Cường kích “Lợn lòi” A-10 Warthog hộ tống tàu ngầm hạt nhân Mỹ

Chia sẻ Facebook
18/05/2024 03:32:07

Đây có thể là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với “Thần sấm” A-10 Thunderbolt II được nhiều người yêu thích nhưng đang đứng trước nguy cơ bị cho “nghỉ hưu”.


Các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) của Mỹ là một trong những tài sản hàng hải có giá trị cao nhất trên thế giới và chúng luôn có lực lượng hộ tống bảo vệ khi ra vào cảng.


Kinh nghiệm trước đây về các mối đe dọa bất đối xứng đã khiến Hải quân Mỹ phải hết sức thận trọng với các máy bay không người lái (gọi là UAV hoặc drone) và tàu nhỏ.


Tuy nhiên, lực lượng đặc nhiệm hộ tống cho chuyến khởi hành mới nhất của tàu ngầm hạt nhân USS Nebraska (SSBN 739) đã thu hút nhiều sự chú ý, Tạp chí Maritime Executive đưa tin hôm 13/5.


Theo Tạp chí danh tiếng về lĩnh vực hàng hải, Không quân Mỹ đã triển khai một phi đội gồm các cường kích “Thần sấm” A-10 Thunderbolt II, còn được biết tới với tên gọi “Lợn lòi” (Warthog), bay canh gác khi USS Nebraska ra khỏi Eo biển Juan de Fuca.


Đây có thể là nhiệm vụ quan trọng nhất trong nhiều năm qua đối với lớp máy bay được nhiều người yêu thích, đặc biệt là trong thời bình.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio USS Nebraska được cường kích A-10 Thunderbolt II hộ tống khi đi qua eo biển San Juan de Fuca. Ảnh: EurAsian Times


A-10 Thunderbolt II là cường kích duy nhất của Mỹ đã được chứng minh khả năng thực chiến và được bộ binh yêu thích vì khả năng tấn công các vị trí cố thủ của kẻ địch. “Lợn lòi” cũng là mẫu máy bay duy nhất được thiết kế ngay từ đầu để hỗ trợ không lực tầm gần, kiểm soát không lưu, cũng như tìm kiếm cứu nạn trong chiến đấu.


Được trang bị vũ khí hạng nặng và bọc thép, Warthog đã thể hiện khả năng của mình với tư cách “sát thủ diệt tăng” trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và là một nền tảng hỗ trợ trên không tầm gần hiệu quả cao trong quá trình triển khai thường xuyên trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.


Nhưng trong bối cảnh thời thế không ngừng thay đổi và nhu cầu ngân sách dành cho các nền tảng máy bay chiến đấu cao cấp hơn ngày càng tăng, “Thần sấm” đang dần biến mất khỏi bầu trời.


Theo Tạp chí National Interest, Không quân Mỹ gần đây đã loại biên 2 chiếc A-10 và chuyển chúng đến “nghĩa trang” tại Căn cứ Không quân Davis-Monthan ở bang Arizona. Chúng nằm trong số 42 chiếc A-10 đầu tiên “nghỉ hưu” trong năm nay, với việc 260 chiếc còn lại dự kiến sẽ ngừng hoạt động trong vài năm tới.


Khi lực lượng không quân “xứ cờ hoa” muốn duy trì một phi đội gồm 135 chiếc A-10 trong những năm tới, họ cần tìm một nhiệm vụ mới cho nền tảng tấn công mặt đất chuyên dụng này, bên ngoài các “điểm nóng” xung đột.

Cường kích “Thần sấm” A-10 Thunderbolt II, còn được biết tới với tên gọi “Lợn lòi” (Warthog). Ảnh: National Review


Theo đó, hộ tống lực lượng hải quân trong vùng biển của Mỹ có thể là một lựa chọn mới. Trước đây, A-10 đã được thử nghiệm với các mục tiêu là tàu nhỏ, và được cho là có khả năng ngăn chặn xuồng cao tốc trên biển một cách hiệu quả như nó đã làm với xe tăng trên đất liền.


Với tốc độ chậm, “Lợn lòi” có thể bay ở tầm thấp và gần, tiếp cận bất kỳ mối đe dọa tiềm ẩn nào trong tầm bắn và hành động, với pháo 7 nòng GAU-8/A Avenger cỡ 30 mm và hàng tấn vũ khí hạng nặng khác.


Trong lần thử nghiệm này, theo Tạp chí Maritime Executive, tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio thứ 14 USS Nebraska được hộ tống bởi 4 cường kích A-10 bên cạnh lực lượng hộ tống hàng ngày của “siêu thủy quái” này, bao gồm lực lượng tiền trạm của Tuần duyên Mỹ và một chiếc OSV đã được chuyển đổi.


Hải quân Mỹ không nói rõ liệu những chiếc A-10 có xuất hiện định kỳ hay đây chỉ là cuộc thử nghiệm một lần, nhưng xét theo bình luận trực tuyến, đây thực sự là một buổi triển lãm hàng không dành cho những người đam mê công nghệ hàng không, Maritime Executive cho hay .


Minh Đức (Theo Maritime Executive, National Interest)

Chia sẻ Facebook