Cuối năm 2020, nợ thuế tăng gần 14.000 tỷ đồng, loạt địa phương tăng cao đột biến
Báo cáo Kiểm toán nhà nước cho thấy, nợ do cơ quan thuế quản lý tính đến hết năm 2020 tăng gần 14 nghìn tỷ đồng, tương ứng 29,6%. Tình trạng nợ thuế ở nhiều địa phương tăng và hải quan gây "lọt nợ" khá phổ biến...
Cuối năm 2020, nợ thuế tăng gần 14.000 tỷ đồng, loạt địa phương tăng cao đột biến
Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh vừa ký báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021 gửi Quốc hội.
Liên quan đến lĩnh vực quản lý nợ thuế, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, nợ thuế do cơ quan thuế quản lý tính đến ngày 31/12/2020 là 99.074 tỷ đồng, giảm 0,63% (631 tỷ đồng) so với năm 2019.
NỢ THUẾ CÓ KHẢ NĂNG THU TĂNG MẠNH 29,6%
Tuy nhiên, đáng chú ý, nợ có khả năng thu tăng mạnh 29,6% tương ứng 13.999 tỷ đồng. Chỉ rõ nguyên nhân tăng nợ khó thu so với năm 2019, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, đại dịch Covid - 19 xuất hiện và bùng phát trên phạm vi toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai gây thiệt hại lớn, tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm cho nhiều người nộp thuế bị thiệt hại nặng nề, kinh doanh thua lỗ không còn nguồn tài chính để kịp thời nộp tiền thuế và tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước.
Đồng thời, “còn tình trạng một số người nộp thuế lợi dụng dịch bệnh, chây ỳ, chưa nộp kịp thời tiền thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước”, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.
Ngoài ra, các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của một số dự án do có vướng mắc chưa đi vào hoạt động khai thác, chờ các địa phương giải phóng mặt bằng, đền bù, tranh chấp, hoặc chờ phê duyệt phương án điều chỉnh mục đích sử dụng, điều chỉnh diện tích khai thác nên người nộp thuế chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
Còn nợ khó thu giảm 37,7%, tương ứng giảm 16.658 tỷ đồng do thực hiện khoanh nợ tiền thuế và xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 có hiệu lực từ 1/7/2020. Nợ đang xử lý tăng 24,2%, tương đương 2.028 tỷ đồng.
Đáng quan ngại, "53/63 địa phương có dư nợ có khả năng thu tăng, trong đó, một số địa phương có mức tăng cao như tỉnh Bình Định tăng 279,2% (số tuyệt đối tăng 762,8 tỷ đồng); TP. Cần Thơ tăng 191,8% (số tuyệt đối tăng 954 tỷ đồng); TP. Đà Nẵng tăng 70,5% (số tuyệt đối tăng 811,4 tỷ đồng), tỉnh Thanh Hóa 263% (số tuyệt đối tăng 1.973,5 tỷ đồng)". (Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021 của Kiểm toán nhà nước. |
Bên cạnh đó, 60/63 địa phương có mức dư nợ khó thu giảm, trong đó có một số địa phương có mức giảm cao.
Báo cáo cũng chỉ rõ, có 19/45 Cục Thuế được kiểm toán tổng hợp chưa đầy đủ số liệu nợ đọng thuế 2.230 tỷ đồng như Cục Thuế TP. Hà Nội 60,9 tỷ đồng; Lai Châu 103,9 tỷ đồng; Lào Cai 335 tỷ đồng; Nghệ An 1,8 tỷ đồng; Ninh Bình 1,4 tỷ đồng; Quảng Nam 117,1 tỷ đồng; Quảng Ngãi 160,5 tỷ đồng, Vĩnh Phúc 305,9 tỷ đồng....
“Phần lớn các Cục Thuế chưa hoàn thành chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao về thu nợ thuế trong năm 2020”, Kiểm toán Nhà nước đánh giá thẳng thắn.
Một số cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế chưa đầy đủ, kịp thời như Cục Thuế tỉnh Hậu Giang; Ninh Bình; Bình Phước; Bình Thuận; Đồng Tháp, Đắk Nông; Quảng Ninh; Thái Bình... hay phân loại nợ chưa đúng quy định như một số đơn vị trực thuộc Cục Thuế tỉnh Gia Lai; An Giang; Bình Định.
Liên quan đến tình hình thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội có hiệu lực từ 01/7/2020, Kiểm toán nhà nước cho hay, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, năm 2020 tổng số khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tại các địa phương 24.987 tỷ đồng, tương ứng xóa nợ của 62.278 người nộp thuế với số tiền 1.553 tỷ đồng; khoanh nợ của 493.472 người nộp thuế với số tiền 23.434 tỷ đồng.
Số khoanh nợ thuế đã được các Cục Thuế địa phương điều chỉnh giảm trên báo cáo nợ thuế mẫu 02/QLN đến 31/12/2020 và theo dõi trên một mục danh sách các quyết định khoanh nợ trên TMS .
