Cuối cùng kim cương Nga cũng không thoát khỏi đòn trừng phạt của EU
Nga là nước sản xuất kim cương thô lớn nhất thế giới tính theo sản lượng, với hơn 90% hoạt động kinh doanh do một công ty duy nhất là Alrosa thống trị.
Liên minh châu Âu (EU) hôm 18/12 đã đồng ý áp dụng một loạt các biện pháp trừng phạt mới với Moscow, bao gồm lệnh cấm kim cương Nga được chờ đợi từ lâu. Lệnh cấm kim cương Nga sẽ được thực hiện với sự phối hợp của G7, vốn đã công bố lệnh cấm tương tự vào đầu tháng này.
Ngành kinh doanh trang sức kim cương tự nhiên toàn cầu trị giá 87 tỷ USD. Riêng ở Nga, ngành kim cương đóng góp khoảng 4,5 tỷ USD cho nền kinh tế nước này hàng năm.
Điều đó khiến nó trở thành một trong những ngành lớn nhất ở “xứ sở Bạch dương” vẫn tránh được các lệnh trừng phạt sâu rộng do các cường quốc phương Tây áp đặt kể từ khi Tổng thống Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine gần 2 năm trước.
Tuy nhiên, tình hình giờ đã khác. Là một phần trong gói trừng phạt thứ 12 được thiết kế nhằm siết nguồn doanh thu của Điện Kremlin, lệnh cấm kim cương Nga sẽ có hiệu lực đầy đủ vào cuối năm sau.
Lộ trình 3 bước
Cụ thể, dựa trên lộ trình 3 bước về cấm kim cương Nga của G7, bắt đầu từ ngày 1/1/2024, 27 quốc gia thành viên EU sẽ không còn được phép mua kim cương tự nhiên và tổng hợp, cũng như đồ trang sức bằng kim cương đến trực tiếp từ Nga, ngoại trừ kim cương được dùng cho mục đích công nghiệp.
Kể từ ngày 1/3/2024, lệnh cấm nhập khẩu sẽ bắt đầu áp dụng đối với kim cương và đồ trang sức có nguồn gốc từ Nga nhưng được cắt và đánh bóng ở các nước khác. Và đến ngày 1/9/2024, lệnh cấm của EU sẽ mở rộng sang kim cương được sản xuất trong phòng thí nghiệm và đồng hồ có chứa kim cương.
Lệnh cấm kim cương Nga của phương Tây mở ra cánh cửa hợp tác với nhiều “ông lớn” khác trong ngành kim cương như Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Tính chất bí mật của ngành công nghiệp kim cương được cho là nguyên nhân chính khiến phương Tây “chùn tay”. Kim cương được chuyển qua tay nhiều bên trước khi đến tay khách hàng cuối cùng. Ví dụ: Kim cương thô của Nga thường được cắt và đánh bóng ở Ấn Độ, sau đó được giao dịch ở Antwerp, Bỉ, từ đó chúng được vận chuyển đến các thị trường khác trên thế giới như Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc) và UAE.
Điều này có nghĩa là một nhà bán lẻ sẽ rất khó hoặc không thể xác định chính xác nguồn gốc của một viên kim cương cụ thể, khiến cho việc phân biệt đá quý của Nga với đá quý không phải của Nga trở nên khó khăn.
Lo ngại rằng lệnh cấm được thiết kế kém sẽ nhanh chóng trở thành nạn nhân của thị trường ngầm, EU và G7 đã phát triển một hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc tế để truy tìm kim cương trên toàn bộ chuỗi cung ứng, từ mỏ đến cửa hàng.
Bỉ – điểm đến chính của kim cương Nga với Antwerp được mệnh danh là thủ đô kim cương của thế giới – sẽ sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc dựa trên Blockchain để xác định và xác minh nguồn gốc của kim cương nhập khẩu.
Nỗ lực lấp “lỗ hổng”
Ngoài lệnh cấm kim cương, một loạt các biện pháp trong gói trừng phạt thứ 12 của EU kể từ tháng 2/2022 cũng nhằm mục đích lấp đi những “lỗ hổng” đã vô hiệu hóa biện pháp giới hạn giá dầu Nga ở mức 60 USD/thùng.
Moscow trong những tháng gần đây đã bán sản phẩm của mình vượt mức giới hạn nhờ một “hạm đội bóng tối” bao gồm các tàu cũ kỹ chuyên chở dầu và dịch vụ của các công ty thương mại ít tên tuổi. Tất cả đã giúp dầu Nga dễ dàng vượt qua những hạn chế mà phương Tây cho rằng đã nằm trong tầm kiểm soát.
Vòng trừng phạt mới nhất của EU không làm thay đổi giới hạn 60 USD/thùng nhưng đưa ra các biện pháp mới để đảm bảo doanh số bán dầu Urals toàn cầu nằm trong trần giá, giống như yêu cầu thông báo về việc bán tàu chở dầu do EU sản xuất tới Nga. Yêu cầu này sẽ được áp dụng với hiệu lực hồi tố để theo dõi điểm đến cuối cùng của các tàu chở dầu được bán trong năm qua.
Hơn nữa, gói trừng phạt này còn bổ sung 29 công ty vào danh sách các thực thể có liên quan đến tổ hợp quân sự của Nga, bao gồm các công ty được đăng ký ở Uzbekistan và Singapore bị nghi ngờ giúp Điện Kremlin có được những công nghệ cao nằm trong “danh sách đen” hạn chế. Không có công ty Trung Quốc nào bị nhắm tới lần này.
Ngoài kim cương, gói trừng phạt mới nhất còn hạn chế nhập khẩu gang, dây đồng, dây nhôm, giấy bạc, ống và ống dẫn có nguồn gốc từ Nga, tổng cộng có giá trị 2,2 tỷ Euro mỗi năm. Việc mua khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) do Nga sản xuất, trị giá hơn 1 tỷ Euro hàng năm, sẽ bị cấm trong thời gian chuyển tiếp 12 tháng.
Trong nỗ lực mới nhằm trấn áp vấn đề gian lận dai dẳng, các nhà sản xuất hàng hóa nhạy cảm ở châu Âu, như hàng không, nhiên liệu máy bay và súng cầm tay, sẽ phải tuân thủ một điều khoản hợp đồng về cấm tái xuất khẩu hàng hóa của họ sang Nga.
Lệnh cấm xuất khẩu được mở rộng để bao gồm các sản phẩm như máy điều nhiệt, máy công cụ, tia laser, pin và các mặt hàng đồng và nhôm được sản xuất tại thị trường EU. Ngoài ra, các công ty châu Âu sẽ bị cấm cung cấp cho các công ty Nga phần mềm quản lý doanh nghiệp và thiết kế công nghiệp.
“Chúng tôi tiếp tục sát cánh cùng Ukraine, bất chấp mọi khó khăn”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết hôm 18/12 khi ăn mừng việc gói trừng phạt thứ 12 được thông qua.
Các biện pháp trừng phạt dự kiến sẽ sớm được công bố trên tạp chí chính thức của EU, từ đó cho phép chúng chính thức có hiệu lực. Đáng chú ý, Hungary không phủ quyết gói trừng phạt mới nhất này .
Minh Đức (Theo Euronews, Reuters, AP)