trước HĐXX là mình bị “oan”.
Ngoài ra, ông Trung còn trình bày với HĐXX rằng trong các hóa đơn thu tiền gửi đến các bị hại đều có nội dung “tự nguyện” quyên góp để hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn.
"Bản thân tôi đã làm đúng và không sai với các thẩm quyền được quy định từ Trung tâm và chính tôi cũng là “bị hại” trong chương trình này, còn ai làm sai thì người ấy chịu", ông Trung tự bào chữa cho mình.
Sau khi lắng nghe, Thẩm phán đề nghị ông Trung tập trung vào phần bào chữa "có tội hay không", còn HĐXX không hỏi về nội dung chi tiết tố cáo hay khiếu nại đối với các cơ quan có thẩm quyền.
Trao đổi với Người Đưa tin bên lề phiên tòa, ông Phan Quang Thanh một nạn nhân đến từ Hưng Yên cho rằng, bản thân ông cùng các bị hại khác đã nộp tiền về Trung tâm do bị cáo Trần Đức Trung đứng đầu với số tiền là gần 2 tỷ đồng.
"Nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ một khoản khắc phục thiệt hại nào từ phía Trung tâm này", ông Thanh chia sẻ. Toàn bộ số tiền trên ông Thanh đều chuyển khoản cho Trung tâm và có đầy đủ hóa đơn chứng minh trước cơ quan CSĐT và HĐXX.
Một phụ nữ khác đến từ Thanh Hóa cho biết, rất bức xúc trước thái độ “quanh co”, đổi hết mọi sai phạm cho cấp dưới của mình từ ông Trần Đức Trung.
Ghi nhận tại phiên tòa, phần đông trong các bị hại là người cao tuổi, hộ nghèo, khó khăn về tài chính nhưng vì thiếu hiểu biết nên đã bị “mắc bẫy” từ chương trình hỗ trợ này.
Theo cáo trạng, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới thành lập năm 2013, chưa được cấp phép hoạt động và không có hoạt động phát sinh doanh thu , nhưng từ tháng 4/2015, bị cáo Trung cùng các đồng phạm lấy danh nghĩa trung tâm để tổ chức chương trình “Trái tim Việt Nam ”. Họ đưa ra chính sách bất khả thi, kèm theo hứa hẹn hỗ trợ lại người tham gia với lãi suất cao cho những ai nộp tiền vào trung tâm.
Ông Trung và các đồng phạm bị cáo buộc đã lập 26 điểm tư vấn, 6 nhóm để thu tiền của hơn 1.000 bị hại tại 16 tỉnh, thành phố với tổng cộng khoảng 148 tỷ đồng. Số tiền này, các bị cáo sử dụng vào mục đích cá nhân hơn 49 tỷ đồng, riêng ông Trung hưởng 26,3 tỷ đồng .