Tuy nhiên, khoản 3 Điều 84 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định “Cơ quan quản lý thuế tiếp tục theo dõi các khoản tiền thuế nợ được khoanh và phối hợp với các cơ quan có liên quan để thu hồi tiền thuế nợ khi người nộp thuế có khả năng nộp thuế hoặc thực hiện xóa nợ theo quy định tại Điều 85 của Luật này”, nhưng quy trình quản lý nợ thuế tại Quyết định số 1401/QĐ-TCT ngày 28/7/2015 chưa sửa đổi phù hợp với Luật quản lý thuế năm 2019, do chưa có hướng dẫn việc theo dõi khoản khoanh nợ này.
Theo giải trình của Tổng cục Thuế hiện tại Tổng cục Thuế đang xây dựng quy trình quản lý nợ thuế thay thế quy trình 1401, trong đó, sẽ bổ sung việc hướng dẫn theo dõi và quản lý đối với khoản tiền thuế đã được khoanh nợ.
HẢI QUAN "LỌT" NỢ DO "BỎ QUÊN" DOANH NGHIỆP NGỪNG, TẠM NGỪNG KINH DOANH
Về nợ thuế do cơ quan hải quan quản lý, Kiểm toán nhà nước cho biết, nợ quá hạn đến 31/12/2020 là 7.115 tỷ đồng, tăng 1% (67,8 tỷ đồng) so với năm 2019, bằng 2,2% số thu ngành hải quan năm 2020.
Cụ thể, nợ quá hạn về thuế chuyên thu 5.660 tỷ đồng, tăng 1,4% (78 tỷ đồng); nợ quá hạn về thuế tạm thu 1.454 tỷ đồng, giảm 0,7% (10,7 tỷ đồng).
Nguyên nhân chủ yếu là kết quả từ công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra sau thông quan, nên các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đã ban hành các quyết định ấn định thuế đối với một số các doanh nghiệp, dẫn đến làm phát sinh tăng số nợ tiền thuế phải thu như: Cục Hải quan Lào Cai tăng 88,9 tỷ đồng, Bắc Ninh 31,2 tỷ đồng… |
Đáng chú ý, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ rõ 15/36 Cục Hải quan có số nợ đọng thuế chuyên thu quá hạn tăng so với năm 2019.
Một điểm Kiểm toán nhà nước thấy không hợp lý là qua kiểm toán cho thấy, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định số 1503/QĐ-TCHQ ngày 18/5/2018 về quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó, quy định phân loại nợ khó thu đối với trường hợp ngừng và tạm ngừng hoạt động kinh doanh là không phù hợp với quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế hiện hành.
Cụ thể, Tiết d, Khoản 2 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/20/2020 hướng dẫn Luật Quản lý thuế quy định về Quản lý thuế đối với người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh quy định: “Người nộp thuế phải chấp hành các quyết định, thông báo của cơ quan quản lý thuế về đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế và xử lý hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế”.
"Điều này có nghĩa cơ quan quản lý thuế vẫn phải thực hiện đôn đốc thu nợ trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động kinh doanh", Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Quyết định số 1503 lại hướng dẫn phân loại các trường hợp ngừng và tạm ngừng hoạt động động kinh doanh vào nợ khó thu.
Như vậy, cơ quan hải quan sẽ không thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ.
Mặt khác, Quyết định số 1503/QĐ-TCHQ cũng không hướng dẫn cơ quan hải quan hàng năm phải thực hiện rà soát phân loại lại đối với các trường hợp người nộp thuế hoạt động kinh doanh trở lại, không còn ở trạng thái ngừng/tạm ngừng hoạt động kinh doanh.
Điều này dẫn đến qua chọn mẫu một số người nộp thuế có số nợ thuế lớn tại Sổ chi tiết nợ khó thu đến ngày 31/12/2020 của 4 Cục Hải quan để tham chiếu với trạng thái của người nộp thuế trên web tracuunnt.gdt.gov.vn cho thấy: có 3 người nộp thuế có nợ thuế 18 tỷ đồng được phân loại vào nợ khó thu do thuộc trường hợp ngừng và tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng thực tế các doanh nghiệp này vẫn đang hoạt động.
Về tình hình khoanh nợ tiền thuế và xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước cho rằng, năm 2020 Tổng cục Hải quan chưa thực hiện khoanh nợ tiền thuế và xóa nợ.
Nguyên nhân chưa thực hiện năm 2020 theo giải trình của Tổng cục Hải quan do các Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải gửi văn bản đề nghị cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh… xác minh thông tin người nộp thuế.
Trên cơ sở xác minh của các cơ quan trên, cơ quan hải quan mới hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14.
Sang năm 2021, Tổng cục Hải quan đã thực hiện khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết trong đó số xóa nợ đến 31/12/2021 là 6,58 tỷ đồng, số khoanh nợ 173,6 tỷ đồng.
Ánh Tuyết
VnEconomy